Một số DN Nhà nước sau cổ phần hóa vẫn nợ số tiền BHXH rất lớn
Sáng 10-10, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đông Anh, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh tổ chức đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội'.
Chương trình có sự tham gia tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp của ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ Hà Nội.
Cuộc đối thoại có khoảng 25 lượt câu hỏi, liên quan trực tiếp và phát sinh từ đời sống, việc làm của người lao động, như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội (BHXH), an toàn lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… với sự tham gia của đông đảo người lao động, chủ doanh nghiệp và chủ tịch công đoàn cơ sở trên địa bàn.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng thông tin: Bộ Luật Lao động quy định chỉ áp dụng trong một số tình huống do thiên tai hỏa hoạn; người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ; di dời địa điểm sắp xếp lại điểm sản xuất, kinh doanh; do người lao động không trung thực trong khai báo thông tin cá nhân. Ngoài các trường hợp trên, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật.
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải tiếp nhận người lao động trở lại làm việc; phải chi trả lương trong khoảng thời gian người lao động phải nghỉ việc và đóng BHXH, bồi thường cho người lao động 2 tháng tiền lương.
Về vấn đề người lao động đặc biệt quan tâm khi sắp đến cuối năm là doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng thứ 13 không, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng khẳng định: Không có quy định về việc doanh nghiệp phải chi trả lương tháng 13. Nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có chế độ phúc lợi, trong đó có nội dung trả lương tháng 13 cho người lao động. Đây là nội dung được ghi trong thỏa ước lao động tập thể nhằm khuyến khích người lao động ở lại với doanh nghiệp, do công ty và công đoàn thống nhất trong thỏa ước.
Liên quan đến quyền lợi của người lao động bị tạm đình chỉ công việc để điều tra, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, người lao động sẽ vẫn được đóng bảo hiểm y tế, mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng.
Đối với tình hình đóng BHXH trên địa bàn Hà Nội, bà Dương Thị Minh Châu cho biết thêm, xử lý các công ty nợ bảo hiểm đang là vấn đề nan giải. Một số công ty Nhà nước sau khi cổ phần hóa vẫn còn nợ số tiền BHXH rất lớn, cơ quan bảo hiểm rất khó khởi kiện các đơn vị do vấn đề thủ tục, văn bản pháp lý. Với trường hợp chưa được đóng hoặc chưa được tách đóng, người lao động nên đồng loạt khởi kiện để làm thủ tục theo pháp luật, bảo đảm quyền lợi của mình.