Một mô hình bệnh viện cần nhân rộng

Mô hình 'bệnh viện chị - em' mà Hà Nội triển khai thí điểm vài tháng qua đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Một nam bệnh nhân bị thoát vị bẹn mới đây đã được mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Đây là ca phẫu thuật nội soi đầu tiên cho bệnh nhân bị thoát vị bẹn tại bệnh viện tuyến cơ sở này. Trước đây, các ca bệnh như thế này sẽ được mổ mở tại Bệnh viện Ba Vì và điều này có hạn chế là lâu hồi phục, mất thẩm mỹ. Do đó, hầu hết bệnh nhân thoát vị bẹn lên tuyến trên để được mổ nội soi.

Lần này, thay vì chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nam bệnh nhân thoát vị bẹn đã được mổ nội soi ngay tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì sau khi được Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi thoát vị bẹn. Với sự hướng dẫn của bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã thực hiện ca mổ nội soi thành công, bệnh nhân hồi phục nhanh và bảo đảm thẩm mỹ.

Việc Bệnh viện Xanh Pôn chuyển giao kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn mổ nội soi thoát vị bẹn cho các bác sĩ Bệnh viện Ba Vì nằm trong mô hình "bệnh viện chị - em" mà TP Hà Nội tiến hành thí điểm từ tháng 9-2023. Với mô hình này, hằng ngày, các y - bác sĩ bệnh viện tuyến trên thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp các tuyến dưới, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca nặng.

Giảm tải bệnh viện tuyến trên

Cũng theo mô hình "bệnh viện chị - em", Sở Y tế TP Hà Nội phân công 3 "bệnh viện chị" gồm các bệnh viện: Xanh Pôn, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội trực tiếp hỗ trợ toàn diện "bệnh viện em" là huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Các hoạt động hỗ trợ toàn diện trên tất cả lĩnh vực như quản trị bệnh viện; đào tạo, hướng dẫn thực hành; phát triển chuyên môn kỹ thuật với nhiều hình thức như hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ từ xa (online)... Từ mô hình này, Bệnh viện Ba Vì thiết lập đơn nguyên cấp cứu với 30 giường bệnh hoạt động hiệu quả, kín giường cấp cứu. Nhiều ca bệnh thay vì phải chuyển lên tuyến trên đã được cấp cứu, chữa trị ngay tại tuyến dưới, vừa kịp thời vừa tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh và thân nhân.

Hiệu quả bước đầu của việc thí điểm "bệnh viện chị - em" mở ra hướng nhân rộng mô hình này ở Hà Nội. Hiện, mạng lưới y tế cơ sở của TP Hà Nội có 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 54 phòng khám đa khoa; 4 nhà hộ sinh; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Việc càng nhiều người bệnh được chăm sóc, điều trị tại tuyến dưới sẽ không chỉ phát huy được công năng, hiệu quả của cơ sở y tế tuyến dưới, mà còn góp phần quan trọng giúp giảm quá tải ở tuyến trên. Và điều đó giúp chăm sóc, chữa trị tốt hơn cho người bệnh, đồng thời giúp giảm chi phí và thời gian đi lại.

Phạm Dương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-mo-hinh-benh-vien-can-nhan-rong-196240229202323585.htm