Một ngày trên đồng mía

Những ngày này, trên từng cánh đồng mía của hai huyện Mai Sơn và Yên Châu, người sản xuất đang hối hả vào vụ thu hoạch mía. Người chặt, người bó, người vác, bốc xếp lên xe chở về nhà máy, không khí lao động thật khẩn trương, nhộn nhịp.

Người dân bản Chờ Lồng, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu thu hoạch mía.

Người dân bản Chờ Lồng, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu thu hoạch mía.

Chúng tôi cùng cán bộ xã Yên Sơn, huyện Yên Châu về bản Chờ Lồng, nơi đây, cây mía được trồng trên những sườn đồi, vạt nương đất dốc. Giữa nắng trưa gay gắt, tại vườn mía của gia đình anh Vì Văn Thiên, 13 người cả nam, nữ, mỗi người vác một bó mía từ trên đồi xuống tập kết ở khu đất bằng. Lau những giọt mồ hôi trên trán, anh Thiên cho biết: Gia đình tôi có 2 ha mía, mỗi năm thu hoạch 140 tấn mía cây. Gia đình đổi công với bà con trong bản thu hoạch mía, hỗ trợ nhau không mất tiền thuê nhân công, lại đoàn kết tương trợ nhau. Để giảm tải việc vận chuyển bằng sức người, khu vực nào không có đá, chúng tôi lăn bó mía từ trên đồi xuống, sau đó mới vác về điểm tập kết để bốc lên xe tải. Đất dốc, bó mía vừa dài lại nặng từ 35 đến 40kg, dưới đất chủ yếu là lá mía khô, gốc mía vừa chặt nên người vác phải cẩn thận trong quá trình di chuyển, nếu không dễ trượt ngã.

Tiếp tục di chuyển sang sườn đồi bên cạnh, những cây mía cao quá đầu người, tiếng chặt, tiếng lá mía xào xạc, tiếng người dân nói chuyện rôm rả. Thoăn thoắt chặt mía, phát ngọn rồi bó thành từng bó gọn gàng, chị Hoàng Thị Thong, chia sẻ: Nhìn thì đơn giản, nhưng việc chặt mía đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Khi chặt phải đeo găng tay, tránh xước da. Vào những ngày tiết trời nắng nóng, việc chặt mía nặng nhọc hơn nhiều.

Bản Chờ Lồng có 80 ha mía, mùa thu hoạch người dân trong bản chủ yếu đổi công cho nhau theo hình thức thành lập Tổ đổi công, với các thành viên là anh em, họ hàng trong gia đình. Tổ đổi công lần lượt thu hoạch mía cho từng hộ theo một diện tích nhất định, vượt quá diện tích đó sẽ được gia đình trả với giá chặt thuê là 2.500 đồng/bó cho các thành viên trong Tổ.

Thu hoạch mía vất vả là thế nhưng gần 15 năm qua, những hộ dân ở bản Chờ Lồng vẫn chọn gắn bó với cây mía. Ông Hoàng Hồng, Trưởng bản chia sẻ: Trước đây, vụ ngô là cây trồng chính của bà con trong bản nhưng trồng ngô phải đầu tư nhiều, từ giống, phân, công chăm sóc, giá cả không ổn định, sau mỗi vụ thu hoạch lãi thấp, thậm chí chỉ hòa vốn đầu tư. Trong khi trồng mía, bà con chỉ đầu tư giống năm đầu và được thu hoạch trong 5 năm, chi phí đầu tư thấp, giá ổn định, lại có Nhà máy mía đường Sơn La thu mua nên bà con yên tâm sản xuất. Tính ra 1 ha mía sau khi trừ chi phí người dân còn thu lãi được 60 triệu đồng, còn 1 ha ngô người dân chỉ thu được 22 đến 33 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Rời xã Yên Sơn, chúng tôi đến vùng mía nguyên liệu của xã Nà Bó, huyện Mai Sơn. Toàn xã hiện có 420 ha mía, năng suất mía bình quân năm nay đạt 70 tấn/ha. Vụ năm nay, Nhà máy mua giá cao hơn so với vụ trước, thân mía bán với giá 930 đồng/kg, ngọn mía bán giá 1.500 đồng/kg. Từ việc trồng mía, đã giúp nhiều hộ dân có cuộc sống khá hơn. Anh Lò Văn Trường, bản Nà Hường cho biết: Gia đình tôi có 3 ha mía, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng (đã trừ chi phí). Dù việc thu hoạch mía vất vả nhưng cây trồng này cho thu nhập ổn định, gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn. Hiện, gia đình tôi đang thuê thêm diện tích đất sản xuất của bà con để mở rộng diện tích trồng mía, chỉ mong mía được mùa, được giá là chúng tôi rất vui mừng.

Mùa thu hoạch mía còn tạo thêm việc làm thời vụ như chặt và bốc mía thuê cho những người dân trong vùng có thêm nguồn thu nhập. Người chặt mía thuê được tính giá 3.000 đồng/bó, mỗi bó từ 14 đến 15 cây mía. Trung bình mỗi người có thể chặt được khoảng 100 đến 180 bó mía/ngày, công chặt dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày.

Đã gần 7h tối, nhưng Tổ bốc mía thuê của anh Lò Anh Tuấn, bản Nà Hường, xã Nà Bó, vẫn đang trên đường đến bản Nà Bó để bốc mía cho bà con. Ngay từ đầu vụ, Tổ ký hợp đồng bốc mía với chủ xe và các hộ dân. Đối với khu vực đất bằng, giá bốc là 75.000 đồng/tấn, còn khu vực đất đồi dốc là 100.000 đồng/tấn, mỗi xe mía sẽ được bốc trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Có ngày, Tổ đã bốc được 10 xe tải, tương đương 100 tấn mía, mỗi người thu nhập từ 500 đến 600.000 đồng.

Anh Tuấn chia sẻ: Tổ bốc mía có 12 thành viên, từ 18 đến gần 50 tuổi, có sức khỏe tốt. Công việc này không có giờ giấc, có xe của nhà máy về chở là chúng tôi đi bốc mía. Có hôm bốc mía sớm nhất là lúc 1-2 giờ sáng, muộn nhất là 11 - 12 giờ đêm, không may gặp trời mưa thì công việc vất vả gấp vài lần, bởi phải vác mía đi quãng đường xa, vừa tốn công, tốn sức. Công việc nặng nhọc, vất vả là vậy nhưng nghĩ đến khoản thu nhập nhận về từ 30 đến 40 triệu đồng sau mỗi vụ bốc mía, có tiền trang trải cuộc sống, chúng tôi đều phấn khởi rồi lại động viên nhau cùng cố gắng.

Đã không ít lần bị hỏng xe giữa bãi, chi phí sửa xe lên đến vài ngày công chở mía nhưng 9 năm qua, anh Lò Văn Kiên, bản Nà Hường vẫn đều đặn ký hợp đồng chở mía cho Công ty Mía đường Sơn La. Anh Kiên cho biết: Mùa thu hoạch mía giúp cánh lái xe tải chúng tôi có công việc đều trong thời gian 4 đến 5 tháng đầu năm, chúng tôi chỉ mong bà con trồng thêm nhiều mía để có việc làm, tăng thêm thu nhập.

Một ngày cùng bà con thu hoạch mía, chúng tôi thêm hiểu niềm vui mía được mùa, được giá cùng những gian truân vất vả của người nông dân trồng mía. Dẫu vậy, với người nông dân nơi đây, có vùng nguyên liệu, có nhà máy thu mua sản phẩm, được mùa, được giá, là động lực để họ tiếp tục gắn bó với cây trồng này và sẽ có tiếp những vụ mía bội thu, cho cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mot-ngay-tren-dong-mia-48664