Một số giáo viên đang quá dễ dãi với điểm 9, điểm 10
Sự dễ dãi của một số thầy cô giáo dẫn đến nhiều học sinh thiếu đi động lực học tập và giáo viên cũng đang tự làm khó mình cho các năm học về sau.
Thời điểm này, các trường học đã tổng kết xong điểm học kỳ I và tiến hành họp phụ huynh các lớp để thông báo kết quả đến phụ huynh. Đồng thời, có những nhắc nhở đến phụ huynh một số em có học lực và kết quả rèn luyện chưa tốt.
Người viết là giáo viên phổ thông qua khảo sát thấy ở không ít nơi, một số môn học có điểm số đẹp đến ngỡ ngàng vì phần lớn học sinh đạt điểm 9, điểm 10 trong kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Tất nhiên, nhìn qua điểm số thì phụ huynh vui, nhà trường vui.
Tuy nhiên, tình trạng một số môn học có điểm số quá đẹp gây không ít băn khoăn. Sự dễ dãi của một số thầy cô dẫn đến nhiều học sinh thiếu đi động lực học tập và giáo viên cũng đang tự làm khó mình cho các năm học về sau.
Mục tiêu chương trình đã khác nhưng cách kiểm tra, ôn tập vẫn không có nhiều thay đổi
Mục tiêu của chương trình 2006 là truyền thụ kiến thức nhưng mục tiêu của chương trình 2018 hiện nay là phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điều này cũng đồng nghĩa việc giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá cũng hoàn toàn khác so với trước đây.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, chúng tôi thấy sự chuyển biến này khá chậm trễ và không đồng đều. Cộng thêm những ràng buộc về chỉ tiêu của nhà trường khiến cho nhiều giáo viên vẫn giữ nếp đánh giá cũ.
Trong giảng dạy, vẫn còn tình trạng giáo viên đọc cho học sinh chép hoặc chiếu cho học sinh chép. Học sinh chép không kịp trên lớp thì giáo viên gửi file bài giảng cho học sinh chép ở nhà.
Những thay đổi trong giảng dạy của một số giáo viên không nhiều. Nếu có dự giờ thì thay đổi chút chút, nếu một mình giảng dạy vẫn thiên về cách dạy cũ. Vì thế, học sinh rất khó phát triển phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập. Nhiều học sinh vẫn khá thụ động và phụ thuộc vào thầy cô trong giảng dạy và kiểm tra.
Cách kiểm tra thường xuyên hiện nay đều do giáo viên bộ môn tự chủ. Kiểm tra vào kiến thức nào, kiểm tra hình thức nào đều do giáo viên tự chủ. Vì thế, đề kiểm tra định kỳ nhiều khi là sự cộng dồn từ một số đề kiểm tra thường xuyên để học sinh đạt được điểm cao.
Khi kiểm tra định kỳ, thường là kiểm tra chung giữa các lớp và thực hiện đề chung nhưng giáo viên một số môn làm sẵn đề cương, đáp số sẵn. Bao nhiêu câu trắc nghiệm, giáo viên đều ôn tập và đưa đáp án. Phần tự luận cho vài câu những cũng “ôn tập” thật kĩ cho học trò.
Ở một số trường, so sánh đề cương và đề kiểm tra chỉ có sự khác nhau cơ bản là đề cương có nhiều hơn vài câu hỏi, đề kiểm tra bớt đi vài câu hỏi.
Chính vì cách dạy và ôn như vậy nên khi làm bài kiểm tra, nhiều môn học, các em siêng học chỉ làm ¼ đến 1/3 thời gian là xong. Thời gian còn lại ngồi chơi hoặc tìm cách nhắc bài cho các bạn trong lớp chưa làm xong.
Đó là chưa kể, những giáo viên bộ môn đó (thường được phân công làm giám thị hành lang) còn vào từng lớp, đến tận nơi những em có học lực không tốt dò bài, nhắc bài xong thì mới yên tâm.
Mục tiêu phát triển phẩm chất cho người học liệu có đạt được
Mục tiêu của chương trình 2018 đã chủ trương: “Giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại”.
Trong khi đó, mục đích đánh giá trong Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông hướng dẫn:
“Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học”.
Cũng tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đã yêu cầu đánh giá như sau: “Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; Đánh giá bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau”.
Điều này cho thấy, mục tiêu cơ bản của chương trình 2018 là hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ tăng bài tập thực tiễn cho học trò để kết hợp giữa học và hành.
Thế nhưng, sau mỗi kỳ kiểm tra, nhiều môn học luôn có điểm số cao chót vót. Phần lớn là điểm kiểm tra thường xuyên từ 8,0-10 điểm. Nhiều học sinh chủ yếu là điểm 9 điểm 10.
Thực tế giảng dạy hiện nay cho thấy lớp học nào ở các trường không chuyên, không phải trường chất lượng cao cũng đan xen nhiều đối tượng học tập khác nhau. Có em học hành chăm chỉ, siêng năng cùng với tố chất thông minh nên các em đạt điểm cao là điều đương nhiên.
Nhưng, nhiều học sinh học lực yếu, ham chơi hơn ham học, hỏi cái gì cũng lặng im, không biết nhưng đến khi kiểm tra thì điểm cao bất ngờ, ngang ngửa với các em có học lực tốt.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng điều cốt lõi nhất là giáo viên bộ môn chưa nghiêm túc trong quá trình đánh giá chất lượng học sinh. Một số giáo viên đã thỏa hiệp với bệnh thành tích. Lúc nào cũng than lớp tôi dạy yếu nhưng đến khi kiểm tra, tổng kết lại toàn điểm 9, điểm 10. Điều này gây nhiều băn khoăn trong việc thực hiện kiểm tra đánh giá có thực sự chính xác, khách quan?
Bên cạnh đó, cũng nhiều giáo viên bị ràng buộc từ chỉ tiêu của nhà trường, tổ chuyên môn đã giao cho từ đầu năm. Bao nhiêu phần trăm tốt; khá; đạt; chưa đạt đã được ấn định từ khi mới bước vào năm học mới. Vì thế, họ phải tìm cách để làm đẹp điểm số cho học trò.
Không đạt, cũng đồng nghĩa tập thể tổ chuyên môn bị cắt thi đua vì chất lượng giảng dạy thấp hơn năm trước và ngay cả bản thân họ cũng bị cắt thi đua nếu đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên. Và rồi, nhiều học sinh vì thế cũng xem thường mục tiêu học tập. Năm học sau, nhà trường lại căn cứ vào kết quả giảng dạy của năm trước để giao chỉ tiêu tỉ lệ tốt phải bằng hoặc cao hơn năm trước; tỉ lệ chưa đạt phải bằng, hoặc thấp hơn năm học vừa qua.
Vì thế, điểm số của học sinh vẫn cao vống lên; mục tiêu chương trình không dễ gì đạt được vì nhiều giáo viên vẫn dạy và đánh giá chương trình 2018 như chương trình 2006 trước đây bằng cách yêu cầu học sinh học thuộc lòng và tái hiện lại kiến thức thầy cô đã dạy, đã ôn tập trước khi kiểm tra.