Làng nghề Phùng Xá: Tìm hướng đi cho lụa tơ sen
Là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tuy nhiên, vấn đề nguyên liệu, đầu ra của lụa dệt từ tơ sen của làng Phùng Xá vẫn đang là bài toán không dễ có lời giải .
Thông tin được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Tơ sen – Thực trạng và giải pháp vươn mình ra thế giới” do Câu lạc bộ doanh nhân họ Phan miền Bắc phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 19/1, tại Hà Nội.
4.800 cuống sen mới làm ra được một tấm lụa
Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được coi là cái nôi của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Trải qua rất nhiều thăng trầm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của Phùng Xá dần mai một, đến nay làng nghề Phùng Xá chỉ còn có một doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, đó là Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức của bà Phan Thị Thuận.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức , sau sản phẩm đặt biệt đó là chăn bông tơ tằm do con tằm tự dệt thì sản phẩm tiếp theo, là lụa tơ sen – một sản phẩm độc đáo, mang giá trị văn hóa và kinh tế cao. Đây không chỉ là sự khẳng định tài năng và sự sáng tạo của bà, mà còn mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề dệt thủ công Việt Nam.
Để tạo ra được lụa tơ sen, đòi hỏi người thợ cần trải qua nhiều quy trình tỉ mỉ. Những cuống sen được thu hoạch và cắt cuống, làm sạch gai. Sau khi đã phân loại, người thợ cần dùng dao khứa nhẹ và làm đứt vỏ thân cây sen. Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng se cho sợi tơ săn chắc lại. Những sợi tơ sen đạt chuẩn được đưa vào khung cửi để dệt thành những tấm lụa hoàn chỉnh.
Một tấm lụa cần khoảng 4.800 cuống sen, nhưng ngay cả những người thợ lành nghề nhất một ngày chỉ làm khoảng 200-250 cuống sen. Lụa tơ sen được làm ra mang hương thơm thảo mộc, dễ chịu. Mỗi sợi tơ sen như “mạch máu” nuôi dưỡng cây sen. Nhờ sự độc đáo, giá trị văn hóa, mà các sản phẩm dệt từ tơ sen thu hút được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Tơ sen đã được Nhà nước đầu tư phát triển. Năm 2023, các sản phẩm: khăn lụa tơ sen, tranh lụa thêu tơ sen,... của làng nghề đã được thành phố đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP.
“Phải mất 1 tháng 7 ngày, chúng tôi mới sản xuất ra được 1 sản phẩm khăn dệt từ tơ sen, giá bán khăn không thêu vào khoảng 10 triệu đồng/chiếc, còn với những sản phẩm khăn có thêu tay thì vào khoảng 12 triệu đồng/chiếc”, nghệ nhân Phan Thị Thuận nói.
Mong muốn kết nối, mở rộng thị trường
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu tơ lụa năm 2022 đạt 70 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%.
Tuy nhiên, với các sản phẩm làm từ tơ sen hội tụ nhiều yếu tố để mở rộng ra những thị trường lớn trên thế giới. Ví dụ như, các sản phẩm làm từ tơ sen đã được công nhận là OCOP 5 sao. Tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng có những câu chuyện hấp dẫn, độc đáo. Sản phẩm tơ sen đã và đang được thị trường quốc tế yêu thích, đánh giá cao nhờ sự độc đáo, giá trị nhân văn, nhân đạo tốt đẹp.
Sẵn sàng truyền nghề miễn phí cho những ai muốn học, điều mà bà Phan Thị Thuận mong muốn đó là được kết nối, hỗ trợ để tạo đầu ra rộng hơn không chỉ thị trường trong nước mà cả thế giới.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, TS. Đào Trọng Chương - Nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng - nhận định, sản phẩm lụa tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận có tiềm năng rất lớn để vươn tầm quốc tế. Hiện tại, các nghệ nhân, doanh nghiệp, làng nghề đã được địa phương, Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Tuy nhiên, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, sản phẩm tơ sen, tơ tằm vươn mình ra “biển lớn” quốc tế, thì bên cạnh yếu tố độc đáo, việc sản xuất tơ cần phải nâng tầm công nghệ, bắt kịp thời đại. Bên cạnh đó, thị trường nguyên liệu cần mở rộng, để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, công ty cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ, máy móc rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Cuối cùng, cần đảm bảo chế độ an sinh, xã hội cho những người thợ làm các sản phẩm tơ sen, tơ lụa an tâm làm nghề.
Trong năm 2024, nhà thiết kế Bùi Công Thiên Bảo đã sử dụng tơ sen để làm mẫu thiết kế “Lụa nàng Sen”, được Hoa hậu Huỳnh Thanh Thủy trình diễn trong cuộc thi Miss International 2024 tại Nhật Bản. Điểm nhấn bộ trang phục là phần mô phỏng khung cửi dệt vải thủ công gắn sau lưng. Trang phục đã được các giới chuyên môn quốc tế đánh giá rất cao.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-nghe-phung-xa-tim-huong-di-cho-lua-to-sen-370327.html