Một chuyến đi đáng nhớ với văn nghệ sĩ
Chúng tôi lên đường một ngày mưa tầm tã. Ngồi đợi mọi người ở quán cà phê đối diện Trụ sở hợp khối - nơi cơ quan Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa đóng đô mà lòng tôi cứ sốt sình sịch:
Đoàn văn nghệ sĩ xứ Thanh đi thực tế tại huyện Như Xuân. Ảnh: Việt Dũng
- Cụ Trần Đàm, mưa gió này các lão trượng đi có ổn không?
- Đi chứ sao! Câu trả lời buột ra tức thì, khi tôi chưa dứt lời. Tôi an lòng hơn nhưng vẫn réo rắt:
- Nhưng chụp ảnh tư liệu hay nghệ thuật thì đều là không thuận đấy cụ?
- “Bão giông cũng quyết đi rồi, cứ đi trời thấu sẽ chiều lòng người” - Nhà thơ Bùi Khắc Viên đang trầm ngâm bỗng lên tiếng rất hào sảng. Nhà thơ Lê Xuân Đồng, nhà văn Nguyễn Huy Súc gật gật, tỏ ý đồng thuận. Tôi đánh mắt sang nhà báo Kiều Huyền và nhà lý luận Hỏa Diệu Thúy đang háo hức dù trong cái nhìn các chị có chút vẻ lo âu trước cơn mưa đỏng đảnh cuối thu.
Đón được hai người, một là Lê Việt Dũng - cán bộ Ban Dân tộc tỉnh và sau cùng là nhà văn Lê Huy Quân, lái xe của đoàn chúng tôi rẽ mưa thẳng tiến. Phía trước mặt mưa giăng kín hai bên đường cây cối xanh um, nhờ cơn mưa thức dậy, cành lá vươn vai, mướt mắt. Chính lúc này đây lòng tôi có linh cảm sẽ là chuyến đi đầy chất thơ và lý thú. Những câu chuyện đùa như thật, thật như đùa rất hóm của các cụ tuổi 70, 80 xuân càng thêm “tiếp lửa”. Nhà văn Lê Huy Quân gần 80 tuổi nói rất hùng tráng “cứ đâu cần là ta tới”. Đoàn đi chỉ gần chục người mà có hẳn biệt đội “Tứ đầu bạc”, có 3 nhà văn là nhà giáo, có 3 văn nghệ sĩ là nhà báo, một nhà thơ - chiến sĩ, một nhà văn - bác sĩ... Hiếm có một chuyến công tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh về địa phương thực địa mà hội viên thuộc đa dạng chuyên ngành đến thế cùng đi.
Đoàn chúng tôi vừa đến trụ sở UBND huyện Như Xuân đã được đồng chí Nguyễn Bá Hùng - Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch phụ trách văn xã huyện đón tiếp thiện tình. Chúng tôi đến, ngay phút đầu tiên đã cảm nhận hơi ấm của tình rừng và tình người nơi đây. Cứ mãi dán mắt vào không gian đẹp thoáng của huyện, tôi vào hội trường của huyện khi mọi người đã yên vị chỗ ngồi. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện đứng dậy cất lời đầy trân trọng: “Chào mừng các bác, các anh, các chị về với mảnh đất Như Xuân”... Sau màn chào hỏi, giới thiệu, chúng tôi bày tỏ tâm tư, trò chuyện hồ hởi như những người thân lâu ngày gặp mặt. Sau đó lại được anh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo những kết quả làm được cũng như định hướng phấn đấu của huyện nhà. Điều rất đặc biệt anh báo cáo không cần văn bản mà từ thông số đến nội dung đều rất mạch lạc. Là người gắn bó công tác lâu năm, công việc tâm huyết và xốc vác, sâu sát nên anh cặn kẽ, tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi biết từng vấn đề. Nghe xong thấy thú vị, chúng tôi càng háo hức được “tận mục sở thị” nơi đây.
Chúng tôi về Như Xuân lần này như một sự xui khiến nào đó, khi trước đó cũng định đi huyện Hoằng Hóa một chuyến rồi mới tính đi đâu sau đó. Không ngờ nhà báo, nhà văn Kiều Huyền đã nhanh ý kết nối nơi này khi biết những người trong đoàn có nhiều người chưa được đến, có người từng gắn bó lâu năm nhưng chưa có dịp trở lại. Nhà thơ Lê Xuân Đồng - nguyên là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông từng là đại biểu Quốc hội tỉnh được phân công gắn bó thực địa nơi này từ những năm còn công tác. Giờ được về lại nơi đây cảm giác hồ hởi, háo hức, niềm vui lộ trên nét mặt: “Đường sá giờ đẹp quá các bác ạ. Ngày trước em lên và ở lại đây đi lại, ăn ở của bà con vất vả lắm. Đường sá thông thương các huyện, xã và với tỉnh Nghệ An khiến đời sống bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu là phải”. Nhà văn Nguyễn Huy Súc cũng đồng tình: “Đúng đấy, bà con mình giờ sướng thật. Đường đi thẳng tiến tận các thôn, bản. Điện sáng mọi nhà, trường, trạm cơ ngơi như kia. Cứ như mơ còn gì!”. Ánh mắt ông đăm đăm về phía ngôi trường mầm non rất đẹp của xã Yên Lễ. Giọng ông khàn khàn, đầy vẻ tâm đắc khiến tôi càng nhớ mãi những câu chuyện về xây dựng nông thôn mới ông chia sẻ: “Hiện nay huyện có 4 xã nông thôn mới, tới đây còn mấy xã cán đích nữa đấy các ông ạ”. Rồi cả nhóm nhà văn đầu bạc rôm rả những câu chuyện về văn hóa, con người, lịch sử, kỷ niệm... Rồi các cụ bỗng nhiên trầm tư khi biết nơi đây vốn đất trồng lim giờ chỉ còn một cây lim duy nhất. Tôi lặng nghe mà lòng bộn lên bao niềm vui cùng những nỗi niềm. Những chuyện nóng hôm qua, cả chuyện đời phía trước cứ lăn theo con dốc, góc cua mà đến nơi đã hẹn lúc nào không rõ. Âu cũng là kỷ niệm khó phai của chuyến đi này.
Điểm đến của chúng tôi là thác Đồng Quan của xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân - một thác nước đẹp, vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng. Huyện đã quan tâm làm con đường lên dốc, cứ đi từng bậc vào tận nơi thác. Đó là sự đầu tư rất quý, còn thác thì phải chăng cần sự nguyên sơ. Thác nước tựa dải lụa trắng muốt, chảy xuôi như suối tóc người con gái, từng sợi nước chảy xuôi mang theo bao tưởng tượng, xúc cảm. Chỉ thác nước thôi mà với nghệ sĩ nhiếp ảnh thì tìm một góc chụp thật khéo để có những tác phẩm nghệ thuật nhất. Nhà văn đi tìm một chi tiết, động thái...; nhà nghiên cứu tìm những mạch nguồn, gốc cội; nhà lý luận phê bình thì đi tìm những thuận – nghịch... của thiên nhiên mà tìm ra những bí ẩn; nhà thơ thì thả hồn theo những cuồn cuộn dòng chảy mà dùng dằng với những thi ảnh khó rời... Cứ thế mà đoàn chúng tôi vừa thưởng ngoạn vừa chia sẻ những ý tưởng cho tác phẩm riêng, khiến cuộc đi rôm rả và sôi động. Nhớ nhất là hình ảnh cụ Trần Đàm đang say thác, say chuyện thì lại loay hoay tìm thế đứng chụp ảnh, rứa là trượt chân ngã. Ngã xong cụ không cho ai đỡ mà tự đứng dậy. Quần áo nước chảy ròng ròng. Nhưng cụ lấy tư thế oai phong nhất để tiếp tục chụp ảnh. Được sự tương tác của nhiếp ảnh Lê Việt Dũng, anh dù không chuyên nhưng tay máy rất cừ, thế là mấy cụ có ngay bức ảnh “đồng đội dìu nhau qua thác” rất nghệ thuật và ý nghĩa. Đoàn có thêm động lực vì học tinh thần, tất cả vì lao động sáng tạo nghệ thuật. Trong chuyến đi, anh Đàm Văn Thông - Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Xuân còn đồng hành dẫn chúng tôi thăm một số di tích, cơ sở văn hóa như: Thiền tự Yên Cát (chùa Di Lặc), đền Chín Gian, thăm ngôi nhà sàn dựng bằng gỗ lim còn giữ được đến giờ... Anh còn cho chúng tôi thăm Đền Thi (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - xã Yên Lễ), nơi thờ Danh tướng Lê Phúc Thành. Anh cho biết: “để đền ơn vị tướng có công với dân, ở đây cư dân dù mang họ khác cũng đều đổi thành họ Lê”. Nhà văn Lê Huy Quân cũng sinh sống vùng đất này, ông xác nhận. Anh Thông tự hào: “Ân tình với danh tướng đến thế chỉ đặc biệt có ở con người vùng đất này” . Sự tận tình cùng những am tường của anh về mảnh đất con người lịch sử nơi đây cũng cung cấp nguồn tư liệu quý cho đoàn chúng tôi. Anh còn dẫn chúng tôi thực địa ở vườn cam xã Xuân Hòa, vườn rau sạch, cây ăn quả sạch ở xã Yên Lễ... Điều chúng tôi vui mừng là huyện đã khai thác thế mạnh đất đai của vùng, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, sự đầu tư của người trong và ngoài tỉnh phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong mọi công tác đảng viên và cán bộ phụ nữ huyện luôn đi đầu làm gương cho dân. Làm thay đổi nếp nghĩ của dân từ khai thác tự nhiên sang trồng và chăm sóc, làm thay đổi tư tưởng của dân từ chỗ đi làm thuê đến bám đất quê mình, làm thay đổi tập tục của dân là đàn bà sống phục vụ, phục tùng đàn ông đến tư duy cởi mở, hỗ trợ chia sẻ trong lao động và đời sống, phụ nữ thôn, bản tham gia làm cán bộ, kết nạp Đảng để cống hiến, xây dựng huyện, xã, thôn, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trời tháng mười ví như người con gái kén chồng, chỉ thử lòng đoàn chúng tôi lúc đi, lên đến nơi và trong suốt hành trình Như Xuân đón chúng tôi với ánh nắng cuối thu cùng những chòm mây, trông giống hoa tuyết càng “dan díu” chân người ở lại. Chúng tôi về, lòng bịn rịn, nhớ mãi chuyến đi này cùng mảnh đất và tình người nơi đây...