Một Hà Nội 'đặc sắc' trong quá trình hội nhập

Trong quá trình phát triển, hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của nhiều quốc gia và thành phố lớn. Hòa vào dòng chảy chung của thời đại này, Hà Nội đã không ngừng bồi đắp nét đặc sắc văn hóa để hội nhập, nắm bắt cơ hội đi lên từ đổi mới, sáng tạo.

Một góc Hà Nội trong ống kính các nhiếp ảnh gia nước ngoài.

Một góc Hà Nội trong ống kính các nhiếp ảnh gia nước ngoài.

Hội nhập quốc tế có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Trước hết, trong lĩnh vực văn hóa, mục đích của hội nhập là tiếp thu các giá trị tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa của dân tộc mình. Hội nhập quốc tế về văn hóa - xã hội có thể thông qua việc tham gia các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa, ví dụ như tham gia Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)... Bên cạnh đó, một quốc gia hay thành phố cũng có thể chủ động tích cực tham gia các hoạt động, giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể thao với khu vực và thế giới, thúc đẩy sự gần gũi hơn về văn hóa, trong khi vẫn giữ được bản sắc.

Đánh giá về khía cạnh này của Hà Nội, UNESCO cho rằng, là Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội có một nền văn hóa đa tầng lấy sự sáng tạo làm trọng tâm. Thành phố đang áp dụng một mô hình phát triển đô thị và kinh tế mới được thúc đẩy bởi thiết kế sáng tạo. Mô hình này tôn vinh dân số trẻ, di sản thủ công và sự phát triển của công nghệ.

Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 5.000 sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực thiết kế và công nghệ - với số lượng ngày càng tăng các sáng kiến thúc đẩy tài năng trẻ. Ngoài ra, Hà Nội đã đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên về Hợp tác Đầu tư và Phát triển; Liên hoan Thiết kế sáng tạo Hà Nội, một sự kiện thường niên gồm một loạt hoạt động dành cho các chuyên gia trong ngành và công chúng, giúp nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ Hà Nội và trên toàn cầu.

Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO từ năm 2019, Hà Nội đang chuyển mình để hội nhập với thế giới cũng như thể hiện rõ vị thế của mình qua từng bước triển khai các giải pháp đổi mới. Thành phố đang đầu tư 1,2 tỷ USD vào phát triển văn hóa - xã hội với nhiều dự án hỗ trợ các sự kiện thiết kế như Lễ hội Truyền thông và Thiết kế Việt Nam do RMIT phối hợp với UNESCO và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại tổ chức, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, cũng như các sự kiện thiết kế sáng tạo của viện bảo tàng, phòng trưng bày và không gian văn hóa.

Một ưu tiên đáng chú ý khác của thành phố là các chương trình quảng bá và bảo vệ sản phẩm làng nghề truyền thống. Để đạt được điều này, chính quyền thành phố đang tạo điều kiện để nhà thiết kế hợp tác với các nghệ nhân phát triển sản phẩm cho các thị trường mới, giúp gìn giữ và phát huy giá trị thương hiệu truyền thống thông qua cách tiếp cận hiện đại.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, Hà Nội vẫn giữ được nét đặc sắc của mình. Chuyên gia kinh tế người Uruguay Martin Rama, tác giả cuốn "Hà Nội một chốn rong chơi" cho rằng, trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống. Những tòa nhà được xây dựng với rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau vẫn đang đứng hài hòa cạnh nhau. Đền chùa và nhà thờ nằm xen lẫn với những khu buôn bán sầm uất.

Đường phố Hà Nội luôn căng tràn sức sống, nơi mọi hoạt động thường nhật của đời sống diễn ra, từ ăn uống, chuyện trò, gặp gỡ đến kinh doanh, buôn bán, trao đổi thông tin. “Cá tính” của một thành phố bắt nguồn từ cách thức các công dân tương tác với lịch sử thành phố. Các kiểu kiến trúc tòa nhà của Hà Nội kể lại lịch sử ngàn năm trước, từ Hà Nội của người Kẻ Chợ tới kiến trúc thời khai sáng của Pháp (thế kỷ XVIII) cho tới kiến trúc của Liên Xô cũ và quy hoạch phát triển hiện nay. Hà Nội ngày nay vẫn còn giữ lại được nhiều vỉa hè, và cộng đồng “gieo” trên đó một đời sống thật sống động, từ buôn bán tới ăn uống và ngồi tán chuyện.

Những đại lộ rợp bóng cây lấy cảm hứng từ thời khai sáng xen kẽ với những con hẻm nhỏ mang hương vị châu Á không thể nhầm lẫn. Rồi những công viên lớn và những khu vườn, tất cả làm nên một thành phố thật tươi mát. “Không phải ngẫu nhiên nhiều người nước ngoài có tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Nó không chỉ là một thành phố đẹp như tranh vẽ hay một giấc mơ cho các nhiếp ảnh gia, nó là một thành phố đầy cảm xúc” - ông nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định với Martin Rama, khi giới thiệu về điểm thu hút của Hà Nội, tổ chức chuyên đánh giá các điểm đến DEFTNOMAD nhấn mạnh, Thủ đô của Việt Nam là một sự kết hợp độc đáo giữa nét cổ kính của đô thị hơn 1000 năm tuổi và kiến trúc của người Pháp. Những con ngõ nhỏ trang nhã rợp bóng cây xen kẽ với những ngôi biệt thự lãng mạn.

Sự hòa trộn giữa 2 nền văn hóa Âu - Á còn được thể hiện qua các món ăn. Bên cạnh ẩm thực truyền thống như bún chả, chả cá, bún thang thì bánh mỳ pa tê là một trong những món ăn được người nước ngoài yêu thích. Dù có nguồn gốc từ phương Tây, song bánh mỳ của Hà Nội đã được địa phương hóa, mang lại hương vị riêng vô cùng đặc biệt, không thể tìm thấy ở các quốc gia châu Á khác.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-ha-noi-dac-sac-trong-qua-trinh-hoi-nhap-623682.html