Trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại, ngân hàng vẫn giữ vai trò trụ cột
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm 2025 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, với vai trò dẫn dắt vẫn thuộc về khối ngân hàng, bên cạnh sự trở lại đáng chú ý của nhóm tài chính tiêu dùng và bất động sản.
Ngân hàng phát hành áp đảo, khối tài chính và địa ốc quay lại cuộc chơi
Theo báo cáo mới công bố từ Chứng khoán MBS, chỉ riêng tháng 6/2025, thị trường đã ghi nhận 106 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị ước đạt 123.700 tỷ đồng – tăng tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất theo tháng từ trước đến nay.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng phát hành đạt 265.800 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với nửa đầu năm 2024. Mức lãi suất bình quân gia quyền khoảng 6,8%, giảm nhẹ so với mức 7,2% của năm ngoái, cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng tốt điều kiện chi phí vốn thấp.

Ảnh minh họa.
Khối ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chính, với giá trị phát hành gần 198.500 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ. Các đơn vị phát hành tích cực nhất bao gồm HDBank, BacABank, Techcombank, ACB và BIDV. Mức lãi suất bình quân mà các ngân hàng chấp nhận dao động quanh 5,6%/năm, với kỳ hạn trung bình 4,4 năm.
Đáng chú ý, không chỉ các ngân hàng thương mại, nhóm tài chính tiêu dùng cũng trở lại thị trường trái phiếu. Trong tháng 6, Home Credit Việt Nam dẫn đầu với 6 lô phát hành, tổng giá trị huy động đạt 2.850 tỷ đồng. Các tên tuổi như Mcredit (MB Shinsei) và F88 cũng có mặt trở lại, lần lượt phát hành 1.000 tỷ đồng và 50 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn dao động từ 18 tháng đến 6 năm.
Theo đánh giá của MBS, động thái này phản ánh nhu cầu vốn trung và dài hạn của khối tài chính, trong bối cảnh tín dụng bất ngờ tăng tốc cuối quý II lên mức 9,9%, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng huy động vốn – chênh lệch từ 1,3 đến 1,5 lần.
Ở vị trí thứ hai, nhóm bất động sản ghi nhận giá trị phát hành đạt 40.200 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi suất phát hành của nhóm này cao hơn đáng kể, bình quân ở mức 10,5%/năm và kỳ hạn khoảng 2,5 năm – phản ánh mức độ rủi ro và kỳ vọng sinh lời cao hơn từ nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành lớn nhất gồm Vingroup, TCO và An Thịnh. Tuy nhiên, theo báo cáo từ S&I Ratings (thuộc Chứng khoán SSI), quy mô phát hành của toàn ngành địa ốc vẫn còn khiêm tốn nếu so với các giai đoạn cao điểm trước đó: 43.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng lượng phát hành nửa đầu năm nay – thấp hơn nhiều so với mức 77.500 tỷ đồng của năm 2020 và 118.400 tỷ đồng của năm 2021.
Tái cơ cấu nợ và triển vọng hồi phục từ chính sách pháp lý
Một điểm đáng chú ý khác là hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn gia tăng mạnh trong quý II, với giá trị lên đến 96.000 tỷ đồng – cao nhất từ trước tới nay theo quý. Đây được coi là động thái tích cực, cho thấy nỗ lực tái cơ cấu nợ của các tổ chức phát hành khi điều kiện thị trường dần thuận lợi trở lại, đặc biệt là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giữ ở mức thấp.
Một số tổ chức như HDBank và Công ty Cổ phần Bông Sen đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong 6 tháng đầu năm theo đúng quy định, góp phần củng cố niềm tin thị trường.
Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ pháp lý cho dự án bất động sản từ Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực phục hồi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi các dự án được khơi thông và đủ điều kiện triển khai, doanh nghiệp sẽ dễ dàng sử dụng tài sản làm bảo đảm để vay vốn hoặc phát hành trái phiếu hiệu quả hơn.
Theo chuyên gia từ S&I Ratings, việc tháo gỡ nhanh các vướng mắc pháp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm mở bán sản phẩm, qua đó cải thiện dòng tiền và khả năng trả nợ. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm. Điều này càng có ý nghĩa khi các ngân hàng đang có xu hướng mở rộng huy động vốn trung và dài hạn thông qua kênh trái phiếu để củng cố nguồn lực tài chính.