Mót lúa ngày mùa
Đôi lần, trong chuyến công tác trên nẻo đường quê, những cánh đồng chín vàng đang được thu hoạch luôn gây ấn tượng mạnh trong tôi. Hình ảnh nông dân cặm cụi tìm hạt vàng trên đồng vương hương lúa, gợi lên câu chuyện tình làng nghĩa xóm, sự đùm bọc, sẻ chia, tuy âm thầm nhưng rất nhân văn.
Đó là câu chuyện mót lúa ngày mùa, hình ảnh gần gũi, bình dị, thân quen của người dân quê bao đời nay. Mọi người thường í ới gọi nhau đi cấy, đi gặt lúa, cả khi đi mót lúa. Tôi tiếc nuối khi chưa kịp ghi lại hình ảnh bóng người lom khom mót lúa dưới cánh đồng sau khi máy gặt đập đi qua. Bằng đôi tay thoăn thoắt, với đôi mắt kinh nghiệm, sau thời gian ngắn, có người đã mót được vài ba ký lúa.
Câu chuyện kể không đầu, không đuôi của mẹ tìm về khi tôi chợt nhìn thấy người đàn ông lục tuần khệ nệ vác bao lúa mót. Ký ức của mẹ là những ngày mùa “vui như hội”. Khi các cánh đồng gần nhà thu hoạch lúa xong, mẹ lại cùng mấy đứa trẻ khác trong xóm vào mùa mót lúa. Trầy trật vạch tìm trong gốc rạ, mẹ khoe mót được vài chục ký lúa mang về cho bầy gà, vịt, đỡ được ít tiền mua thức ăn hàng ngày của ông bà ngoại.
Mẹ tôi nói, đó là hành động âm thầm chia sẻ tình thương của bà con ở quê. Chủ ruộng hoặc người gặt lúa cố tình để lại một ít lúa vàng cho lũ trẻ nhặt về. Vì vậy, khi cánh đồng vừa gặt xong, đám trẻ nghèo đã túa đi mót lúa. Sau cùng là đến vịt chạy đồng.
“Qua đợt mót lúa, chủ sẽ lùa bầy vịt xuống đồng cho chúng tìm thức ăn từ kẹt cùng nhất, moi ra bông lúa ẩn mình thật kỹ dưới gốc rạ. Nhìn trên mặt ruộng thấy sạch vậy chứ bầy vịt vẫn có thể no căng sau một hồi càn quét. Chủ nuôi đỡ tốn chi phí mua lúa cho vịt ăn” - mẹ tôi kể.
Tiếng phơi lúa sột soạt của người đàn ông ban nãy kéo tôi về thực tại. Đôi tay lấm lem bùn đất, quần áo nhễ nhại mồ hôi, ông Lê Văn Thiệt (64 tuổi, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, cặm cụi từ sáng sớm đến giờ, ông mót được 2 bao lúa đầy ắp. “Sống bằng nghề “ai kêu gì làm đó”, thù lao khoảng 150.000 đồng/ngày. Đến mùa gặt, tôi cũng như bao người không có ruộng khác, tranh thủ đi mót lúa. Cùng cảnh khổ, mọi người thương nhau lắm, không ai tranh giành “địa bàn”.
Chúng tôi còn thông tin cánh đồng nào chuẩn bị gặt, hay mới vừa gặt, rủ nhau mót lúa cho vui. Gặt lúa bằng tay hay bằng máy vẫn bỏ sót cây lúa lẻ loi, đổ ngã. Chúng tôi mang liềm gặt những cây lúa còn sót đó. Thật ra, do chủ ruộng thương chừa lại, chứ nếu bỏ công ra cắt thêm mớ lúa ấy thì chẳng còn gì cho chúng tôi” - ông Thiệt bày tỏ.
Không biết những người khác thế nào, riêng ông Thiệt, chịu khó cặm cụi trên cánh đồng ngày mùa cũng mót được 16 - 17 giạ lúa, tính ra hơn 300kg lúa chứ chẳng đùa. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Thiệt cười khà khà, chỉ tay về đống lúa lớn đang phơi trước mặt, khoe tất cả đều do ông mót về.
“Lúa mót nên dính khá nhiều bùn đất. Sau khi đem về, tôi đập ra, giũ dưới sông cho sạch bùn đất rồi mới phơi khô, sau cùng là dê (rê) lúa cho sạch lúa lép, bụi. Chịu khó bỏ công, tôi kiếm được kha khá sau mỗi mùa lúa mót. Chừa lại một ít xay gạo ăn, phần còn lại, tôi mang bán để trang trải cuộc sống” - với giọng chất phác, ông Thiệt cho biết.
Chắc hẳn, bạn đã từng đi qua cánh đồng mùa gặt rất đẹp. Những chiếc xe cắt lúa chạy qua cuốn cây lúa chín trĩu hạt vào trong xe, phút chốc cho ra hạt lúa mới. Song, đẹp hơn vẫn là cái tình quê từ bao đời nay, để người mót lúa “ấm lòng” hơn giữa khó khăn của cuộc sống.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mot-lua-ngay-mua-a383508.html