Một hòa giải viên tâm huyết với nghề

Gắn bó với công tác hòa giải từ năm 2010, hòa giải viên Lê Đình Can, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, cùng các thành viên của tổ hòa giải đã hòa giải rất nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Đơn giản có, phức tạp có nhưng vụ việc nào ông cũng khéo léo kết hợp hài hòa giữa lý và tình.

Ông Lê Đình Can, hòa giải viên tổ 16 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương kể, công việc hòa giải lại để lại trong ông những ấn tượng đặc biệt. “Về nghỉ hưu, trong số rất nhiều công việc tôi tham gia đóng góp cho địa phương từ giữ vai trò là trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân của TAND quận Cầu Giấy đến các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc quận, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi... tôi vẫn thấy tâm đắc và gắn bó với công tác hòa giải nhất. Thế nên, còn khỏe, tôi cũng như rất nhiều hòa giải viên khác còn muốn tham gia hòa giải”, ông Can chia sẻ.

Nói về bí quyết hòa giải, ông Can tâm sự: “Trước đây, trong thời gian rèn luyện ở quân ngũ, chúng tôi đã được nghe về lời dạy của Bác Hồ là “mỗi chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn phải là những người làm công tác dân vận giỏi”. Vận dụng những bài học trong làm công tác dân vận mà tôi có những kinh nghiệm quý làm cơ sở tiến hành công tác hòa giải sau này.

Đó là gặp vấn đề gì, muốn quyết định đúng phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng, nắm chắc tình hình. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các phong tục tập quán tốt đẹp trong ứng xử, tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu để từ đó giúp người dân có được thái độ đúng, hành động đúng. Một bài học quý nữa phải có tác phong nêu gương. Hòa giải viên có gương mẫu thì nói người ta mới tin, mới nghe, mới hòa giải được cho người ta”.

Ông Lê Đình Can luôn nỗ lực hoàn thành những công việc chung để góp phần xây dựng một cộng đồng dân cư văn hóa tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Đăng

Ông Lê Đình Can luôn nỗ lực hoàn thành những công việc chung để góp phần xây dựng một cộng đồng dân cư văn hóa tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Đăng

Trong quá trình hòa giải, ngoài việc dẫn Luật, ông Can còn khéo léo lồng yếu tố tình cảm hàng xóm láng giềng, tình anh em ruột thịt, nghĩa vợ chồng… để vận động thuyết phục. Một vụ việc hòa giải mà đến giờ ông Can vẫn nhớ đó là lần ông hòa giải thành công việc một nữ tổ trưởng tổ dân phố xảy ra mâu thuẫn với người dân.

Theo đó, để chuẩn bị cho cuộc họp tổ dân phố, bà tổ trưởng này đã đến từng nhà gửi giấy mời nhân dân tham gia cuộc họp. Đi sáng, đi trưa, đi tối, bà phải tranh thủ đi gửi ngoài giờ hành chính vì đa phần các hộ dân đều đi làm vắng. Tối đó, bước vào căn hộ ở tầng 1 của khu tập thể cũ (đặc thù của dạng nhà này là chiều ngang hẹp nhưng chiều dài rất sâu), nhà này nuôi 2 con chó, 1 con xích nhưng sợi dây xích rất dài. Cửa nhà mở nhưng hơi tối, bà gọi nhưng không ai lên tiếng, bà vừa gọi tiếp vừa bước vào trong. Bất ngờ con chó xông ra, chồm lên cắn bà chảy máu chân. Máu chảy khá nhiều, cùng lúc đó, chủ nhà ở phía sau chạy lên, các con bà tổ trưởng chạy sang, hàng xóm kéo đến gây ra tình cảnh hỗn độn, ồn ào, việc cãi vã giữa chồng, con bà tổ trưởng với chủ nhà càng lúc càng to tiếng, căng thẳng

Trước tình huống này, việc đầu tiên là ông Can kêu gọi mọi người bình tĩnh, giữ trật tự, khẩn trương tìm bác sĩ ở gần đó sơ cứu cho bà tổ trưởng, sau đó yêu cầu những người không có nhiệm vụ giải tán để hai gia đình có thể ngồi lại với nhau. Lúc này, ông Can bắt đầu phân tích việc chủ nhà nuôi gia súc trong nhà và dùng sợi dây xích dài như vậy là không an toàn. Ông viện dẫn Điều 603 của Bộ luật Hình sự quy định việc chủ sở hữu vật nuôi phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cùng một số quy định của TP Hà Nội về nội dung này. Đồng thời nêu tình cảm xóm giềng cùng khu vực với nhau, xét cả về lý và tình thì xử xự như vậy là không đúng.

Về phía gia đình bà tổ trưởng, ông Can cũng phân tích, lấy tình cảm láng giềng ra để chia sẻ và không nên chấp nhặt những lời nói trong lúc nóng nảy, thiếu bình tĩnh của chủ nhà. Sau khi nghe phân tích cả hai bên thống nhất hòa giải mọi mâu thuẫn.

Để tăng hiệu quả thuyết phục đối với công tác hòa giải, ông Can còn đề xuất lãnh đạo quận cần trực tiếp gặp và đối thoại với người dân. “Được nghe trực tiếp người lãnh đạo cao nhất của quận phân tích, giải thích, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, người dân yên tâm, tin tưởng hơn rất nhiều và đến phút chót họ đã tự nguyện chấp hành mà không cần phải cưỡng chế”, ông Can phấn khởi chia sẻ.

Có lẽ chính nhờ cách giải quyết công việc có lý, có tình, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân như vậy mà trong quá trình đô thị hóa, nhiều trường hợp giải phóng mặt bằng ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thời gian qua không có trường hợp nào chính quyền phải tiến hành cưỡng chế.

Bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch chia sẻ: “Chính niềm vui sau những lần giúp được cho bà con trong khu phố hiểu rõ các quy định pháp luật, sau những lần hòa giải thành công để rồi qua đó các mâu thuẫn, va chạm, xích mích được cởi bỏ để con người ta hướng đến những giá trị sống tốt đẹp hơn đã thực sự trở thành nguồn động viên lớn lao để hòa giải viên Lê Đình Can thêm yêu, thêm gắn bó tâm huyết với công tác hòa giải”.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-hoa-giai-vien-tam-huyet-voi-nghe-199766.html