'Một nửa bông hồng'

Tôi không có ý định bình bài thơ 'Một nửa bông hồng' của nhà thơ Văn Công Hùng. Nhưng thành thật mà nói, bài thơ luôn ám ảnh tôi, khiến tôi day dứt, nhất là trong những ngày tháng 7 này.

Thú thực, tôi từng mê đắm, nắn nót viết vào cuốn sổ tay của mình những câu thơ tình nổi tiếng-những tứ thơ cũng mang nội hàm một nửa: “Tình cờ anh gặp lại vầng trăng/Một nửa vầng trăng thôi, một nửa/Trăng vẫn đấy mà em xa quá/Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?” (Hoàng Hữu) hay: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em/Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa/Một đắp cho em ở vùng sóng bể/Một đắp cho mình ở phía không em” (Chế Lan Viên).

Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 diễn ra tại Hà Nội vào sáng 25-7 (ảnh nguồn Theo Vietnam+)

Chương trình gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020 diễn ra tại Hà Nội vào sáng 25-7 (ảnh nguồn Theo Vietnam+)

Ấy vậy mà, tứ thơ của Văn Công Hùng luôn day dứt trong tôi: “Tôi vào vườn hoa/ngắt một bông hồng/và bạn có tin không/bông hồng chỉ còn một nửa/Một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai/tàn tích chiến tranh để lại”. Day dứt vì phải chăng hoa hồng, loài hoa biểu tượng của tình yêu, của cái đẹp chỉ còn lại một nửa? hay day dứt bởi cái đẹp, cái mong manh yếu đuối lại bị tàn phá, đau thương vì chiến tranh? Có thể nói, “Một nửa bông hồng” đã trở thành biểu tượng của sự mất mát, chia ly.

Sự thực, đến giờ vẫn hiện hữu rất nhiều “một nửa bông hồng” quanh ta. Ai mà chẳng se sắt lòng trước “một nửa bông hồng” trong nỗi đợi chờ đằng đẵng của người phụ nữ: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/(...)/Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch/Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh).

Giờ đây, không còn là 20 năm mà chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đó biết bao “một nửa bông hồng” là những phận đời, phận người hiu quạnh. “Một nửa bông hồng” đã xoáy vào lòng người đọc nỗi đau của sự mất mát. Tiếng thơ lại văng vẳng khi tôi đốt nén tâm nhang trên từng hàng mộ chí.

Không biết đã bao nhiêu lần tôi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ song lần nào cũng vậy, tôi cứ lặng người khi đứng trước những hàng bia mộ có tên và chưa được đặt tên. Bao nhiêu gia đình mòn mỏi tìm mộ liệt sĩ. Bao nhiêu gia đình đau nỗi đau vì chưa tìm được người thân. “Ai biết các anh ở đâu?” là câu hỏi khiến lòng ta quặn thắt.

Và lòng tôi càng thêm day dứt khi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi cố gắng không chạm vào ký ức, cố gắng không nhắc lại chuyện chồng con, không hỏi nhiều về quá khứ, chỉ sẽ sàng ngồi bên các mẹ. Có người đến thăm là các mẹ vui lắm. Và lần nào cũng vậy, khi chúng tôi về là mẹ lại nắm chặt tay rưng rưng nước mắt. Còn tôi, lại lẩm nhẩm đọc đôi câu: “Và bạn có tin không/bông hồng chỉ còn một nửa”.

“Một nửa bông hồng” hiện diện khi tôi chứng kiến hậu quả của tàn dư bom mìn bởi chiến tranh. Nhiều người phụ nữ trở thành góa phụ bởi “một nửa” của mình lìa xa sau tiếng nổ chát chúa, kinh hoàng khi đào tìm phế liệu ở các nơi được xem là trận địa thời chiến.

Máu và nước mắt tưởng chừng chỉ rơi trong năm tháng khói lửa thì nay lại vẫn còn rơi dù đất nước đã hòa bình. Đúng là “Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi/Gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại”. Và vẫn còn đó “một nửa bồng hồng” mãi day dứt chưa nguôi.

LIỄU HẠNH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mot-nua-bong-hong-post286353.html