Một năm học đặc biệt
Khoảng 23 triệu học sinh đã bước vào năm học mới 2020-2021. Đây là một năm học rất đặc biệt bởi khai giảng trong khi đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường. Năm học này, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cũng chính thức thực hiện song song hai chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ lần đầu triển khai ở lớp 1…
1. Trong bức thư gửi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nhân dịp khai giảng năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Năm học mới 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 có thể còn có những diễn biến mới, tôi đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, sinh viên; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, nỗ lực phấn đấu tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành Giáo dục và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Có thể nói đây là lời chỉ đạo quyết liệt, nhưng đồng thời cũng là lời nhắn nhủ, nhắc nhở ân cần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với toàn ngành Giáo dục. Không chủ quan trước đại dịch Covid-19, nhưng cũng không thể lơ là trong công tác đào tạo và thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
2. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 9, khi năm học mới bắt đầu đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sự nghiệp “trồng người” là một điều hệ trọng, nên người ta quan tâm, bàn tán cũng dễ hiểu. Nào chuyện sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo, rồi chương trình học, những khoản tiền đóng góp…
Tuy nhiên, năm học này, bên cạnh những “xôn xao quen thuộc” thì phòng, chống đại dịch Covid-19 vẫn gây sự chú ý, quan tâm của xã hội cũng như các bậc phụ huynh. Bởi từng có thời điểm, người ta thống kê trên thế giới cứ 15 giây có 1 người tử vong vì Covid-19. Ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, dù được Đảng, Chính phủ quan tâm, có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để kiểm soát song dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường, bởi nhiều nơi trên thế giới dịch vẫn chưa kiểm soát được. Đặc biệt, thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin chữa trị hiệu quả. Chính vì thế, đây là điều lo lắng của nhiều bậc phụ huynh có con bước vào năm học mới 2020-2021.
Ghi nhận từ thực tế có thể thấy các trường học đã thực hiện việc tuyên truyền cho học sinh các cách phòng, chống dịch Covid-19 như thường xuyên rửa tay, sử dụng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Bên cạnh đó cũng đã đề nghị các phụ huynh có những khai báo y tế cần thiết. Ngành Y tế cũng đã đưa ra 7 biện pháp học sinh cần làm hằng ngày tại trường học như: 1/ Rửa tay với nước sạch và xà phòng (hoặc dung dịch rửa tay khô) thường xuyên vào các thời điểm: Trước khi vào lớp; trước và sau khi ăn; sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn. 2/ Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp). Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa tay sạch. 3/ Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. 4/ Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, như: Cốc, bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn... 5/ Không khạc, nhổ bừa bãi. 6/ Bỏ rác đúng nơi quy định. 7/ Nếu bản thân hoặc thấy học sinh khác có sốt, ho, đau họng, khó thở thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy học sinh, nhất là khối học sinh tiểu học, vốn hiếu động, trường học lại đông nên khó lòng có thể thực hiện rốt ráo những hướng dẫn nêu trên. Đặc biệt, vào những giờ đưa đón học sinh, lượng người tiếp cận với trường học rất đông có thể là nguồn lây lan dịch bệnh.
Tính tới sáng ngày 9/9, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã 12h trôi qua Việt Nam không có ca ca mắc mới và đây cùng là ngày thứ 7, Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng. Hiện đã có 868/1.054 bệnh nhân được chữa khỏi. Nhưng, con số 35 người đã tử vong có liên quan tới Covid-19 trong thời gian qua khiến chúng ta không thể chủ quan.
3. Năm học 2020-2021 đã chính thức bắt đầu. Bên cạnh những biện pháp ứng phó với dịch bệnh, thậm chí chuẩn bị sẵn những kịch bản khi một lớp học, một trường học xuất hiện ca nhiễm Covid-19, thì ngành GD-ĐT vẫn cần khẩn trương để thực hiện các nhiệm vụ mới. Trong Chỉ thị mới ban hành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ðảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD-ĐT, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Ngành Giáo dục tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo;
Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình.
Căn cứ các yêu cầu trên và tình hình thực tiễn của các địa phương, của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021.
Căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tiễn, Giám đốc các Sở GD-ĐT tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.
Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021; thực hiện các giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục. 5 nhóm giải pháp cơ bản được duy trì và phát triển theo hướng trọng tâm, chi tiết. Cùng với hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực đầu tư, khảo thí, kiểm định chất lượng và truyền thông, đáng chú ý là nhóm giải pháp “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT”.
4. Năm học 2020-2021 là một năm học rất đặc biệt, vì đây là năm đầu tiên ngành Giáo dục chạy song song hai chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ lần đầu triển khai ở lớp 1. Người ta thấy, trong Chỉ thị của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, SGK để dạy lớp 1.
Tuy nhiên, giữa chỉ thị và thực tế vẫn có những khoảng vênh lệch hoặc chưa như kỳ vọng của xã hội, điều đó có thể xảy ra, và cần sớm có những ghi nhận, sơ kết để kịp thời điều chỉnh. Chỉ biết rằng, hàng triệu học sinh lớp 1 đã chính thức nhập trường. Không chỉ có con trẻ bỡ ngỡ với sách vở mà các bậc phụ huynh có con theo học lớp 1 cũng có nhiều băn khoăn. Nói riêng về việc mua SGK lớp 1 cho đúng thôi, cũng là câu chuyện “đau đầu” của nhiều phụ huynh. Những năm trước, trong kỳ nghỉ hè, phụ huynh đã có thể tự đi mua bộ SGK lớp 1. Nhưng năm nay, phải chờ tới thời điểm con được nhận trường, nhận lớp mới biết là trường ấy chọn bộ SGK nào. Lúc đó, phụ huynh mới đi mua, mà phần lớn là đặt mua luôn tại trường.
Việc đứa trẻ lớp 1 phải “cõng” tới 23 đầu sách - trong đó rất nhiều đầu sách tham khảo, bài tập - khi vừa bước vào năm học mới lại dấy lên câu chuyện giáo dục đáng lo ngại lâu nay là sự nhồi nhét các loại sách tham khảo, có dấu hiệu của “nhóm lợi ích” và quan trọng hơn là đi ngược mục tiêu giảm áp lực học hành, thi cử. Một số phụ huynh ở thành phố, có điều kiện kinh tế thì chia sẻ, họ không cảm thấy tiếc tiền khi mua sách cho con, vì thực tế, mỗi cuốn sách trên dưới 20.000đ. Với họ, đó là số tiền không đáng kể. Điều họ lo lắng là với một đứa trẻ chưa biết chữ, thì có cần nhiều loại sách vậy không? Và thời gian đâu để các con có thể sử dụng các loại sách tham khảo, bài tập ấy khi mà mục tiêu chính của lớp 1 là các nhà trường dạy cho con biết đọc, biết viết. Từ góc nhìn của các phụ huynh sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu thì thêm vài trăm ngàn hay vài chục ngàn đồng cũng tạo thêm áp lực, khi mà năm nay dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều gia đình gặp khó.
Từ quan điểm của một chuyên gia giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Với học sinh lớp 1, không cần thiết phải mua sách tham khảo, tránh gây lãng phí cho phụ huynh. Chúng ta hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh, việc phải mua nhiều sách như vậy là đi ngược chủ trương này. Bộ GDĐT cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng này”.
Quan điểm của GS Phạm Tất Dong nhận được sự đồng thuận của phụ huynh có con vừa vào lớp 1 năm nay. Chính Bộ GD-ĐT cũng lập tức ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở GDĐT các tỉnh thành về việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Theo đó, Bộ GD-ĐT nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc phải mua.
Theo Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), năm học 2020 - 2021, cả nước có 8.756.621 học sinh tiểu học (tăng 276.644 em so với năm học trước) với tổng số lớp là 282.968 (tăng 4.583 lớp so năm học trước). Đội ngũ giáo viên tiểu học đã được bổ sung 5.000 người, nâng tổng số giáo viên cấp học này lên mức 403.000 thầy, cô.
Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương do số lượng học sinh đông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: “Tinh thần là dù thế nào cũng phải bảo đảm chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1”. Bộ trưởng đồng thời đề xuất địa phương xây dựng đề án dài hơi, ít nhất 5 năm, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục. Từ đó, đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-nam-hoc-dac-biet-507107.html