Một công ty thép báo lãi năm 2024 cao thứ hai lịch sử

Nhờ doanh thu tăng và cải thiện biên lợi nhuận gộp, công ty thép này báo lãi năm 2024 gấp 12 lần năm trước và cao thứ hai trong lịch sử hoạt động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Là công ty đầu tiên trong nhóm ngành thép công bố báo cáo tài chính quý 4/2024, CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS, sàn UPCoM) ghi nhận những con số tích cực.

Trong quý 4, doanh thu thuần của công ty đạt 238 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn (50%), giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 0,9% của quý 4/2023 lên 6,1%. Qua đó, lợi nhuận gộp đạt 14,5 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ.

Trừ hết các chi phí, Thép tấm lá Thống Nhất báo lãi sau thuế gần 22 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo giải trình của doanh nghiệp, thị trường thép năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại. Nhờ mở rộng thị trường và tìm kiếm nguồn hàng với giá hợp lý, sản lượng sản xuất của công ty tăng 16% và sản lượng tiêu thụ tăng 6%.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn hoàn nhập hơn 15 tỷ đồng chi phí lãi vay đã trích lập trước đó nhờ việc hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đúng như cam kết với Vietcredit.

Tính chung cả năm 2024, Thép tấm lá Thống Nhất mang về doanh thu thuần 2.556 tỷ đồng, tăng 130% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế gần 48 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả khả quan của Thép tấm lá Thống Nhất trong năm 2024 chủ yếu đến từ doanh thu tăng và cải thiện biên lợi nhuận gộp, củng cố thêm cho quan điểm tích cực về sự hồi phục của ngành thép.

Trong báo cáo phát hành cuối tháng 12/2024, Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong quý 4/2024, các doanh nghiệp thép được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh mẽ khi cuối năm là đợt cao điểm đẩy nhanh các dự án bất động sản và đầu tư công. Tuy nhiên, xuất khẩu gặp nhiều bất lợi khi thị trường chính EU đang điều tra chống bán phá giá vào HRC cũng như Mỹ dự kiến sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ.

Theo MBS, thị trường nội địa sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 4 với dự kiến tăng trưởng toàn ngành đạt 17% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 16%, trong khi giá thép xây dựng giảm 11% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo chiến lược năm 2025 phát hành đầu tháng 1, SSI cho rằng lợi nhuận ngành thép có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng tích cực trong năm 2025 nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2024. Động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu thép nội địa khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023). Cùng với đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.

Tuy nhiên, theo SSI, xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính sách bảo hộ. Một trong những vụ việc đáng chú ý là cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác. Hoa Kỳ chiếm 14,4% xuất khẩu thép của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, đứng sau châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/mot-cong-ty-thep-bao-lai-nam-2024-cao-thu-hai-lich-su-37651.html