Tháo gỡ vướng mắc cấp C/O cho hồ tiêu không có hóa đơn
Nhằm hỗ trợ xuất khẩu hồ tiêu, Cục Xuất Nhập khẩu cho phép doanh nghiệp tự lập bảng kê thu mua nguyên liệu không hóa đơn khi xin cấp C/O, không cần xác nhận của địa phương.

Cục Xuất Nhập khẩu tháo gỡ vướng mắc cấp C/O cho hồ tiêu không có hóa đơn. Ảnh: TL
Cục Xuất Nhập khẩu vừa ban hành hướng dẫn Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) sử dụng bảng kê thu mua nguyên liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, TTXVN đưa tin.
Theo hướng dẫn, nếu nguyên liệu thu mua trong nước không có hóa đơn giá trị gia tăng, thương nhân có thể tự lập bảng kê khai để chứng minh hàng hóa có xuất xứ thuần túy (WO). Bảng kê này không cần xác nhận của chính quyền địa phương.
Bộ Công Thương cho biết hồ sơ xin cấp C/O không bắt buộc phải có xác nhận của địa phương.
Tuy nhiên, nếu cần, cơ quan cấp C/O có thể kiểm tra tại cơ sở sản xuất hoặc yêu cầu bổ sung thêm chứng từ như hóa đơn, tờ khai hải quan, hợp đồng mua bán... để làm rõ nguồn gốc nguyên liệu.
Trước đó, VPSA kiến nghị các cơ quan liên quan tháo gỡ vướng mắc trong việc xác nhận bảng kê thu mua nguyên liệu không có hóa đơn.
Nhiều địa phương từ chối xác nhận do lo ngại về tính xác thực, khả năng giả mạo hoặc thiếu thông tin từ người dân.
Hiệp hội cho rằng các lý do trên chưa phù hợp với đặc thù ngành nông sản, nơi nguyên liệu chủ yếu được thu mua từ nông hộ nhỏ lẻ không phát hành hóa đơn. Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xin cấp C/O, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
VPSA kiến nghị Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn thống nhất, phù hợp thực tế sản xuất và đề xuất bỏ quy định bảng kê với một số nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê, dừa.
Trước mắt, hiệp hội đề xuất áp dụng giải pháp linh hoạt như xác minh thực địa hoặc dùng biên bản xác nhận của tổ chức ngành hàng khi địa phương không hỗ trợ.
Các chuyên gia đánh giá hướng dẫn mới của bộ là kịp thời, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nông hộ không phát hành hóa đơn và kênh thu mua truyền thống vẫn phổ biến.