Một cuộc cách mạng mới đang diễn ra trong lòng nước Mỹ

Đạo luật giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạo động lực lớn cho việc phát triển công nghệ sạch ở Mỹ, song cũng được cho là một canh bạc của nước này.

Trong một nhà xưởng khổng lồ ở Rhode Island (Mỹ), những người thợ đang hướng những que hàn rực lửa lên các tấm nhôm.

Thân của ba con tàu mới đang dần được hình thành. Chiếc đầu tiên sẽ sớm hạ thủy, chở công nhân đến bảo dưỡng các tuabin gió ngoài khơi bờ biển New England.

Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ carbon trong lĩnh vực sản xuất điện, các tuabin sẽ bắt đầu mọc lên dọc bờ biển của nước Mỹ, từ đó thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ tại các xưởng đóng tàu.

Ted Williams, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, hiện là giám đốc điều hành công ty đóng tàu Senesco Marine ở Rhode Island, cho biết: “Mọi người đều nói với tôi rằng suy thoái kinh tế ở Mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nó không xảy ra trong ngành đóng tàu”.

Suy thoái cũng không xảy ra trong bất kỳ lĩnh vực năng lượng sạch nào ở Mỹ. Trên khắp đất nước, một cuộc cách mạng mới đang diễn ra trong các lĩnh vực từ năng lượng mặt trời đến hạt nhân, thu hồi carbon đến hydro xanh.

Các mục tiêu của nó rất rõ ràng: Trẻ hóa lĩnh vực công nghiệp đang suy thoái, loại bỏ carbon trong nền kinh tế lớn nhất thế giới và giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng năng lượng trong thế kỷ XXI từ Trung Quốc - cường quốc công nghệ sạch trên thế giới.

Tín hiệu mạnh mẽ từ nước Mỹ

Chưa đầy ba năm trước, Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Châu Âu cũng đã chỉ trích Washington vì chậm trễ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Nhưng sau đó, Tổng thống Biden đã thông qua đạo luật sâu rộng để đảo ngược tiến trình đó. Đạo luật giảm lạm phát (IRA) và hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho công nghệ sạch được thiết kế nhằm thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và đẩy nhanh nỗ lực khử carbon của nước này.

Với ông Biden, đây cũng được xem là một chiến thắng quan trọng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, sau thời gian chính quyền của ông bị suy giảm uy tín nghiêm trọng.

“Đó là tín hiệu mạnh mẽ, trực tiếp và rõ ràng về những gì Mỹ đang ưu tiên”, Melissa Lott, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết.

Nhiều nhà phát triển công nghệ sạch cho biết các ưu đãi về thuế của Mỹ đã khiến nhà đầu tư không thể cưỡng lại và nước này cũng đang hút tiền từ các quốc gia khác.

Tổng thống Biden phát biểu tại lễ ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Biden phát biểu tại lễ ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát. Ảnh: Reuters.

David Scaysbrook, lãnh đạo công ty quản lý đầu tư công nghệ sạch toàn cầu Quinbrook Infrastructure Partners, cho biết: “Mỹ hiện là thị trường giàu cơ hội nhất, tăng trưởng mạnh mẽ nhất đối với việc đầu tư vào năng lượng tái tạo trên thế giới hiện nay".

Tuy nhiên, nó cũng là một canh bạc đối với Mỹ. Vành đai của chủ nghĩa bảo hộ và mức độ can thiệp lớn của nhà nước đã khiến các đồng minh cảnh giác, ngay cả những nước từng kêu gọi Washington tham gia cuộc chiến chống khí hậu toàn cầu.

Trong khi nhiều nước EU hoan nghênh cam kết mới về chuyển đổi năng lượng, họ lo ngại IRA sẽ gây bất lợi cho các công ty của khối trước các đối thủ ở Mỹ, theo Reuters.

Ngoài ra, việc Mỹ cố giảm phụ thuộc vào các linh kiện giá rẻ của châu Á, những thứ đã thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây, cũng khiến giới phân tích hoài nghi.

Tại thời điểm mà Nhà Trắng còn phải đối mặt với lạm phát cao, nhiều người đặt câu hỏi liệu Mỹ có thể cùng lúc thiết lập lại trật tự năng lượng toàn cầu, tạo việc làm có lương cao trong lĩnh vực công nghệ sạch và cắt giảm khí thải hay không.

Khí hậu là trọng tâm của IRA. Song nó cũng là chính sách công nghiệp trên quy mô lớn, nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng xuống cấp của Mỹ và tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến ở nhiều khu vực có nền công nghiệp suy thoái.

Bên cạnh đó, IRA cung cấp 369 tỷ USD tín dụng thuế, khoản vay và trợ cấp, cùng nhiều lợi ích khác cho các nhà đầu tư.

Tình huống trớ trêu

IRA đã dành các khoản trợ cấp hấp dẫn cho lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Nhưng tác động lớn nhất của nó có thể là trong các công nghệ chưa đạt được lợi nhuận trên quy mô lớn như thu hồi carbon và năng lượng sinh học.

Đối với hydro xanh - một giải pháp thay thế sạch cho khí đốt tự nhiên trong các ngành công nghiệp - những khoản trợ cấp đã giúp giảm khoảng một nửa chi phí dự án.

Điều đó đưa Mỹ từ một quốc gia tụt hậu trong mắt các nhà phát triển trở thành điểm đến hấp dẫn nhất cho đầu tư trong tương lai.

Trong khi đó, đối với châu Âu, Mỹ hiện là một mối đe dọa. Họ từng hy vọng việc mở rộng quy mô cung cấp hydro xanh có thể đẩy nhanh quá trình khử carbon và giúp thay thế lượng khí đốt tự nhiên của Nga.

Giới phân tích cho biết EU đang cố gắng đáp trả. Nhưng các biện pháp khuyến khích của Mỹ quá toàn diện và khó cạnh tranh vì chúng giảm thuế cho mọi phần của chuỗi cung ứng hydro xanh.

Tuy vậy, khả năng Mỹ đạt được lợi thế tương tự trước Trung Quốc lại khó khăn hơn nhiều. Nguồn cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng và năng lực chế biến tại Mỹ cũng thiếu.

 Công suất năng lượng mặt trời dự kiến tăng sau đạo luật giảm lạm phát. Ảnh: AP.

Công suất năng lượng mặt trời dự kiến tăng sau đạo luật giảm lạm phát. Ảnh: AP.

“Chúng tôi vẫn đang phải đối mặt với một tình huống trớ trêu là để IRA thành công trong ngắn hạn, nó vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc”, ông Scaysbrook nói.

Tuy nhiên, Financial Times cho biết Mỹ đang ghi nhận một số tiến bộ ban đầu.

Tháng trước, GM đã công bố khoản đầu tư 650 triệu USD để phát triển mỏ Thacker Pass ở Nevada, nguồn cung lithium lớn nhất được ghi nhận tới nay của Mỹ. Honda, Hyundai, BMW và Ford đều đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ USD để chế tạo pin ở Mỹ sau khi IRA được thông qua.

Song đó chỉ là giọt nước trong đại dương so với quy mô thống trị của Trung Quốc. Để giành lấy danh hiệu siêu cường công nghệ sạch từ Trung Quốc, Mỹ cần phải mở rộng cơ sở hạ tầng - nhưng không phải ai ở Mỹ cũng hoan nghênh điều đó.

Ngoài ra, dù Mỹ có thể có chế độ trợ cấp hào phóng nhất ở phương Tây và chính phủ liên bang của họ có thể cam kết khôi phục chuỗi cung ứng, giấy phép xây dựng lại là một vấn đề khác.

Mỹ cũng phải đối diện với vấn đề cấp bách là thiếu công nhân, cùng nhiều thách thức khác.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-cuoc-cach-mang-moi-dang-dien-ra-trong-long-nuoc-my-post1402649.html