Một nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam

Trong thời gian qua, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển do ngành Y tế tổ chức triển khai hằng năm luôn hướng tới việc thúc đẩy các hoạt động nhằm làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em, kiểm soát được tình trạng thừa cân-béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao năng lực và hiệu quả chuyên môn của mạng lưới dinh dưỡng…

 Cho trẻ uống vitamin A

Cho trẻ uống vitamin A

Ở tỉnh Quảng Trị, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD theo cân nặng đã giảm còn dưới 13,9% và theo chiều cao giảm còn dưới 26,5% như hiện nay là một kết quả nổi bật của toàn tỉnh nói chung và ngành Y tế nói riêng. Tuy vậy, tỉ lệ SDD chiều cao/tuổi vẫn đang ở mức cao và có sự chênh lệch giữa các vùng, miền đồng thời tình trạng trẻ em bị thừa cân-béo phì cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa làm tăng các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng chống SDD và cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã. Trong chiến dịch truyền thông nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng và Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, trung tâm đã tổ chức 231 buổi thảo luận nhóm và thực hành dinh dưỡng tại xã, phường, thôn, bản song song với bổ sung viên nang vitamin A liều cao cho 99% trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi và trên 90% bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng, cân và đo theo dõi sự phát triển về thể chất của hơn 99% trẻ em dưới 5 tuổi. Trong nỗ lực can thiệp dinh dưỡng với những đối tượng nguy cơ cao do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thực hiện, 90% phụ nữ mang thai ở huyện Đakrông được bổ sung viên đa vi chất cũng như trẻ em bị SDD cấp ở huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa được cấp sản phẩm dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nội dung truyền thông phòng chống thừa cân-béo phì được trung tâm lồng ghép vào các chiến dịch truyền thông phòng chống SDD và tăng cường kiểm soát tình trạng thừa cân-béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Hiệu quả truyền thông phòng chống SDD ở tỉnh Quảng Trị đến nay cho thấy, nhiều cha mẹ của trẻ em dưới 5 tuổi ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề dinh dưỡng; nhiều thôn, bản đã tổ chức tốt câu lạc bộ Gia đình không có trẻ SDD. Cùng đang có con nhỏ dưới 5 tuổi, chị Hồ Thị Thùa ở xã A Xing, huyện Hướng Hóa và chị Hồ Thị Cải ở thôn Khe Xoong, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông đều là thành viên tích cực trong các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, xã để tiếp nhận kiến thức và kĩ năng thực hành nấu bữa ăn đầy đủ vi chất dinh dưỡng với trẻ nhỏ, được cán bộ y tế tư vấn về cách nuôi dưỡng trẻ hợp lí bằng nguồn thực phẩm sẵn có của gia đình và cách chăm sóc trẻ bị ốm tại nhà… Từ đó, nhiều gia đình đã trồng thêm rau và nuôi thêm gà để bữa ăn của gia đình nhiều dưỡng chất hơn, cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ.

Về kết quả phòng chống SDD trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD cân nặng/tuổi đã giảm 0,44% và SDD chiều cao/tuổi đã giảm 0,62% so với cùng kì năm 2018, tích cực cùng ngành Y tế của tỉnh tiếp tục hạ thấp tỉ lệ SDD”. Ở vùng đồng bằng và khu vực thành thị, chương trình phòng chống SDD vẫn luôn được các trung tâm y tế thực hiện đạt mục tiêu đề ra như ở thị xã Quảng Trị, nhân viên y tế thôn và trạm y tế, cán bộ y tế tư vấn phục hồi dinh dưỡng tại nhà hoặc tại cơ sở y tế đối với tất cả trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD; hoạt động truyền thông-giáo dục sức khỏe, mô hình chế biến sữa đậu nành và thực hành chế biến thức ăn cho trẻ em dưới 5 tuổi được chú trọng và duy trì thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống SDD trẻ em; 100% trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A, 100% trẻ em được uống thuốc tẩy giun. Chính hiệu quả tích cực này đã thuyết phục một số tổ chức quốc tế duy trì sự hỗ trợ phòng chống SDD trẻ em của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị như Tổ chức Tầm nhìn Thế giới

Tiếp tục giám sát hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố về triển khai chương trình phòng chống SDD, điều tra tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD ở 30 xã, phối hợp các đơn vị chức năng và tổ chức quốc tế, thúc đẩy thực hành phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của mỗi người, hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lí và tư vấn phòng chống thừa cân-béo phì ở trẻ em, tư vấn dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm… là những hợp phần hành động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị nhằm hoàn thành mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2019. Vì vậy, trung tâm phối hợp tổ chức Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16/10 đến ngày 23/10 không ngoài mục đích tăng cường truyền thông, thúc đẩy việc thực hành phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng. Cụ thể mỗi người thực hiện ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đến 24 tháng hoặc lâu hơn, chế biến bữa ăn của trẻ với các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng hấp thu vitamin A và vitamin D, cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống vitamin A liều cao, tẩy giun cho trẻ từ 24 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế, trẻ sau 6 tháng tuổi và người trưởng thành sử dụng sữa và các chế phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi, sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn. Đặc biệt, đối tượng trung tâm của mỗi hợp phần này là các bà mẹ và người chăm sóc trẻ, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ học đường ở vùng có tỉ lệ nhiễm giun cao, trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi và trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ, trẻ dưới 5 tuổi bị SDD, trẻ em bị thừa cân-béo phì…

Toàn bộ chương trình hành động này hướng tới mục tiêu chung là nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam như Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng như kế hoạch hành động về dinh dưỡng của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 đã đề ra.

Thục Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142974