Một lần được gặp Bác

Năm 1966, Hà Tĩnh quê tôi là vùng đất 'chia lửa' cùng tiền tuyến miền Nam, phải chịu đựng nhiều trận đánh phá ác liệt của không lực Mỹ vào các làng mạc, bệnh viện, trường học... Khi ấy, tôi vừa tròn 14 tuổi, đang học lớp 5 trường Hương Phúc, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Lớp học của tôi có 57 học sinh đang học dưới lán.

Chiều hôm đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 9-2-1966, lớp học đang diễn ra bình thường thì nghe tiếng máy bay. Chúng tôi vội ra hầm trú ẩn. Cách hầm khoảng hơn 10m, một tiếng bom chát chúa vang lên sau lưng. Đất cát rào rào phủ lên, tôi thấy tối om trước mặt. Trận bom đã cướp đi tính mạng của 33 bạn, còn lại 24 người bị thương nặng, trong đó có tôi.

Cô bé Nguyễn Thị Mão (hàng đầu, thứ nhất, từ trái sang) trong đoàn tố cáo tội ác đế quốc Mỹ, năm 1966. Ảnh tư liệu

Cô bé Nguyễn Thị Mão (hàng đầu, thứ nhất, từ trái sang) trong đoàn tố cáo tội ác đế quốc Mỹ, năm 1966. Ảnh tư liệu

Sau vụ ném bom thảm sát, cuối tháng 2-1966, tôi được thông báo sẽ đi với đoàn cán bộ ngành giáo dục Hà Tĩnh ra Hà Nội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước học sinh, sinh viên Thủ đô cùng hơn 100 nhà báo trong và ngoài nước. Vừa mới chôn cất các bạn xong, tôi và thầy cô trong trường vẫn đeo khăn tang trắng trên đầu. Đặc biệt, hay tin về vụ ném bom, Bác Hồ đã cho mời đoàn lên gặp tại Phủ Chủ tịch.

Tôi còn nhớ, đó là ngày 28-2-1966, tất cả mọi người đã ngồi ổn định tại Phủ Chủ tịch thì Bác đến. Bác mặc bộ kaki quen thuộc, đội chiếc mũ bạc màu, bước đi khoan thai. Bác lần lượt bắt tay từng người, rồi hỏi chuyện. Nhìn thấy tôi với tấm khăn trắng còn chít trên đầu, Bác hỏi thăm về lớp học và hoàn cảnh gia đình. Tôi thưa với Bác về tội ác của đế quốc Mỹ vừa qua đã ném bom cướp đi tính mạng của 33 bạn. Khi Bác hỏi về hoàn cảnh gia đình thì tôi thành thật kể: "Thưa Bác! Cha cháu là liệt sĩ, cha cháu hy sinh khi cháu còn trong bụng mẹ, cha con chưa nhìn thấy mặt nhau. Mẹ cháu đi bước nữa. Hằng ngày, cháu đi bộ tới trường, vượt qua đường rừng 4km".

Nghe vậy, Bác rưng rưng nước mắt rồi quay sang phía Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh là thầy Lê Sỹ Nghĩa, căn dặn: “Các chú phải giúp đỡ cháu, cho cháu ăn học đến nơi đến chốn”. Rồi Bác cầm tay tôi dặn dò: “Cháu phải cố gắng học tập, làm nhiều việc tốt để trả thù cho các bạn”. Bác lại hỏi “Ở quê cháu chiến tranh ác liệt như vậy, nhân dân có phải đi sơ tán không?”. “Dạ thưa Bác có ạ, gia đình cháu phải đi sơ tán nhiều nơi ạ”. Bác lại hỏi: “Vậy người không đi sơ tán có giúp đỡ người đi sơ tán không?”. “Dạ có giúp đỡ nhau ạ”. Sau đó, Bác quay lại căn dặn mọi người: “Dân tộc ta đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau nên đã đánh thắng giặc Pháp và nhất định chúng ta sẽ đánh thắng giặc Mỹ”. Rồi Bác căn dặn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh: “Chiến tranh có thể phải kéo dài và ác liệt hơn, nhưng dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.

Cô bé Nguyễn Thị Mão trả lời phỏng vấn báo chí tố cáo tội ác giặc Mỹ, năm 1966. Ảnh tư liệu

Cô bé Nguyễn Thị Mão trả lời phỏng vấn báo chí tố cáo tội ác giặc Mỹ, năm 1966. Ảnh tư liệu

Cả đoàn chăm chú nghe Bác nói chuyện, đã quá trưa, Bác bảo chú Vũ Kỳ phát kẹo cho mọi người. Lúc chia tay, Bác dắt tay tôi từ phòng khách xuống sân, đồng thời căn dặn: "Riêng Mão phải cố gắng học giỏi để được Bác khen. Bác cũng gửi kèm một túi kẹo dành tặng các gia đình có học sinh vừa mất và gửi lời chia buồn tới gia đình".

Những giờ phút được trò chuyện với Bác Hồ trở thành kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi. Trên đường về, ai cũng xúc động bởi đang trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, bận rất nhiều việc nhưng Bác vẫn dành thời gian cho một trường huyện nhỏ nơi vùng sâu. Sau lần được gặp Bác hôm ấy, các thành viên của đoàn giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đã biến đau thương thành hành động, thi đua dạy tốt, học tốt để xứng đáng với lời dạy và sự tin tưởng mà Bác đã gửi gắm. Bản thân tôi đã khắc ghi lời Bác, nỗ lực từng ngày, phấn đấu học tập và trở thành giáo viên tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh).

Hiện nay, tuổi đã cao, song tôi vẫn hăng hái tham gia các hoạt động tại tổ dân phố 5, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Trước đây, khi làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học phường kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, tôi cùng các hội viên khởi xướng Phong trào “Bát cháo tình thương” dành tặng bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện tỉnh. Hiện nay, tôi tham gia Chi hội Người cao tuổi của phường. Với tấm lòng thương nhớ Bác, tôi lập riêng một ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2-9 năm nào tôi cũng làm mâm cơm giỗ Bác. Với tôi, Bác là niềm tin, là hy vọng và nghị lực sống để làm những điều tốt đẹp cho đời.

PHẠM KIÊN (Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mão, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/mot-lan-duoc-gap-bac-791731