Một giáo viên tâm huyết với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
Trong các hội nghị tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi (HSG) và giáo viên có nhiều thành tích lãnh đội tuyển của thành phố Phủ Lý, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Nhung (giáo viên lãnh đội tuyển HSG môn Hóa học, Trường THCS Trần Phú) đã trở nên quen thuộc. Với tinh thần học hỏi, phấn đấu không ngừng về chuyên môn, nghiệp vụ, cô giáo Nguyễn Thị Nhung từng bước khẳng định năng lực, tạo sự tin tưởng của lãnh đạo, giáo viên, học sinh trong trường.
Chia sẻ về quá trình giảng dạy, công tác và phấn đấu của bản thân, cô giáo Nguyễn Thị Nhung tâm sự: Được lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn tin tưởng, giao nhiệm vụ phát hiện HSG môn Hóa học để tập trung bồi dưỡng tham dự các kỳ thi chọn HSG lớp 9, với tôi, đây là cơ hội có ý nghĩa quan trọng để học hỏi nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nhất là kinh nghiệm trong việc phát hiện, bồi dưỡng HSG.
Đảm nhận nhiệm vụ, cô giáo Nhung luôn nỗ lực thực hiện tốt nền nếp chuyên môn; chủ động tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thường xuyên tiếp cận với kiến thức mới. Với công tác lãnh đội tuyển và bồi dưỡng HSG tham dự các kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh, cô giáo Nhung đã tự xây dựng cho mình những kế hoạch dạy học tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường các biện pháp bồi dưỡng HSG đúng hướng, phù hợp với năng lực của mỗi học sinh.
Mặc dù vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng HSG, cô Nhung nhận thấy: Công tác tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng dạy HSG đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết. Tuy nhiên, trong điều kiện giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn và công tác kiêm nhiệm nên việc đầu tư thời gian cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế; nhưng làm thế nào để thu hút, vận động học sinh có năng khiếu về môn học tham gia vào lớp bồi dưỡng HSG cũng không dễ dàng với giáo viên.
Xác định rõ được những khó khăn này, ngay từ đầu mỗi năm học, cô giáo Nhung đã lên kế hoạch cụ thể với từng nhiệm vụ, phân chia thời gian hợp lý, tránh chồng chéo công việc; tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự trau dồi kiến thức qua mạng internet và học hỏi, trao đổi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, để thu hút học sinh vào lớp bồi dưỡng, ngay những tiết giảng trên lớp cô luôn chú ý lồng ghép kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học để kích thích sự tò mò, ham học hỏi của học sinh, truyền cảm hứng yêu thích môn học cho học sinh. Trước tiên, cô tập trung xây dựng chương trình bồi dưỡng theo từng chủ đề trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp kiến thức từ hệ thống sách nâng cao và các nguồn tài liệu tham khảo, bảo đảm trình tự: xác định mục tiêu chủ đề; khối lượng kiến thức, kỹ năng cần bồi dưỡng từ kiến thức cơ bản, kiến thức mở rộng và nâng cao cho tới kỹ năng thực hành cho học sinh; phương pháp giải cho từng dạng bài, chú ý đến những phương pháp giải khác nhau. Đồng thời, tổng hợp thành hệ thống các bài tập mẫu, bài tập luyện tập, bài tập cơ bản, bài tập nâng cao cho học sinh; xây dựng hệ thống đề ôn luyện hoàn chỉnh bám sát vào nội dung thi HSG để học sinh luyện tập.
Kinh nghiệm bồi dưỡng HSG qua nhiều năm của cô giáo Nhung cho thấy, việc phát hiện tuyển chọn đúng học sinh có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, cô luôn đồng hành cùng học sinh khám phá, dạy học sinh phương pháp tiếp cận vấn đề mới, qua đó phát hiện học sinh có tư chất thông minh; chú trọng đánh giá, phát hiện học sinh có tố chất. Hóa học là một môn học trong hệ thống các môn khoa học tự nhiên, có nhiều kiến thức liên quan đến thực tiễn cuộc sống, nên bên cạnh dạy kiến thức môn học, cô thường lồng ghép kiến thức hóa học vào các nội dung về môi trường, các hiện tượng trong tự nhiên, cuộc sống để kích thích sự tò mò, ham tìm hiểu của học sinh; tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học, thí nghiệm biểu diễn trên lớp, vận dụng nhiều phương pháp trong dạy học, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học để nâng cao chất lượng dạy học.
Trong các tiết học, cô còn tích cực cho học sinh tự làm các thí nghiệm biểu diễn, tạo ra những tiết học sinh động và lôi cuốn, giúp học sinh thêm yêu thích học môn Hóa học. Hơn thế, với vai trò Tổ phó Tổ Khoa học tự nhiên, cô giáo Nhung còn làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn trong công tác bồi dưỡng HSG, thực hiện phân công giáo viên hợp lý, bảo đảm chọn lựa những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và việc phân công này được thực hiện theo hướng ổn định; giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng, giúp giáo viên linh hoạt, sáng tạo về phương pháp và nội dung bồi dưỡng; trang bị đầy đủ sách nâng cao, tài liệu tham khảo cho giáo viên được phân công dạy bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú đánh giá: Cô giáo Nguyễn Thị Nhung là một giáo viên trẻ, có trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm vững vàng, được phân công trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng HSG. Bản thân cô Nhung say nghề, yêu nghề, gần gũi với học sinh và không ngại khó, thường xuyên trau dồi kiến thức và phương pháp giảng dạy. Đội tuyển HSG môn Hóa học do cô Nhung lãnh đội thường xuyên có tỉ lệ giải và chất lượng giải thi chọn HSG ở tốp đầu. Đó cũng là những yếu tố quan trọng để nhà trường có thêm nhiều kỳ vọng đối với cô Nhung về cả chuyên môn và công tác quản lý.
Với những nỗ lực của mình, năm học 2021 - 2022, năm học 2023 - 2024, đội tuyển HSG Hóa học lớp 9 do cô lãnh đội đã giành được 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 4 giải Ba, 8 giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn HSG các môn văn hóa cấp tỉnh. Cá nhân cô giáo Nguyễn Thị Nhung đã đạt Danh hiệu Giáo viên Dạy giỏi cấp thành phố môn Sinh học năm học 2016 - 2017, Danh hiệu Giáo viên Dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn Hóa học năm học 2020 - 2021. Nhiều năm liền cô đạt Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở và liên tục được các cấp, ngành khen thưởng.