Một khúc sông quê

Chiếc cầu thứ hai bắc qua sông Ô Lâu nối làng Đại Lộc quê tôi với cánh đồng bên kia sông đang hoàn thiện trong những ngày cuối năm 2024. Không lâu nữa, một tuyến đường mới nối từ Quốc lộ 1A qua Khu công nghiệp Phong Điền, Phong Chương với làng Đại Lộc quê tôi và ra tới làng biển Mỹ Hòa sẽ thông tuyến.

Cây cầu mới qua sông này cũng sẽ được đặt tên trong nay mai khi vùng đất này sẽ mang tên mới là phường Phong Phú của thị xã mới Phong Điền, thành phố Huế...

Về thăm quê trong buổi chiều cuối năm, tôi đứng trên cầu với chiều cao của cây cầu mới tôi có thể ngắm nhìn rất rõ đoạn cuối của con sông Ô Lâu chảy êm đềm qua làng tôi và làng Thế Chí Tây trước khi chia 3 nhánh đổ qua cửa Lác vào phá mẹ Tam Giang.

Sông Ô Lâu đoạn cuối quá đỗi dịu dàng với những cánh đồng lúa, những bờ cỏ hai bên bờ sông. Mùa lúa đang thì con gái, bờ sông màu xanh mát, mùa lúa chín bờ sông dát một màu vàng rực tươi rực rỡ, mùa đông nông nhàn bờ sông màu nâu sánh của những vạt ruộng đang chờ mùa gieo hạt nảy mầm và mùa nước lụt là cả hai bờ sông trắng...

Thật tình, là người của sông Ô Lâu với bao lần tắm sông, bao nhiêu lần đi trên sông, lớn lên vui buồn cùng con nước lên, con nước xuống của dòng sông này, nhưng tôi không thuộc lắm tên những cánh đồng đoạn cuối sông, chỉ nhớ hình như có những cánh đồng rộng được ông cha đặt tên là Cồn Thót, Cồn Nổi... Tôi chỉ nhớ rõ hai cái bến nước nối dòng sông với xóm làng là bến Bù và bến Đa, mà giờ đây đứng trên cầu nhìn rất rõ những bờ tre, những ngôi nhà ngói đỏ...

Ký ức đưa tôi về những ngày ấu thơ, khúc sông cuối dòng Ô Lâu một thời chưa xa cũng là nơi những đứa trẻ chăn trâu cùng trang lứa tôi của 2 làng Đại Lộc và Thế Chí Tây thường cưỡi trâu ra sông tắm, kè cho những chú trâu tơ của 2 đàn bạng (húc) nhau và thỉnh thoảng khi trâu bất phân thắng bại thì hai nhóm trẻ chăn trâu nhảy ra đánh nhau mà cũng chẳng bên nào chịu thất trận... Và sau đó là kết giao bè bạn cùng nhảy xuống sông nô đùa, rồi khi hoàng hôn xuống cả đàn trẻ thơ ngồi trên lưng trâu mà hát vang những khúc hát đồng dao vang lanh lảnh một khúc sông quê rồi đưa trâu về nhà!

Tôi cũng nhớ biết bao nhiêu khúc sông cuối này, khi lần đầu tiên đi xa làng quê của mình là chuyến đi chơi cùng ba lên Huế. Chuyến đò từ bến sông quê bắt đầu nổ máy và chạy xuôi sông Ô Lâu ra phá Tam Giang. Những cảnh vật quen thuộc của làng tôi cứ thế xa dần, xa dần rồi mờ khuất và không còn thấy nữa. Cảm giác của cậu bé nhà quê là tôi lúc đó thật buồn và có phần hẫng hụt. Trong tôi cứ quẩn quanh một ý nghĩ là không thể nào mình xa ngôi làng thân thương của mình được. Rồi sau đó, tôi đã chia tay tuổi học trò, chia tay gia đình và làng quê của mình để lên Huế học đại học từ một chuyến đò đầu mùa thu, để rồi trở thành một người quê ở phố kể từ độ đó...

Sau này, mỗi lần đi đò về Huế về thăm quê nhà, tôi luôn mang cảm giác hạnh phúc khi đò từ phá Tam Giang qua cửa Lác và chạy vào sông Ô Lâu. Những ruộng đồng, cây cối, cảnh vật, nhà cửa dâng trào ra trước mắt ngọt ngào và yêu thương. Tôi như được bé lại như ngày nào được tắm sông, được cùng chúng bạn cưỡi trâu bơi qua sông mà hát vang những lời đồng dao vang cả một khúc sông quê nhà...

Cũng trên chuyến đò đi hết nửa ngày sông nước như thế cùng các con, tôi đã kể cho con tôi nghe những câu chuyện ấu thơ của mình. Những câu chuyện có khi khiến các con ngủ luôn trên đò để khi tỉnh dậy cả 3 đứa đều òa vui: “Về tới quê nội rồi!”. Và trên con đường từ bến sông quê các con vui thích chỉ trỏ và trầm trồ trước những cảnh vật từng được nghe ba kể.

Đó là những câu chuyện có thật phía bờ xanh cổ tích của tuổi thơ tôi...

Phi Tân/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/mot-khuc-song-que-post75538.html