Một nửa sự thật và chuyện Laura Coffee

Những thông tin không đúng sự thật về thương hiệu Laura Coffee, khiến tôi nhớ lại bê bối nước mắm năm 2016, nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Tùng sửng sốt gửi cho tôi một video liên quan đến thương hiệu Laura Coffee – một thương hiệu được khá nhiều người tin tưởng lựa chọn, do ca sĩ Nhật Kim Anh sáng lập. Tùng nói: Sản phẩm này đang bị “phốt” có chất gây ung thư.

Tôi mở đoạn video dài 45 giây, được đăng tải bởi Tiktoker có tên “CEO Vương Long” do Tùng gửi và coi lại 3 lần, tham khảo hàng trăm bình luận dưới video, tiếp đó tìm kiếm thông tin, hỏi một vài chuyên gia, xem chất tạo ngọt 951 – Aspartame có trong sản phẩm Laura Coffee được cho có thể gây ung thư là chất gì?

Tiktoker “CEO Vương Long” nhập nhèm thông tin liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame để tấn công thương hiệu Laura Coffee. Ảnh chụp màn hình

Tiktoker “CEO Vương Long” nhập nhèm thông tin liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame để tấn công thương hiệu Laura Coffee. Ảnh chụp màn hình

Có đầy đủ thông tin, tôi dẫn lại câu ngạn ngữ phương Tây nói với Tùng: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”.

Hàm ý của câu ngạn ngữ này là khi nói đến sự thật phải chính xác, đầy đủ thông tin chứ không phải nửa vời. Bởi bản chất của sự thật không giống một chiếc bánh mỳ.

Một chiếc bánh mỳ mất đi một nửa là mất về số lượng, không phải chất lượng. Nhưng đối với một sự việc, nếu chúng ta chỉ cung cấp một nửa thông tin là sự thật và phần còn lại được thêm thắt, hư cấu, thì người nghe có thể hiểu sai lệch bản chất vấn đề.

Thực tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thông báo xếp chất làm ngọt nhân tạo Aspartame vào danh các chất “có thể gây ung thư cho con người”. Thông tin này được công bố từ ngày 13/7/2023, không phải mới.

Nhưng trong video được biên tập khá công phu, Tiktoker “CEO Vương Long” chỉ cho người xem biết một nửa sự thật. Nửa còn lại là trong thông báo phát đi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý, chất này an toàn nếu được tiêu thụ trong giới hạn khuyến nghị hằng ngày.

Đài CNN thời điểm đó cho biết, mặc dù việc xếp Aspartame vào danh sách các chất "có thể gây ung thư cho con người" nghe có vẻ đáng báo động, nhưng điều này không có nghĩa là uống soda ăn kiêng sẽ gây ung thư.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, hơn 90 quốc gia, trong đó có Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đan Mạch, Đức, Australia và New Zealand, đã đánh giá Aspartame và thấy rằng chất này an toàn cho con người cũng như đã cho phép sử dụng.

Tại Việt Nam, Thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm cho phép sử dụng Aspartame trong thực phẩm trong giới hạn quy định.

Như vậy có thể khẳng định, Aspartame là an toàn cho con người nếu sử dụng đúng liều lượng và pháp luật Việt Nam cùng nhiều nước cho phép được sử dụng Aspartame trong thực phẩm.

Chưa rõ phía sau sự việc này có ẩn tình gì? Nhưng việc Tiktoker “CEO Vương Long” đưa thông tin lấp lửng, rồi quy chụp sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và khuyên các Tiktoker khác gỡ video cho thấy động cơ, mục đích là không trong sáng.

Sự việc này cũng khiến tôi nhớ lại năm "bão tố" của ngành nước mắm truyền thống 2016, nhưng quy mô nhỏ hơn.

Thời điểm đó, một nghiên cứu hồ đồ cho rằng nước mắm truyền thống nhiễm Asen. Và ngay lập tức, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm bị ảnh hưởng nặng nề khi bắt đầu xuất hiện những đơn hàng bị trả về, còn siêu thị thì bắt đầu dỡ bỏ sản phẩm nước mắm truyền thống xuống khỏi kệ hàng.

Cũng may, các nhà khoa học đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định, Asen trong nước mắm truyền thống là Asen hữu cơ, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Hay mới đây nhất là sự việc liên quan tới sản phẩm của Công ty Cổ phần Sữa Núi Tản Ba Vì (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) – đơn vị cung cấp sản phẩm sữa cho hàng chục nghìn học sinh tại 2 huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Nội) bị quy chụp sản phẩm gây ngộ độc cho học sinh khi sử dụng.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng, thời điểm xảy ra sự việc, trên địa bàn 2 huyện không ghi nhận bất cứ trường hợp học sinh nào bị ngộ độc thực phẩm trong các nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú.

Kết quả xét nghiệm 2 mẫu sữa tươi và sữa chua của Công ty Cổ phần sữa Núi Tản Ba Vì tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công bố cách đây một tuần, cho thấy đều đạt tất cả các chỉ tiêu theo quy chuẩn quốc gia số QCVN 5-5:2010/BYT và 5-1:2010/BYT.

Dù sự việc đã ngã ngũ, nhưng những thông tin tiêu cực liên quan tới thương hiệu sữa Núi Tản Ba Vì lan truyền trước đó, vẫn tạo ra tâm lý e dè, lo lắng của một bộ phận phụ huynh học sinh, ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu và doanh nghiệp.

Trở lại với sự việc đang xảy ra đối với thương hiệu Laura Coffee, hiện phía công ty đang củng cố hồ sơ, tài liệu để đưa sự việc ra pháp luật. Hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, doanh nghiệp, gây hoang mang cho người tiêu dùng, tùy tính chất mức độ có thể bị xử lý hành chính, hoặc xem xét xử lý hình sự.

Qua sự việc này, chúng ta cũng rút ra thêm một bài học khi tham gia sử dụng mạng xã hội, đó là phải chắt lọc, đánh giá thông tin một cách đầy đủ, thận trọng, tạo lá chắn bảo vệ bản thân, gia đình trước những tin giả, tin xấu độc.

Hoàng Hải

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-nua-su-that-va-chuyen-laura-coffee-353750.html