Một số giải pháp nâng cao tỉ lệ bồi thường bảo hiểm đối với xe máy

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một số giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ bồi thường bảo hiểm đối với xe máy.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản trả lời công văn của Sở Tài chính tỉnh An Giang về việc trả lời kiến nghị của cử tri Châu Phú.

“Kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước làm việc với những công ty kinh doanh bảo hiểm xe máy nghiên cứu giảm bớt thủ tục khi giải quyết bồi thường bảo hiểm vì khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tổn thất, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức trách nhiệm đã được giao kết thì việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà”, nội dung kiến nghị.

Về Nội dung trên, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tế thực hiện thời gian qua; nhằm cắt giảm thủ tục, tăng cường công tác tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó, bao gồm cả xe máy cho người dân, ngày 15/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Nghị định số 03/2021/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ.

Theo đó, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP đã cắt giảm hồ sơ bồi thường bảo hiểm so với trước đây (hồ sơ bồi thường bảo hiểm trước đây được quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016 của Bộ Tài chính), tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Cụ thể, cắt giảm 2 đầu mục tài liệu so với quy định trước đây (chỉ còn Giấy chứng nhận thương tích, Hồ sơ bệnh án, Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử trường hợp nạn nhân chết).

Cắt bỏ 2 đầu mục tài liệu tại khoản 5 và khoản 7 Điều 15 Thông tư số 22/2016/TT-BTC, đó là các tài liệu trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có tài liệu về vụ tai nạn và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).

Chỉ thu thập các tài liệu của cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách (theo quy định cũ trong mọi trường hợp đều phải thu thập các tài liệu này).

Sửa đổi quy định biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Quy định này ngoài việc cắt giảm hồ sơ, tài liệu, rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường còn tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra.

Đề xuất giảm 15% phí mua bảo hiểm xe máy với xe có lịch sử bồi thường thấp

Về việc nghiên cứu giảm bớt thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với xe máy, hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Theo đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ một số giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ bồi thường bảo hiểm đối với xe máy.

Thứ nhất, về hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Đối với tài liệu liên quan đến xe, người lái xe, dự thảo Nghị định bổ sung quy định bên mua bảo hiểm có thể cung cấp dưới hình thức bản ảnh chụp để đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Đối với tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản, dự thảo Nghị định bổ sung quy định bên mua bảo hiểm cung cấp bằng chứng chứng minh việc sửa chữa thay mới tài sản bị thiệt hại trong trường hợp không có hóa đơn, chứng từ.

Thứ hai, bổ sung quy định giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro (trước đây không có quy định về giảm phí).

Thứ ba, mở rộng phạm vi chi hỗ trợ nhân đạo bao gồm cả các trường hợp không thuộc phạm vi bảo hiểm; tăng mức hỗ trợ cho các trường hợp thương tật toàn bộ, đề xuất này nhằm đẩy mạnh hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo, tăng cường hiệu quả chính sách.

Thứ tư, chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Theo quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm).

Thứ năm, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chuyển đổi công nghệ số trong việc thực hiện giám định tổn thất để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Thứ sáu, bổ sung quy định việc doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ ghi âm cuộc gọi đến đường dây nóng.

Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã có các Công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động kiểm tra, rà soát các quy trình nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy dưới nhiều hình thức, thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng công tác tuyên truyền cho các đối tượng yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;... Công văn số 10561/BTC-QLBH và 10562/BTC-QLBH ngày 14/10/2022, Công văn số 242/BTC-QLBH ngày 06/3/2023 gửi kèm).

Đồng thời, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cung cấp thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho các cơ quan thông tin, báo chí để đưa tin tuyên truyền.

Tuệ Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mot-so-giai-phap-nang-cao-ti-le-boi-thuong-bao-hiem-doi-voi-xe-may-a605193.html