Một doanh nghiệp đã rút khỏi Eximbank sau thông tin GELEX sắp thành cổ đông lớn

Công ty Cổ phần Thắng Phương, doanh nghiệp từng nắm giữ 53,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn của Eximbank đã không còn xuất hiện trong danh sách mới cập nhật về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngân hàng này...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 6/8/2024.

Trong lần cập nhật mới này, ngân hàng Eximbank chỉ còn 4 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Những cổ đông này bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex, nắm 85,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% vốn. Cổ đông tổ chức khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 62,3 triệu cổ phiếu tương đương 3,58% vốn.

Hai cổ đông cá nhân là bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Eximbank, nắm 19,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,12% vốn và bà Lê Thị Mai Loan, cựu Thành viên Hội đồng quản trị, sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,03% vốn.

Những cổ đông này sở hữu 185,3 triệu cổ phiếu của Eximbank, tương ứng 10,6% vốn điều lệ của Eximbank tại ngày 6/8 và không có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu so với báo cáo ngày 1/7.

Điều đáng chú ý là, trong danh sách mới không còn sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Thắng Phương, doanh nghiệp từng nắm giữ 53,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn của ngân hàng Eximbank, theo danh sách cập nhật tại ngày 1/7.

Theo tìm hiểu, bà Lê Thị Mai Loan và Công ty Cổ phần Thắng Phương có liên quan đến nhóm Bamboo Capital. Bà Loan từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch thường trực tại Tracodi Trading & Consulting; đồng thời là cựu Thành viên Ban kiểm soát của Bamboo Capital và Phó Chủ tịch thường trực Công ty Cổ phần BCG Land.

Bà Loan từ nhiệm các chức vụ tại BCG Land và Tracodi từ tháng 9/2022 và rời vị trí thành viên Hội đồng quản trị Eximbank đầu năm 2024. Hiện ông Nguyễn Hồ Nam, cựu Chủ tịch Bamboo Capital, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

Về Công ty Cổ phần Thắng Phương thành lập ngày 25/4/2006 có trụ sở chính tại tầng 19, Khu Văn phòng Tòa Nhà Indochina, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Vào tháng 1/2017, Thắng Phương có vốn điều lệ đạt 10 tỷ đồng, cổ đông góp vốn gồm Huỳnh Thị Hồng Hạnh 70% và Phạm Thị Ngọc Thanh góp 30%. Đến tháng 8/2017, doanh nghiệp tăng vốn lên 50 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Xuất khẩu Lao động Tracodi góp 18%, Huỳnh Thị Hồng Hạnh góp 57,4%, Phạm Thị Ngọc Thanh góp 24,6%.

Trong đó, Tracodi trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) - doanh nghiệp là công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital đảm nhận mảng xây dựng - hạ tầng.

Trước đó không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận GELEX mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024.

Nếu giao dịch thành công, GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn của nhà băng này. Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Nhắc đến Eximbank, có lẽ giới tài chính đặc biệt chú ý với việc Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này liên tục bất thành. Câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” giữa các nhóm cổ đông của Eximbank là vấn đề dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn ý kiến khiến ròng rã 3 năm nhà băng không thể tổ chức Đại hội cổ đông thành công một cách trọn vẹn như những ngân hàng cùng quy mô khác.

Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công sau 11 lần bất thành và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Cũng trong năm 2022, loạt cổ đông như Thành Công Group, Âu Lạc hay VinaCapital đều thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi nhà băng. Đáng chú ý, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông lớn nhất của Eximbank lúc bấy giờ, với tỷ lệ sở hữu hơn 15% vốn điều lệ, cũng đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với nhà băng từ đầu năm 2022 và hoàn tất rút vốn vào năm 2023.

Sau khi các cổ đông lâu năm thoái sạch vốn, cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn được “ẩn giấu”, phải đến khi Luật Các tổ chức tín dụng mới ban hành yêu cầu, ngày 24/7/2024, Eximbank mới công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm 1/7/2024.

Về tình hình kinh doanh, khép lại quý 2/2024, Eximbank đã thu về 813 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.474 tỷ đồng, tăng 5%.

Tuy vậy, so với kế hoạch lợi nhuận đầy tham vọng cả năm nay ở 5.180 tỷ đồng, nhà băng này mới thực hiện được khoảng 28% mục tiêu. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của nhà băng này đạt gần 212.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

Ninh Dương

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/mot-doanh-nghiep-da-rut-khoi-eximbank-sau-thong-tin-gelex-sap-thanh-co-dong-lon-post553851.html