'Một số cơ quan, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có chiều sâu'
Trong báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa có chiều sâu, chưa thể hiện tính tự giác cao, vẫn còn một số hạn chế.
Ngày 19/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã có buổi giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Giai đoạn 2016 - 2021 các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Cần Thơ đều ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên cơ sở đó thực hiện tốt các cơ chế quản lý tài chính mới; đặc biệt là thực hiện quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong cơ quan; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cụ thể, rõ ràng, công khai các định mức, tiêu chuẩn chế độ chi tiêu trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tạo điều kiện cho cán bộ, công chức giám sát, thực hiện tốt công tác công khai tài chính.
Theo đánh giá chung, UBND thành phố triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Hàng năm, UBND Cần Thơ chỉ đạo Thanh tra thành phố tham mưu ban hành kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố.
Giai đoạn, từ năm 2016 - 2021, Thanh tra thành phố và thanh tra các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố đã triển khai hơn 1.400 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 637 cuộc thanh tra hành chính và 775 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đã ban hành 613 kết luận thanh tra.
Về xử lý về hành chính, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các ngành, các cấp đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 160 tập thể, 336 cá nhân.
Trong báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa có chiều sâu, chưa thể hiện tính tự giác cao, vẫn còn một số hạn chế. Thực hiện chưa tốt chế độ thông tin báo cáo, báo cáo chưa kịp thời, chất lượng báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc tổng hợp báo cáo chung tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về các giải pháp cụ thể liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, thường xuyên kiểm tra cải cách hành chính và thanh tra công vụ. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí.
Ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đề nghị UBND thành phố tiếp tục đôn đốc, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có chỉ tiêu, mục tiêu từng năm và báo cáo đánh giá từ khâu lập dự toán các dự án để đưa ra các giải pháp cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.