Những biểu hiện nào sốt xuất huyết sớm ở trẻ?

Thưa bác sĩ, tôi có 2 con đang học cấp 1 và cấp 2. Gần đây có thông tin sốt xuất huyết “tấn công” trẻ lớn nhiều, điều đáng lưu ý là có nhiều ca diễn biến nặng. Bước vào năm học mới, cũng cùng thời điểm thay đổi thời tiết, mưa lớn, muỗi nhiều, vậy làm sao để các bậc phụ huynh có thể phòng ngừa hoặc “nhận diện” sớm các dấu hiệu sốt xuất huyết, tránh bệnh diễn tiến nặng cho trẻ?

Thưa bác sĩ, tôi có 2 con đang học cấp 1 và cấp 2. Gần đây có thông tin sốt xuất huyết “tấn công” trẻ lớn nhiều, điều đáng lưu ý là có nhiều ca diễn biến nặng. Bước vào năm học mới, cũng cùng thời điểm thay đổi thời tiết, mưa lớn, muỗi nhiều, vậy làm sao để các bậc phụ huynh có thể phòng ngừa hoặc “nhận diện” sớm các dấu hiệu sốt xuất huyết, tránh bệnh diễn tiến nặng cho trẻ?

(Chị Nguyễn Nga, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào chị!

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh (sắp tới chuẩn bị đưa vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết vào tiêm ở Việt Nam) và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Vì vậy, ba mẹ cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên lau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Để nhận diện sớm sốt xuất huyết thì khi trẻ bị sốt cao, đột ngột, liên tục từ N2 trở đi thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm để phát hiện kịp thời và tuân thủ theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra với trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Sửu,

Phó giám đốc y khoa, Bệnh viện Âu Cơ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202409/nhung-bieu-hien-nao-sot-xuat-huyet-som-o-tre-f8f5269/