Một sáng Đông Thành

Đến thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi được nghe người dân kể lại thời đau thương, chiến công của quân, dân ta; được nhìn thấy sự ồn ào, nhộn nhịp của vùng đất một thời chìm trong lửa đạn. Từ một miền quê còn khó khăn do là vùng tranh chấp chiến lược giữa ta và địch, nay Đông Thành đang 'rũ bùn đứng dậy...'.

Di tích lịch sử "Khu vực Bến phà Đức Huệ" được gắn mã QR để khách tham quan tiện tra cứu thông tin

Di tích lịch sử "Khu vực Bến phà Đức Huệ" được gắn mã QR để khách tham quan tiện tra cứu thông tin

Cái tên Đông Thành xuất hiện từ năm 1946, gọi là Quân khu Đông Thành. Đến năm 1991, thị trấn Đông Thành được ký quyết định thành lập trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của xã Mỹ Thạnh Đông. Trong quá khứ, nơi đây là vùng đất đau thương nhưng anh hùng. Người dân chịu sự đàn áp, bắt bớ, giết chóc của địch. Nhưng quân, dân ta không bao giờ khuất phục, cùng nhau chiến thắng giặc ở những trận đánh lớn như phục kích Sư đoàn 7 của ngụy ở bến phà, tiêu diệt căn cứ Hiệp Hòa.

Thị trấn Đông Thành có di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ nổi tiếng. Tại đây, vào đêm 11 rạng sáng ngày 12/12/1961, quân ta phục kích tiêu diệt 37 tên địch, bắt sống 6 tên, thu 4 máy bay, súng trung liên và nhiều trang bị khác. Chiến thắng này làm nức lòng quân, dân ta, làm lung lay lực lượng và tư tưởng quân thù. Ngày nay, tại Nhà văn hóa khu phố 1, Nhà nước cho dựng Bia tưởng niệm Di tích lịch sử “Khu vực Bến phà Đức Huệ” nhằm tái hiện truyền thống hào hùng, ý chí bất khuất của dân tộc; đồng thời, là nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho những thế hệ tiếp nối.

Theo Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 1, thị trấn Đông Thành - Phạm Văn Lĩnh, người dân nơi đây từ lâu đã thấm đẫm tinh thần cách mạng, họ thường đến viếng bia tưởng niệm. Ngoài ra, các trường học cũng tổ chức cho học sinh đến tham quan để tưởng nhớ các anh hùng, giáo dục cho các em về truyền thống yêu nước của dân tộc.

Chúng tôi gặp bà Võ Thị Thu Cúc (68 tuổi, ngụ khu phố 1, thị trấn Đông Thành). Theo lời bà Cúc, gia đình bà vốn có truyền thống cách mạng. Ba chồng bà là chiến sĩ, cựu tù Phú Quốc được trao trả ở Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) năm 1973. Ba chồng bà có 11 anh em nhưng đều mất vì bom đạn chiến tranh, chỉ mình ông còn sống. Thím út của bà Cúc bị giặc giết trong vụ thảm sát vàm Rạch Gốc, lúc đó thím đang có thai. Rạch Gốc là con rạch chảy từ sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Mỹ Thạnh Đông. Tại đầu vàm, ngày 15/01/1969, đế quốc Mỹ đã thảm sát 16 người dân vô tội, trong đó có 3 người đang mang thai gần đến ngày sinh.

Bà Cúc nghe những người lớn kể lại, chúng bắt từng người trong hầm lên rồi giết chết, sau đó ném lựu đạn vào hầm để những người còn lại không ai sống sót. Vụ thảm sát năm ấy để lại nỗi đau khôn nguôi trong gia đình bà Cúc và cả người dân trong vùng. Từ đau thương, họ nung nấu ý chí chiến đấu, bằng mọi giá phải chiến thắng quân thù. Ngày nay, Nhà nước dựng bia tưởng niệm tại đây. Người dân quen gọi là bia phục thù để mãi khắc ghi vụ việc ấy.

Chiến tranh để lại nhiều vết thương trên vùng đất này. Đức Huệ vốn là quê ngoại của bà Cúc. Lúc đó, khó khăn tới mức năm 1981, bà Cúc phải tạm xa quê hương lên TP.HCM, 3 năm sau mới quay trở lại. Theo lời bà Cúc, khi kể cho con cháu nghe về xứ Đông Thành xưa, họ tưởng đang nghe chuyện cổ tích bởi Đức Huệ trong mắt họ giờ khác quá, không giống lời người lớn nói.

Ngày đó, người dân Đức Huệ muốn sang sông qua huyện Đức Hòa phải “lụy đò” nhưng bây giờ, cầu Đức Huệ đã nối nhịp bờ vui, bến phà xưa chỉ còn là ký ức. Con đường từ chợ Đông Thành ra tới bến phà cũ đông vui, nhộn nhịp, người qua, kẻ lại tấp nập bán buôn. Không khí phố phường dường như đã xua tan những bi thương của chiến tranh. Theo ông Lĩnh, trước năm 1992, con đường này còn là đường đất đỏ nhưng nay được láng nhựa. Trước đây, gần nhà bà Cúc có công ty giày, bà mở tiệm bán đồ ăn sáng, tạp hóa nên có "đồng ra, đồng vào".

Chúng tôi ngồi lặng yên bên góc chợ Đông Thành nhìn cảnh đông vui, nhộn nhịp. Chị bán bánh mì thoăn thoắt làm việc; anh bán cà phê tay khuấy, miệng cười; một chú lớn tuổi phải ngồi ghép với chúng tôi vì thiếu bàn. Chúng tôi chợt đồng cảm với những người con của bà Cúc khi xem câu chuyện bà kể là cổ tích bởi trước mặt là cảnh phố xá đông vui, nhà cửa khang trang, chợ búa nhộn nhịp. Người dân nơi đây không quên những đau thương nhưng cũng không ôm hận thù, chỉ ghi nhớ để làm động lực xây dựng địa phương. Chúng tôi rời Đông Thành gần trưa nhưng chợ còn chưa vãn, ánh nắng làm cho những nụ cười thêm rạng rỡ./.

Huỳnh Thông

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mot-sang-dong-thanh-a179080.html