Một người tử vong do chó dại cắn tại huyện Yên Thủy
Khoảng ngày 15/2, anh V. V. N (sinh năm 1997, thường trú tại thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy) làm bảo vệ Công ty CP Đại Nam tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy bị 1 con chó lạ cắn vào tay trái, vết thương nhỏ, nông, chảy máu ít. Sau khi cắn, con chó khoảng 6kg đi lên đồi, không theo dõi được. Anh N không xử trí vết thương, không đến cơ sở y tế và không đi tiêm phòng dại.
Khoảng ngày 15/2, anh V. V. N (sinh năm 1997, thường trú tại thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy) làm bảo vệ Công ty CP Đại Nam tại xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy bị 1 con chó lạ cắn vào tay trái, vết thương nhỏ, nông, chảy máu ít. Sau khi cắn, con chó khoảng 6kg đi lên đồi, không theo dõi được. Anh N không xử trí vết thương, không đến cơ sở y tế và không đi tiêm phòng dại.
Ngày 27/3, anh N có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, họng sưng đau, khó thở và nghỉ ngơi tại công ty. Chiều 27/3, anh N được đưa về nhà. Từ ngày 28 - 31/3, anh N được đưa đi khám, chuyến tuyến điều trị và làm xét nghiệm. Ngày 1/4, anh N được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút dại. Đến sáng 3/4, anh N tử vong tại nhà.
Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Bảo Hiệu, ngày 18/3 có 1 con chó lạ khác khoảng 10kg, biểu hiện khác thường chạy đến 3 gia đình (cách nơi anh N làm - Công ty CP Đại Nam khoảng 500m) cắn 3 con chó nhỏ của 2 gia đình, rồi sang một gia đình khác cắn 1 cháu, sau đó bỏ chạy (hiện không theo dõi được). Trong 3 con chó bị cắn có 2 con cùng 1 đàn bị chết ngay ngày hôm sau, 1 con khác sau đó cũng bỏ đi không theo dõi được. Cháu bé bị cắn sinh năm 2010 đã được đưa đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Hiện tại, sức khỏe cháu ổn định.
Trước tình hình trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thủy đã có văn bản đề nghị UBND xã Bảo Hiệu: Điều tra nắm số người bị chó dại cắn, số lượng chó bị chó dại cắn. Đối với người bị chó dại cắn phải thực hiện tiêm phòng ngay. Đối với chó khác bị chó dại cắn phải tiến hành tiêu hủy ngay để tránh trường hợp chó phát bệnh cắn người, cắn chó khác làm lây lan, bùng phát dịch bệnh. Rà soát, quản lý và theo dõi đàn chó có tiếp xúc với chó nghi dại. Phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực nuôi nhốt chó đã bị chó dại cắn. Thống kê tổng đàn chó trên địa bàn xóm xuất hiện chó dại và trong toàn xã để thực hiện tiêm phòng vắc xin dại. Tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại với các trường hợp người bị chó, mèo nghi dại cắn. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi; chấp hành việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng đến những hộ xung quanh; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt, không để chó cắn người, nhất là đối với các giống chó hung dữ.
Xuân Thiên
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)