Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt…
Nhà tâm lý học xã hội người Pháp Gustave Le Bon từng nói: 'Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay'. Quả vậy, sách đem lại rất nhiều lợi ích cho mỗi người, nhất là với trẻ nhỏ. Sách không chỉ giúp trẻ rèn luyện ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, trí tưởng tượng, óc sáng tạo mà còn phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách tốt nơi trẻ. Với lợi ích từ việc đọc sách, nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh đã rèn cho con niềm đam mê đọc sách, đặt những viên gạch nền móng đầu tiên, vun đắp tương lai cho trẻ sau này.
“Đủ nước, đủ nắng, hoa sẽ nở”
Đã thành thói quen, mỗi ngày em Phạm Kim Mỹ Trâm, lớp 7A4, Trường THCS Tân Phú, huyện Đồng Phú đều dành một khoảng thời gian để đọc sách. Những ngày cuối tuần, thời gian để đọc những cuốn sách yêu thích có thể dài hơn, từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Trâm cho biết, từ khi còn nhỏ em thường xuyên chứng kiến người thân đọc sách, dần dần thói quen đó ngấm vào em lúc nào không hay. Ngoài hạt giống tâm hồn, sách tham khảo cho các môn học, em còn thích các loại sách về tài chính, kinh tế. “Đọc sách giúp em học hỏi được nhiều điều hay, biết yêu quý bản thân, trân trọng cuộc sống và rèn luyện tính quyết đoán. Sách cũng giúp em tìm ra những cách làm bài hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn” - Trâm hào hứng chia sẻ.
Thói quen đọc sách của em Phạm Kim Mỹ Trâm được bắt nguồn từ những người thân trong gia đình. Trong ảnh: Em Mỹ Trâm và bà nội cùng đọc sách
Anh Phạm Duy, cha của Trâm cho biết, vợ chồng anh luôn định hướng rèn cho các con biết yêu quý sách, hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ. Cuốn nào liên quan đến trẻ thơ, dễ đọc, dễ hiểu anh cho con đọc trước để bồi bổ tâm hồn, về sau hướng dẫn con đọc những sách cần sự tư duy, khả năng khái quát vấn đề và sách theo sở thích của con.
Một lợi ích quan trọng khác từ việc đọc sách đối với trẻ nhỏ chính là giúp trẻ học kỹ năng sống. Anh Mai Quế Anh, hướng dẫn viên Kỹ năng sống ở huyện Lộc Ninh cho biết, việc hướng con đọc sách từ nhỏ sẽ giúp con rèn luyện ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, trí tưởng tượng, óc sáng tạo. Trẻ luyện tập được sự điềm tĩnh trong mọi công việc, nhất là học hành, đồng thời tự rút ra những bài học qua từng cuốn sách. Hơn nữa, trẻ đọc sách có sự quan tâm của cha mẹ sẽ giúp tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cha mẹ và con cái. Thông qua những câu chuyện, vấn đề trong sách, cha mẹ có thể giúp con định hướng phát triển trong tương lai.
Đầu tư mua sách rất có “lời” vì khi trẻ đọc nhiều sách sẽ có nền tảng tốt về đạo đức, tri thức và tâm hồn. Đến khi nền tảng đó của trẻ “đủ dày” sẽ giống như đủ nước, đủ nắng, hoa sẽ nở.
Anh Phạm Duy, huyện Đồng Phú
Vun đắp niềm đam mê đọc sách cho trẻ
“Làm thế nào để con trẻ có niềm đam mê với sách?”, đó là trăn trở của các bậc làm cha mẹ. Trên thực tế, nhiều phụ huynh đã có những phương pháp hay để vun đắp niềm đam mê đọc sách của con.
Với trường hợp chị Đậu Thị Ngân ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài có 2 con sinh đôi sắp vào lớp 1, phương pháp của chị là dành 30 phút buổi tối trước khi đi ngủ đọc sách cho con nghe. Loại sách chị chọn là những quyển truyện tranh nhiều hình ảnh, màu sắc bắt mắt, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, truyện cổ tích, sách dạy các kỹ năng cơ bản. Đến nay, 2 bé đã có thói quen nghe đọc sách, biết yêu quý sách, ghi nhớ được nhiều câu chuyện trong sách để kể lại cho mẹ nghe.
Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Khoa, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, khi các con còn nhỏ, chị đọc sách cho con theo giờ nhất định để hình thành thói quen. Sách, truyện tranh được để khắp nơi trong nhà để các bé có thể thấy và dễ lấy. Ngoài ra, vợ chồng chị cũng trang trí góc đọc sách cho trẻ thật ấn tượng, rực rỡ với những gam màu bắt mắt, phù hợp thị hiếu của trẻ. Không gian thoải mái, tiện dụng sẽ lôi cuốn, dẫn dắt các con trở nên yêu thích đọc sách và bớt dùng thiết bị điện tử.
Còn với chị Lê Thị Khiêm ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, chị luôn đồng hành cùng con trong việc hình thành và duy trì kỹ năng đọc sách. Ngoài theo dõi, giúp con sắp xếp thời gian đọc hợp lý, chị thường tương tác với con về sách, kiểm tra xem con có nắm được nội dung sách đề cập không. Vấn đề nào con không hiểu, chị Khiêm sẽ giảng giải đến khi con nắm rõ mới thôi.
Chị Lê Thị Khiêm luôn đồng hành với con trong việc duy trì kỹ năng đọc sách. Trong ảnh: Chị Khiêm giúp con chọn sách tại Nhà sách Hùng Vương, thành phố Đồng Xoài
Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, chỉ cần mở mạng internet là có thể cập nhật đủ loại thông tin. Do đó, để duy trì, phát triển hứng thú đọc sách ở trẻ, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc đọc sách. “Cha mẹ nên giúp con lựa chọn sách phù hợp với tâm lý, độ tuổi, chọn sách của các tác giả, nhà sách có uy tín, thương hiệu, vì sách hiện nay rất phong phú, đa dạng. Mặt khác, cha mẹ cũng cần sớm định hướng việc đọc sách cho trẻ do tư duy, nhận thức của trẻ phát triển từ rất sớm” - anh Mai Quế Anh, hướng dẫn viên Kỹ năng sống cho biết thêm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/132341/mot-cuon-sach-hay-cho-ta-mot-dieu-tot