Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/7

Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 28/7.

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu TCB

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lợi nhuận Quý 2/2025 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) phù hợp với kỳ vọng của BSC, với điểm sáng đến từ sự cải thiện NIM và CASA so với quý liền trước, trên nền tảng chất lượng tài sản được duy trì và chi phí trích lập dự phòng tốt hơn kỳ vọng. Với kết quả 1H25 như trên, BSC tiếp tục duy trì dự báo lợi nhuận tổng thể 2025F-2026F đối với TCB lần lượt là 31.800 tỷ đồng (+16% so với cùng kỳ năm trước) và 38.200 tỷ đồng (+20% so với cùng kỳ năm trước), và sẽ điều chỉnh chi tiết các cầu phần nhỏ ở cập nhật sau.

TCB đã có hiệu suất tương đối vượt trội (+19% từ đầu năm đến nay) kể từ thời đểm báo cáo gần nhất của BSC so với VN-Index (+15% từ đầu năm đến nay). TCB đang có mức P/B TTM ở 1.6x, tiệm cận mức +1 độ lệch chuẩn so với trung bình lịch sử.

BSC hiện khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu TCB dựa trên giá mục tiêu điều chỉnh trước đó trong báo cáo triển vọng ngành là 39.800 đồng/cổ phiếu (tương đương upside 14% so với giá đóng cửa ngày 24/7), với giả định chính là thương vụ IPO TCBS đạt P/B = 3.0x hay mức giá 45.000 đồng/cổ phiếu. Yếu tố bất ngờ có thể đến từ mức giá chào bán công chúng còn cao hơn dự tính của BSC, từ đó tạo thêm tiềm năng tăng giá cho TCB.

Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu LPB

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPB) công bố lợi nhuận trước thuế (LNTT) Quý 2/2025 đạt 2.989 tỷ đồng (-1,4% so với cùng kỳ năm trước), và lũy kế 6 tháng đạt 6.200 tỷ đồng (+4,1% so với cùng kỳ năm trước). Kết quả này hoàn thành 48% dự báo của BSC, và 41% kế hoạch của Ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng đạt 11,2% từ đầu năm đến nay, với đóng góp chính từ nhóm khách hàng doanh nghiệp: Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt mức 11,2% từ đầu năm đến nay, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành là khoảng 10%. Xét theo phân khúc, khối khách hàng doanh nghiệp và SME có mức tăng trưởng vượt trội hơn khối bán lẻ (lần lượt đạt 12% và 10%). Tỷ lệ cho vay xây dựng và bất động sản dù có ghi nhận giảm nhẹ so với đầu năm, nhưng vẫn chiếm tới 31% tổng tín dụng.

BSC đánh giá cao nỗ lực gia tăng cho vay trong lĩnh vực thương mại của Ngân hàng, dù vẫn còn nghi ngại việc dư nợ cho vay sản xuất không tăng, và tỷ trọng cho vay bất động sản vẫn còn khá cao. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì ở mức cao hiện tại, dư nợ BĐS của Ngân hàng dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Về huy động, tổng tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá ghi nhận tăng trưởng 8,8% từ đầu năm đến nay, cải thiện đáng kể so với mức tăng 2,6% ghi nhận trong quý 1/2025, giúp thu hẹp khoảng cách với tăng trưởng tín dụng. Điểm đáng chú ý là, nguồn tăng trưởng chủ yếu đến từ tiền gửi khách hàng thay vì giấy tờ có giá - đi ngược với xu hướng chung của các ngân hàng tư nhân khác. Tỷ lệ LDR thị trường 1 tiếp tục duy trì ở mức cao và đạt 117,7%, giảm nhẹ 2 điểm % so với quý 1.

Tỷ lệ NIM của LPB trong quý 2 bắt đầu cho dấu hiệu phục hồi và đạt mức 3.0% (+0,3 điểm % QoQ), chủ yếu do lợi suất cho vay phục hồi tốt hơn so với mức tăng của chi phí vốn. BSC kỳ vọng NIM sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ trong các quý tiếp theo, nhờ nhu cầu tín dụng cải thiện, dù áp lực từ chi phí vốn vẫn tiếp tục duy trì.

Kế hoạch kinh doanh 2025 của LPB đang cao hơn khoảng 15% so với kì vọng. BSC hiện đang dự báo LNTT năm 2025 của LPB đạt 13.000 tỷ đồng (+8% so với cùng kỳ năm trước), với giả định mức tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 20%.

BSC hiện chưa đưa ra khuyến nghị đối với LPB. Về mặt định giá, cổ phiếu LPB đang được giao dịch quanh mức P/B = 2.6x, cao hơn tới 70% so với mức trung bình 5 năm là 1.5 lần.

► Nhận định chứng khoán 28/7-1/8: VN-Index có thể hình thành đỉnh mới

CTV Kim Oanh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/mot-so-co-phieu-can-quan-tam-ngay-287-post1217776.vov