Xu hướng chứng khoán 28/7 kiên định với ưu tiên giữ tiền mặt

Dù dòng tiền vẫn ùn ùn đổ vào Thị trường Chứng khoán Việt Nam (VN-Index), đưa chỉ số chung tiến đến mốc cao nhất lịch sử, song giới phân tích vẫn kiên định với quan điểm ưu tiên nắm giữ tiền mặt, hạn chế mua mới cổ phiếu.

VN-Index vẫn cho thấy sức mạnh đáng nể khi chưa xuất hiện chướng ngại vật nào đủ lớn có khả năng ngăn cản tâm lý giao dịch hưng phấn của nhà đầu tư. "Chào tuần mới" bằng một phiên điều chỉnh hơn 12 điểm sau cây nến đảo chiều cuối tuần trước, VN-Index lấp khoảng cách tăng tại vùng 1,478 nhưng rồi sau đó lực cầu nhanh chóng nhập cuộc, lấy lại hơn 24 điểm và lập tức phủ nhận nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn.

VN-Index vẫn tăng trưởng mạnh trong tuần qua.

VN-Index vẫn tăng trưởng mạnh trong tuần qua.

Những phiên giao dịch tiếp theo, mặc dù nhịp rung lắc xuất hiện với tần suất cao hơn nhưng xung lực tăng vẫn được giữ vững và thị trường chính thức kết nến tuần cao nhất mọi thời đại.

Dòng tiền có xu hướng tìm kiếm các "bến đỗ" tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ và rất nhiều mã với mức tăng trần mạnh mẽ được ghi nhận xuyên suốt tuần giao dịch vừa qua.

Tương tự tuần trước, cây nến xanh rút chân được hình thành, đặc biệt thanh khoản khớp lệnh tuần liên tục xô đổ kỷ lục khi cao hơn tuần trước +1.6% và cao hơn +52.7% so với mức bình quân 20 tuần.

Đóng cửa tuần giao dịch 21/07 - 25/07, chỉ số VN-Index ở mức 1,531.13 điểm, tăng 33.85 điểm (+2.26%).

VN-Index kết nến tuần cao nhất mọi thời đại với sự hậu thuẫn của thanh khoản khớp lệnh, cao hơn +1.6% so với tuần trước và +52.7% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản bình quân tuần trên sàn HSX đạt 1,442 triệu cổ phiếu (+1.87%), tương đương giá trị đạt 36,380 tỷ đồng (+6.35%).

Tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp của thị trường và độ mở bao trùm bởi sắc xanh với 19/21 nhóm ngành tăng điểm. Hàng không (+9.63%), Chứng khoán (+8.91%) và Phân bón (+5.58%) là ba nhóm ngành ghi dấu ấn với mức tăng mạnh nhất tuần. Ở chiều ngược lại, chỉ có Bất động sản (-1.97%) và Thực phẩm tiêu dùng (-0.60%) là hai nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh trong tuần tuần qua.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong tuần qua với giá trị tại thời điểm kết thúc tuần đạt -1,602 tỷ đồng. HDB +683 tỷ đồng, VPB +660 tỷ đồng và SSI +526 tỷ đồng là ba mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần. Ở chiều ngược lại, VJC -1,714 tỷ đồng, HPG -890 tỷ đồng và FPT -501 tỷ đồng là ba mã cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất tuần.

Về quan điểm thị trường, theo báo cáo của Chứng khoán CSI ngày 25/7, xét từ mức đáy VN-Index thiết lập trong tháng 4 (09/04/2025) đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã có mức tăng rất ấn tượng (+43%) trong khoảng thời gian hơn 3 tháng mà chưa có một nhịp chỉnh đáng chú ý nào.

Xem xét lại dữ liệu trong quá khứ gần đây, từ lúc thị trường tạo đáy trong tháng 3/2020 đến 2024 thì các nhịp phục hồi ấn tượng có mức tăng trung bình (43% - 45%) sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh nhẹ (7% -15%) sau đó mới quay lại xu hướng tăng mạnh tiếp.

Lịch sử có thể lặp lại, nhưng không hoàn toàn giống hệt nhau. Khi VN-index đã có một mức tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua, và tiệm cận với các mốc thống kê thì chúng ta cần bắt đầu nghĩ đến việc bảo toàn lợi nhuận và xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu, tăng dần tỷ trọng tiền mặt và tránh việc đua nhau mua đuổi.

CSI ưu tiên quan điểm thận trọng ở thời điểm tại và duy trì một tỷ lệ tiền mặt cao hơn cổ phiếu.

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-huong-chung-khoan-28-7-kien-dinh-voi-uu-tien-giu-tien-mat-169250728060648209.htm