Một lòng theo Ðảng

Già làng, người có uy tín không chỉ là kho tri thức, chỗ dựa tinh thần cho đồng bào mà còn là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tiếng nói của họ được ví như những cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng theo phương châm 'Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo'.

Đâu khó có già làng

Đã 91 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng nhưng hằng ngày già làng Lâm Uynh ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh vẫn có mặt khắp các thôn, sóc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thăm hỏi, động viên đồng bào Khmer làm ăn, phát triển kinh tế. Việc làm ấy đã theo già kể từ ngày giải phóng đất nước đến nay.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: “Già làng Lâm Uynh là người tiêu biểu trong việc vận động bà con tham gia các phong trào ở địa phương. Nhiều năm qua, già đã có những việc làm rất thiết thực, nổi bật là tặng bò giống cho bà con nuôi để xóa đói giảm nghèo”.

Hộ đồng bào nghèo ở huyện Lộc Ninh được già làng Lâm Uynh (bên trái) hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế

Hộ đồng bào nghèo ở huyện Lộc Ninh được già làng Lâm Uynh (bên trái) hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế

15 năm qua, để giúp người dân, đảng viên nghèo và những đồng đội năm xưa đang sống trên địa bàn, già làng Lâm Uynh tặng bò giống; còn những hộ khó khăn khác ông cho bò để nuôi, khi bò sinh sản thì chia đều cho cả hai bên. Đến nay, có 50 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo ở huyện Lộc Ninh được ông hỗ trợ bò với hơn 70 con và nhiều hộ được ông giúp đã vươn lên thoát nghèo. Ông Lâm Mít ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết: “10 năm trước, nhà tôi khổ lắm, già làng Lâm Uynh đã tặng 1 con bò. Tôi nuôi đến giờ được 15 con, vừa rồi tôi bán 3 con để sửa nhà. Tôi biết ơn già làng nhiều lắm!”.

Không chỉ quan tâm, chăm lo đời sống bà con, già làng Lâm Uynh còn luôn tiên phong trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Thành công lớn nhất của ông là đã khôi phục nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khmer. Ông còn đi đầu trong việc vận động người dân hiến đất làm đường. Để làm gương, ông đã hiến hơn 500m2 đất, trong đó chiều dài đường khoảng 200m.

Đẩy lùi hủ tục

Già làng Điểu Mun (71 tuổi) ở thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập từng giữ chức Trưởng Công an huyện Phước Long. Trong suốt quá trình công tác, ông không nhớ đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người, chỉ biết rằng những nơi ông đến, hủ tục, đói nghèo dần được đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống ấm no, hạnh phúc.

Già làng Điểu Mun chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, trong quá trình công tác, tôi đã đi khắp thôn cùng ngõ hẻm vận động đồng bào sống và làm việc theo pháp luật, xóa bỏ hủ tục, chăm chỉ lao động để thoát nghèo”.

Già làng Điểu Mun (giữa) cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra giữ rừng

Già làng Điểu Mun (giữa) cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra giữ rừng

Sau khi nghỉ hưu, ông đã vận động 69 hộ DTTS trong thôn tham gia nhận khoán bảo vệ 2.000 ha rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Địa bàn của tổ nhận khoán được giao bảo vệ giáp với tỉnh Đắk Nông, khu vực khá phức tạp. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Là người từng công tác trong ngành công an nên ông Điểu Mun chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng nghiệp vụ vào bảo vệ rừng. Nhiều ý đồ, hành vi của lâm tặc từ đó bị phát giác. Song song với tuần tra, bảo vệ rừng thì phòng, chống cháy rừng, bảo vệ động, thực vật rừng cũng được cộng đồng thôn 8 quan tâm chú trọng. Nhờ áp dụng các biện pháp đồng bộ nên thời gian qua, khu vực nhận khoán của cộng đồng thôn 8 nơi ông Điểu Mun phụ trách quản lý, tình hình vi phạm lâm luật giảm mạnh và không để xảy ra cháy rừng.

Muốn đồng bào tin, mình phải làm gương

Nhiều năm liền làm trưởng ấp, giờ đảm nhiệm vai trò người có uy tín trong cộng đồng, ông Điểu Rét (65 tuổi) ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp tâm niệm, muốn đồng bào tin thì mình phải nêu gương trước. Ông đã vận động bà con thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là giúp các hộ dân giảm nghèo.

Ông Điểu Rét (bìa phải) đi vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Ông Điểu Rét (bìa phải) đi vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Chị Điểu Thị Hạnh ở ấp Bù Tam chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi không biết cách làm kinh tế, trồng cây phó mặc cho thời tiết, được gì ăn đó. Nhưng nhờ bác Điểu Rét hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật, chúng tôi áp dụng nên kinh tế gia đình khá lên. Việc ăn ở, chăn nuôi cũng sạch sẽ, vệ sinh hơn”.

Là địa bàn giáp với biên giới Campuchia, ấp Bù Tam có 339 hộ, trong đó hơn 50% là đồng bào DTTS, hầu hết theo đạo Tin lành. Do trình độ dân trí còn thấp, đồng bào hiểu biết chưa nhiều nên để truyền tải các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với người dân, ông Điểu Rét phải tuyên truyền, vận động làm sao thật đơn giản, gần gũi, chân thành để đồng bào nghe, hiểu và làm đúng... Những thành tích nổi bật của ông đã được ghi nhận với nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt năm 2020, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về công tác dân tộc.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bù Tam Phạm Thanh Cần cho biết: “Trong tuyên truyền, vận động, ông Điểu Rét làm rất tốt. Việc làng, việc xóm, ông đều tham gia nhiệt tình. Nếu không có ông tuyên truyền thì ấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Lấy sức dân làm lợi cho dân

Bình Phước có 40 thành phần DTTS cùng sinh sống. Nếu không có vai trò của già làng, người có uy tín thì công tác tuyên truyền, vận động trong vùng DTTS sẽ gặp khó khăn nhất định. Chúng ta có hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên người DTTS tuyên truyền, vận động cho chính người DTTS thì sẽ hiệu quả hơn. Đây là một trong những điểm mạnh, điểm khác biệt và ưu thế vượt trội của già làng, người có uy tín trong vùng DTTS.

Ông LÝ TRỌNG NHÂN, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước

Bình Phước hiện có khoảng 199.000 người DTTS (gần 20% dân số toàn tỉnh), trong đó có 94 già làng, 364 người có uy tín. Những năm qua, đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS ở Bình Phước đã phát huy tốt vị trí, vai trò trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

“Lấy sức dân làm lợi cho dân”, tận tâm với công việc, nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, các già làng, người có uy tín ở Bình Phước đã và đang có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một mùa xuân mới lại về, tin rằng với uy tín và một lòng theo Đảng, làm lợi cho đồng bào mình, già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS sẽ tiếp tục cống hiến, gieo những hạt giống mùa xuân đến khắp buôn làng…

Hiền Lương - Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/140615/mot-long-theo-dang