Một Huế khác lạ qua những trang sách và tranh
Sau 'Bên dòng Ô Lâu' và 'Về Huế ăn cơm', mới đây nhà văn - nhà báo Phi Tân đã cho ra mắt tập tản văn mới: 'Huế - Chuyện xưa thành cũ'. Vẫn như hai tác phẩm trước, tác phẩm mới này vẫn sẽ tiếp nối dòng chảy cảm xúc về cả con người, không gian, thời gian cũng như những gì rất Huế.
Hành trình của người gom nhặt ký ức
Ngay từ tập tản văn đầu Bên dòng Ô Lâu, tác giả Phi Tân đã định hình mình là “người gom nhặt ngày xưa” - như từ dùng của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy. Sở dĩ có cụm từ đó, “bởi vì trong các đoản văn của mình, anh luôn cần mẫn và say mê gom nhặt từng mảnh hồn xưa cất đầy vào chiếc hộp thương nhớ, ngày ngày mở ra xem, để rồi chợt bật cười, chợt bâng khuâng, chợt nuối tiếc..., và rưng rưng vì những hồn xưa dấu cũ đang dần khuất dạng trong đời sống ngày nay”.
Ở Huế - Chuyện xưa thành cũ, tác giả tiếp tục dẫn dắt người đọc qua những phác thảo rất riêng. Đó là ký ức gắn liền với vùng sông nước của quê hương ông. Đó là sông Bồ gắn liền với những ngày đầu mở xứ phía Đàng Trong của Chúa Nguyễn Hoàng mà phù sa hai bờ cũng trở thành nguồn dưỡng chất cho cây thanh trà. Đó cũng là sông An Cựu – dòng sông nhân tạo đầu tiên ở Huế do vua Gia Long cho đào để làm lợi cho nàng nông, tránh nước nhiễm mặn cũng như lũ úng. Theo Phi Tân, đây cũng đồng thời chính là con sông có nhiều tên nhất, vì khi chảy qua nơi nào thì nó sẽ được mang tên chính địa điểm đó.
Bìa sách Huế - Chuyện xưa thành cũ. Ảnh: Minh Anh
Tuy vậy thì con sông gắn liền với tác giả nhất vẫn là sông Hương, trong những ký ức từ làng quê đi đò để thấy được dinh và thấy Hương giang phản chiếu ánh đèn. Đối với Phi Tân, sông Hương luôn có trong ông theo kiểu tràn trề yêu yêu thương, và dù cho nắng hạn cực độ thì vẫn trong xanh, nước vẫn dồi dào. Ông cũng nhận định: “Huế đó, một thành phố nhỏ và hiền như những bến đò bên dòng Hương giang, nhưng để đi hết chiều sâu của Huế thì... thăm thẳm như lòng sông Hương, không biết đi mãi đến bao giờ”.
Sông nước cũng nhắc ông nhớ về những bến đò hiền hòa, về những con đường ven sông như những bức tranh yên bình mang theo nhịp điệu bốn mùa, với những đồng rau lên xanh mơn mởn sau những bão giông. Ở đó có những ngôi làng ven sông, ven biển trải qua không ngớt biến động, nhưng rồi vẫn sẽ “hồi sinh” một cách mạnh mẽ từ những tro tàn. Khung cảnh làng biển hay những nhà chồ phía trên mặt phá... được ông miêu tả một cách sinh động và cũng phong phú đến không ngờ đến.
Trong bức tranh ấy cũng có khuôn mặt của những con người, từ các ký ức một thời tuổi thơ với các trận bóng với nhóm mục đồng, cho đến lớn hơn một chút, với những kỷ niệm học đường một thời áo trắng hay thời sinh viên, và rồi bạn bè lại sẽ tản ra khắp mọi nẻo đường. Thế nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là một sự gắn kết tương đối đặc biệt với một vùng đất đã là máu thịt, không thể rời đi mà dù có đi xa đến đâu, cũng không thể quên được chính cảm giác “mưa ướt mềm trên Huế”.
Bên cạnh cảm hứng từ thời ấu thơ, Phi Tân cho ta cảm giác ông có thể kể được một câu chuyện chỉ bằng những cảm giác thoáng qua. Từ các món ăn như ớt mói (ớt muối), cơm hến, nấm tràm... cho đến những vật dụng mà đến giờ đây đôi khi không còn như sập trữ lúa, cái lu, lon ghi gô (guigoz), đòn gỗ... Những bài viết này tuy chỉ ghi lại những gì mà ông còn nhớ, nhưng lại thăm thẳm cảm xúc trong những ký ức cá nhân của một lớp người và dòng thời gian giờ đã trôi qua.
Kết hợp với hội họa
Như Phi Tân viết: “Những người Huế qua bao thế đã để kéo thiên nhiên về quanh mình. Nhà vườn Huế đã được chủ nhân thiết kế quyện hòa trong một không gian sống mở rộng. Nhà có nhiều cửa, vườn rất nhiều cây trái và những lối đi nhỏ nối nhà liên vườn khăng khít với nhau. Đặc biệt, ngõ vào nhà luôn có hai hàng chè tàu tử tế tốt đẹp mắt và trước nhà thì luôn có tấm bình phong che chở. Đó là nơi người bầu bạn với cây”. Vì vậy dấu ấn thiên nhiên không chỉ xuất hiện trong những bài viết, mà còn ở cả trong phần thiết kế ấn phẩm.
Theo đó bên cạnh những bài viết gợi nhắc ký ức của rất nhiều người, thì họa sĩ Phan Vũ Tuấn với bộ sưu tập tranh phong cảnh Huế đồ sộ cũng được sử dụng trong tác phẩm này để tái hiện lại không gian xứ Huế. Cơ duyên cho sự kết hợp này trước tiên phải kể đến sự gặp gỡ giữa hai “tâm hồn” yêu Huế bằng chính tình yêu về miền ký ức đậm đà, da diết trên mảnh đất Kinh kỳ. Từ đó mà những bức tranh sử dụng trong 3 cuốn sách của tác giả Phi Tân đều được họa sĩ Phan Vũ Tuấn vẽ bằng màu nước, vì anh yêu thích sự nhẹ nhàng, trong trẻo, và muốn tìm kiếm ở chất liệu sự mới lạ khi đưa vào tác phẩm.
Tác phẩm trực họa bằng màu nước Cửa Hiển Nhơn của họa sĩ Phan Vũ Tuấn được dùng trong Huế - Chuyện xưa thành cũ. Ảnh: Phan Vũ Tuấn
Tác phẩm trực họa bằng màu nước Đông Khuyết Đài của họa sĩ Phan Vũ Tuấn được dùng trong Huế - Chuyện xưa thành cũ. Ảnh: Phan Vũ Tuấn
Ở Huế - Chuyện xưa thành cũ, tranh bìa và bộ postcard của cuốn sách sử dụng những bức tranh đặc biệt của vị họa sĩ về Đại Nội Huế ở nhiều góc độ khác nhau. Sự thay đổi của góc độ quan sát, của thời gian, của bốn mùa hay tinh tế hơn là của những cảm xúc trên trang giấy đã cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, đầy hơi thở hoài niệm và dấu vết ký ức xưa. Trong đó nhiều tác phẩm, phố, di tích… không chỉ hiện lên bằng vẻ đẹp vốn có mà phảng phất đâu đó hơi thở của hiện thực, gửi gắm những suy tư, câu chuyện của chính tác giả về ký ức, hiện tại và tương lai.
Trước đó ở Bên dòng Ô Lâu, vô vàn hình ảnh rất đỗi quen thuộc như con trâu đằm mình giữa cánh đồng hoang, bụi tre già trong làng, những chiều quê yên ả hay tàu lá chuối vàng úa rụng ngổn ngang dưới thềm… thuộc bộ sưu tập Chuyện quê của Phan Vũ Tuấn cũng được sử dụng. Còn với Về Hế ăn cơm, đó là rất nhiều tác phẩm về phố, di tích, danh lam thắng cảnh, một không gian tràn ngập sắc màu dịu dàng, bảng lảng khói sương của khí trời xứ Huế, chất đầy hoài niệm về kiến trúc di sản, thiên nhiên, phố cổ… hiện lên cổ kính mà sang trọng.
Từ đó bên cạnh những áng văn hay nói về “miền thương” là một xứ Huế khắc khoải, thì bộ 3 tác phẩm về Huế đã được ra mắt không chỉ chỉn chu về mặt nội dung, mà còn độc đáo trong cả phần nhìn, góp phần đưa địa điểm này không chỉ ngày càng gần hơn với độc giả trong nước, mà còn rộng hơn là đến gần với bạn đọc quốc tế.
Tác giả Phi Tân sinh năm 1973 tại Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ông là cựu sinh viên khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Huế, hiện công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế. Ông đã ra mắt các tác phẩm như: Ngoại ô thương nhớ (2020), Bên sông Ô Lâu (2021), Về Huế ăn cơm (2021), Cổ tích của ba (2023), Huế - Chuyện xưa thành cũ (2024).
Họa sĩ Phan Vũ Tuấn sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Nghệ thuật Huế, hiện là họa sĩ tự do và theo đuổi con đường sáng tác với chất liệu màu nước. Yêu thích vẻ bình yên, mộc mạc của làng quê nên anh dành nhiều thời gian rong ruổi trên những con đường làng để vẽ tranh trực họa.
Các buổi triển lãm của anh gồm có: Chuyện chưa kể (Huế, 2017), Triển lãm mỹ thuật họa sĩ trẻ tại Huế (2019) và Chuyện Quê (Huế, 2022).