Một lòng hướng cội

'Chim có tổ, người có tông, dẫu xa cách muôn trùng vẫn nhớ về tông tổ'. Thấm nhuần truyền thống đạo lý tốt đẹp đó của dân tộc ta, mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, không chỉ trăm triệu trái tim Việt trong nước cùng hướng về ngày Quốc giỗ mà hàng triệu Việt kiều sinh sống, làm ăn ở khắp năm châu bốn biển cũng nặng lòng vẹn nghĩa tri ân nguồn cội.

Ngày 30-3 vừa qua, cộng đồng người Việt tại thành phố Sakai (Osaka, Nhật Bản) tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương với điểm nhấn là 100 con Lạc cháu Hồng tay cầm cờ đỏ sao vàng cùng xếp thành hình bản đồ Việt Nam nhằm chuyển tải thông điệp “Non sông một dải, Tổ quốc thống nhất, người Việt chung một Quốc Tổ” đến với người dân xứ sở hoa anh đào và bạn bè quốc tế.

Khởi động từ năm 2015, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã hiện thực hóa được 10 năm với những con số rất giàu ý nghĩa: Tổ chức Lễ an vị tượng Vua Hùng ở hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; kết nối các đại biểu trí thức kiều bào và bạn bè quốc tế từ gần 50 quốc gia để quảng bá, thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại nước sở tại; vinh danh hàng chục con cháu Vua Hùng toàn cầu có nhiều đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam.

Hành hương về Đền Hùng. Ảnh: qdnd.vn

Hành hương về Đền Hùng. Ảnh: qdnd.vn

Như một mạch nguồn chảy mãi trong mỗi huyết quản con Lạc cháu Hồng, tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương không chỉ là sợi dây tâm linh kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, mà còn là nhịp cầu gắn kết giữa các thế hệ người Việt ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Với hơn 5 triệu Việt kiều sinh sống ở khoảng 130 quốc gia trên thế giới, dẫu cuộc sống, thời cuộc có lúc dâu bể, thăng trầm nhưng đạo lý ân nghĩa, thủy chung với tổ tiên, dòng tộc, quê hương, nguồn cội chính là “mã gene” định vị bản sắc Việt Nam, bảo toàn nhân cách người Việt trong thời đại toàn cầu hóa.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mot-long-huong-coi-822897