Một quả thận, một ước mơ và sự nỗ lực của nữ sinh Trường ĐH Bách khoa ĐHQG TPHCM

Từng phải cắt bỏ thận trái từ khi lên ba, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc vẫn miệt mài học tập, chạm tới ước mơ y học và viết tiếp hành trình sống trọn đam mê.

Ngọc tốt nghiệp sớm tại một trong những ngôi trường kỹ thuật hàng đầu cả nước, với thành tích loại Xuất sắc - điều không dễ dàng với bất kỳ sinh viên nào. Ngọc còn được vinh danh là một trong 20 nữ sinh tiêu biểu nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024, Sinh viên 5 tốt tiêu biểu cấp Trung ương cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Đằng sau thành tích ấy là cả một hành trình bền bỉ, đầy nghị lực và cảm hứng. Cô gái mang trong mình sức khỏe không ổn định, chỉ còn một bên thận, đã nhiều lần đối mặt với ranh giới mong manh giữa ý chí và giới hạn thể chất.

"Vào năm ba tuổi, em đã “được” nằm ở bệnh viện một tháng do cuộc phẫu thuật cắt bỏ thận trái vì bệnh thận đa nang bẩm sinh. Trong khoảng thời gian đó, em đã được truyền cảm hứng rất nhiều bởi các y, bác sĩ và mong muốn sau này được làm việc ở các ngành nghề y tế, chăm sóc sức khỏe,” Ngọc kể.

Lớn lên, nhờ định hướng của mẹ, Ngọc chọn học Kỹ thuật Y sinh như một cách để hiện thực hóa ước nguyện thời thơ ấu, đồng thời thỏa mãn bản tính tò mò khoa học.

Để giảm gánh nặng học phí cho mẹ - người duy nhất lo liệu chi phí học tập - Ngọc lựa chọn tăng số tín chỉ mỗi học kỳ. "Một học kỳ theo đúng lộ trình chỉ khoảng 14-15 tín chỉ, trong khi em có thể học tới 17 tín chỉ mà không phát sinh thêm chi phí. Vì vậy, em cố gắng học nhiều hơn để tiết kiệm thời gian và chi phí," Ngọc chia sẻ.

 Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (22 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) - chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp sớm với thành tích loại Xuất sắc. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (22 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) - chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp sớm với thành tích loại Xuất sắc. Ảnh: NVCC

Từ năm nhất, nữ sinh đã lập hẳn một file Google Sheet để theo dõi các môn học, chủ động sắp xếp lịch học vào mùa hè, đưa các môn đại cương vào kỳ học sớm hơn và linh hoạt hoán đổi các môn tự chọn sao cho phù hợp.

“Em không cố định môn nào sẽ học ở kỳ nào, mà xem việc lên kế hoạch như một trò chơi "điền vào chỗ trống". Nhiều môn chỉ được mở một lần mỗi năm nên việc đăng ký học phần đối với em giống như một "trò chơi sinh tồn" – vừa phải tính toán thứ tự học, vừa phải nhanh tay tranh suất đăng ký," Ngọc cười, chia sẻ.

Nữ sinh cũng chia sẻ, một yếu tố quan trọng giúp em duy trì kết quả học tập tốt là khả năng quản lý thời gian và năng lượng cá nhân. Ngọc luôn chủ động tìm hiểu trước nội dung bài giảng, tích cực tham gia học trên lớp, sau đó làm bài tập hoặc ôn tập ngay sau giờ học. Nhờ tiếp cận kiến thức ít nhất ba lần, việc ôn thi của Ngọc trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả mà không bị dồn nén vào cuối kỳ.

Với các hoạt động ngoài học tập, Ngọc thường lập danh sách công việc cần làm và chỉ thực hiện khi cảm thấy đủ năng lượng. “Do sức khỏe không được tốt, em luôn ưu tiên ngủ đủ giấc và dành thời gian giải trí để giữ tinh thần tích cực”, Ngọc chia sẻ.

Nhớ lại một trong những giai đoạn thử thách nhất ở đại học, Ngọc kể rằng em từng bị rối loạn nhịp tim vào giữa năm hai. Dù vậy, nữ sinh vẫn kiên trì theo đuổi lịch học dày đặc, có ngày học liên tục từ 7h sáng đến 6h tối.

"Dù áp lực, em luôn lắng nghe cơ thể mình, ngủ đủ, nghỉ ngơi hợp lý để giữ tinh thần tích cực”, Ngọc chia sẻ.

 Nguyễn Thị Mỹ Ngọc là một trong 20 nữ sinh tiêu biểu nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc là một trong 20 nữ sinh tiêu biểu nhận Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024. Ảnh: NVCC

Suốt hành trình học tập, Ngọc không quên nhắc đến sự đồng hành đáng quý của các giảng viên như thầy Trần Trung Nghĩa, thầy Đỗ Ngọc Sơn, cô Trịnh Trần Hồng Duyên và thầy Trần Anh Tú. Bên cạnh đó là những người bạn thân thiết trong lớp luôn hỗ trợ học tập, cùng nhau làm đồ án, chia sẻ áp lực và cổ vũ tinh thần cho nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn – Trưởng phòng thí nghiệm Vật lý tính toán (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ đầy tự hào về cô học trò nhỏ của mình:

“Ngọc là người rất nhiệt huyết, hăng hái, chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Năng lực học tập của em thuộc top 2% sinh viên xuất sắc nhất khoa. Từ năm 2023, Ngọc chủ động xin vào nhóm nghiên cứu của mình và đến nay đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Mình đang hướng dẫn Ngọc viết bài để đăng tạp chí quốc tế và thực hiện các nghiên cứu tiếp theo. Mình biết em có ước mơ du học từ rất lâu và trên con đường dài phía trước, mình hoàn toàn ủng hộ, hy vọng Ngọc sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Không chỉ nỗ lực học tập, Ngọc luôn dành một phần trái tim mình cho những điều tử tế. Từ những năm học phổ thông tại Trường Trung học phổ thông Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), cô gái đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, trong đó có việc dạy tiếng Anh cho trẻ em tại Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Cuối năm 2023, sau một lần tự nhìn lại hành trình đã qua, Ngọc nhận ra rằng việc được tiếp tục đi học chính là nguồn động lực lớn nhất giúp em vượt qua bệnh tật. Em cảm thấy mình may mắn khi luôn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, cùng sự động viên, giúp đỡ tận tình từ thầy cô và bạn bè.

Chính vì thế, từ năm 2024 đến nay, mỗi khi nhận được học bổng hoặc phần thưởng, Ngọc đều trích một phần để gửi tặng Làng trẻ em SOS Việt Nam, như một cách chia sẻ cơ hội học tập và phát triển toàn diện với các em nhỏ kém may mắn.

Trong tương lai, khi có điều kiện tài chính ổn định hơn, Ngọc mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Làng trẻ em SOS Việt Nam, cũng như mở rộng sự hỗ trợ đến các tổ chức như Nuôi Em - chương trình nuôi dưỡng học sinh vùng cao, và các phòng Công tác xã hội tại Bệnh viện Nhi đồng.

Không chỉ học giỏi, sống trách nhiệm và giàu lòng nhân ái, Mỹ Ngọc còn liên tục chinh phục các sân chơi học thuật trong và ngoài nước: từ Asian Undergraduate Symposium 2024 tại Singapore, World Student Festival 2024 tại Việt Nam, US-ASEAN STIC 2024 tại Lào, đến Tech Planter tại Việt Nam và Malaysia. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi đạt được hàng loạt học bổng danh giá như AUS Fellowship 2025, Quỹ Bảo trợ Tài năng trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, AmCham Scholarship, AmCham Women in Engineering...

 Mỹ Ngọc tham gia trại hè NUS-AUN Summer Programme. Ảnh: NVCC

Mỹ Ngọc tham gia trại hè NUS-AUN Summer Programme. Ảnh: NVCC

Ngọc dự định sẽ đi du học để tiếp tục phát triển bản thân trong lĩnh vực khoa học cơ bản, hướng đến những nghiên cứu chuyên sâu, với mong muốn tạo nên các sản phẩm kỹ thuật có tính ứng dụng cao phục vụ sức khỏe cộng đồng.

"Em may mắn được nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về việc phải phát triển hơn nữa về khoa học cơ bản để phát triển khoa học kỹ thuật trong thời đại thế hệ “vươn mình” hiện nay. Em cũng mong muốn bản thân sẽ được tham gia các khóa học, seminar, workshop liên quan tới hướng nghiên cứu hiện tại để tiếp tục phát triển trong tương lai", nữ sinh chia sẻ.

Và phía sau hành trình học vượt đầy nghị lực ấy là người mẹ luôn âm thầm dõi theo từng bước chân con với tất cả niềm tin và lo lắng.

“Sức khỏe của Ngọc từ nhỏ không được tốt, đặc biệt là khi cháu chỉ còn một quả thận. Khi biết con học ở Bách khoa - môi trường vốn nổi tiếng khắt khe và áp lực nên tôi rất lo. Nhưng cháu rất kiên cường, luôn cố gắng hết sức. Tôi chỉ biết ở bên động viên để con vững vàng học tập, sau này có thể đóng góp cho đất nước,” mẹ của Ngọc, cô Hoàng Thị Hoa chia sẻ.

Chưa bao giờ bà phản đối bất kỳ lựa chọn học tập hay hướng đi nghề nghiệp nào của con. Ngược lại, bà luôn đặt trọn niềm tin và sự ủng hộ.

“Tôi rất ủng hộ con. Cũng nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ các thầy cô ở trường Bách khoa mà cháu mới có thể đạt được những thành tích như hôm nay. Gia đình luôn biết ơn nhà trường vì điều đó”, người mẹ chia sẻ.

 Mỹ Ngọc và mẹ chụp ảnh tại Lễ tuyên dương và trao bảo trợ tài năng trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: NVCC

Mỹ Ngọc và mẹ chụp ảnh tại Lễ tuyên dương và trao bảo trợ tài năng trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: NVCC

Khi nghe tin con gái tốt nghiệp sớm với thành tích nổi bật, bà nghẹn ngào: “Tôi thật sự rất vui, bất ngờ và tự hào. Điều khiến tôi tự hào nhất là con đã học hành tới nơi tới chốn và có được kết quả xứng đáng sau những năm tháng đầy vất vả.”

Ngọc đang chuẩn bị bước sang một hành trình mới - du học và nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật y sinh. Nhìn về chặng đường phía trước của con, người mẹ ấy vẫn giữ niềm hy vọng như ngày đầu Ngọc nhập học:

“Tôi luôn động viên cháu giữ gìn sức khỏe, học hỏi thật nhiều. Nhưng tôi cũng mong sau này Ngọc sẽ quay về Việt Nam, mang kiến thức học được ở nước ngoài để đóng góp cho đất nước, và sống gần mẹ để gia đình luôn được đoàn tụ”.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mot-qua-than-mot-uoc-mo-va-su-no-luc-cua-nu-sinh-truong-dh-bach-khoa-dhqg-tphcm-post250882.gd