Một cửa, một bước, một ngày!
Cần có các gói hỗ trợ trọn gói cho hộ khi lên doanh nghiệp, tương tự mô hình của Hàn Quốc
Chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp (DN) đã được đặt ra nhiều năm nhưng kết quả còn khiêm tốn. Theo tôi, nguyên nhân chính nằm ở 3 rào cản lớn.
Thứ nhất, gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ pháp luật. Khi còn là hộ kinh doanh, các thủ tục rất đơn giản: thuế khoán, không bắt buộc hóa đơn điện tử hay kế toán riêng. Nhưng khi chuyển sang DN, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Họ phải kê khai, quyết toán thuế, lập báo cáo tài chính, sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện nghĩa vụ lao động như đóng BHXH. Những yêu cầu này kéo theo chi phí tăng, buộc phải thuê dịch vụ kế toán hoặc nhân sự chuyên môn. Đặc biệt, tâm lý sợ bị thanh tra, kiểm tra khiến nhiều hộ không muốn "lên đời", sợ "đụng đâu cũng sai". Nếu không có chính sách giảm chi phí chuyển đổi, việc khuyến khích sẽ rất khó đạt hiệu quả.
Thứ hai, thiếu thông tin và hiểu biết về lợi ích của việc chuyển đổi. Phần lớn hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, mang tính gia đình, không tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ, lại quen với mô hình hiện tại nên không muốn thay đổi. Nhiều người sợ vướng vào rủi ro pháp lý do không hiểu luật và vì thiếu hệ thống tư vấn cụ thể nên thường chọn cách giữ nguyên mô hình cũ.
Thứ ba, tâm lý lo ngại tính ổn định và hiệu quả sau khi chuyển đổi. Trong khi hộ kinh doanh vận hành linh hoạt thì DN phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Họ không chắc rằng lên DN thì lợi nhuận có tăng hay không, trong khi chi phí chắc chắn sẽ tăng. Nếu lợi ích không rõ ràng, họ sẽ không mạo hiểm.
Từ những rào cản đó, nếu muốn đạt mục tiêu có thêm 1 triệu DN vào năm 2030, trong đó có sự đóng góp lớn từ khu vực hộ kinh doanh, cần 3 giải pháp lớn mang tính hệ thống.
Trước tiên, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh theo hướng "1 cửa, 1 bước, 1 ngày". Cần tích hợp thủ tục đăng ký DN, cấp mã số thuế, chữ ký số... vào một nền tảng trực tuyến duy nhất. Có thể áp dụng cơ chế chuyển đổi tự động: hộ kinh doanh chỉ cần khai một mẫu đơn tối giản, các bước còn lại do cơ quan nhà nước thực hiện. Như vậy, quá trình chuyển đổi sẽ nhanh chóng, minh bạch, không gây áp lực tâm lý hay tài chính.
Thứ hai, nới lỏng và phân cấp điều kiện kinh doanh. Nhiều quy định hiện nay thiết kế cho DN vừa và lớn, khiến hộ kinh doanh nhỏ ngại chuyển đổi. Cần có một bộ điều kiện riêng phù hợp cho DN siêu nhỏ, với mức độ rủi ro thấp và quy mô hạn chế. Chẳng hạn, tiệm ăn nhỏ hay cửa hàng sửa xe không nhất thiết phải lập kế hoạch PCCC chi tiết. Áp dụng cơ chế tiền kiểm - hậu kiểm linh hoạt, cho phép DN hoạt động ngay sau khi đăng ký, chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Quan trọng là thay đổi tư duy quản lý từ "kiểm soát" sang "hỗ trợ phát triển", tạo động lực cho khu vực tư nhân vươn lên.
Thứ ba, tối ưu hóa nghĩa vụ thuế. Đây là yếu tố khiến nhiều hộ e dè nhất. Cần xây dựng gói thuế riêng cho các hộ chuyển đổi, như miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm đầu, ưu đãi thuế suất trong giai đoạn tiếp theo và cam kết không truy thu thuế quá khứ. Có thể áp dụng mô hình thuế khoán có hóa đơn trong giai đoạn chuyển tiếp để giúp DN siêu nhỏ dễ thở hơn.
Ngoài ra, có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Indonesia, Thái Lan từng triển khai mô hình "DN siêu nhỏ một thành viên" với cấu trúc pháp lý đơn giản, chi phí thấp nhưng vẫn có tư cách pháp nhân để tiếp cận vốn và hỗ trợ. Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình này để giảm rào cản pháp lý. Cũng nên xây dựng lộ trình "chuyển đổi mềm", chia thành các giai đoạn để hộ kinh doanh làm quen dần. Họ cần thời gian để thích nghi, chứ không thể ép chuyển đổi trong một sớm một chiều.
Một đề xuất quan trọng nữa là cần có các gói hỗ trợ trọn gói cho hộ khi lên DN, tương tự mô hình của Hàn Quốc và Malaysia đã làm. Gói này có thể bao gồm: tư vấn pháp lý, phần mềm kế toán, tiếp cận tín dụng ưu đãi, kết nối với hiệp hội ngành nghề. Đặc biệt, nên thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi tại địa phương. Nhiều hộ không thiếu quyết tâm, mà thiếu người chỉ đường cụ thể.
Thái Phương ghi
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-cua-mot-buoc-mot-ngay-196250401203803768.htm