Một số nghi lễ thờ cúng thần nông của dân tộc Sán Chỉ

Đối với đồng bào Sán Chỉ, đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Việc cầu mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh, mọi thứ sinh sôi, nảy nở, phát triển là khát vọng muôn đời của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Họ cho rằng lúa có linh hồn (vía), nên họ có tục thờ thần lúa, hồn lúa, thờ cúng thần nông…

Lễ cúng thần nông, là một trong những lễ cúng đầu tiên về thần nông nghiệp của dân tộc Sán Chỉ trong năm. Lễ cúng phản ánh những ước mơ và khát vọng của người dân về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Mong muốn dân làng sống được no ấm, hạnh phúc. Lễ cúng thần nông diễn ra vào các thời điểm: tháng Hai, tháng Tư, tháng Mười.

Chuẩn bị đến ngày tổ chức lễ, dân làng họp để bầu ra người đứng đầu làm chủ lễ của năm, thường sẽ luân phiên từng hộ trong xóm. Đến cận ngày lễ người chủ lễ sẽ gõ mõ để mọi người dân trong xóm đến đóng góp lễ vật. Mỗi hộ đóng góp 1 bơ gạo, 1 chai rượu, 1 con gà và mỗi gia đình sẽ có 1 người đại diện tham gia vào ngày lễ. Tùy từng mùa sẽ làm thêm bánh dày, bánh gai, bánh chưng để đóng góp.

Vào sáng sớm của buổi lễ cúng thần nông, người dân mời thầy mo đến miếu Thổ công của làng để làm lễ. Lễ cúng gồm 3 con gà, 1 chai rượu, 1 miếng thịt lợn, bánh và các loại quả. Nội dung bài cúng là cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi người dân đều khỏe mạnh, gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh.

Sau khi làm lễ tại miếu Thổ công, đại diện các gia đình trong xóm cùng nhau dọn dẹp đồ di chuyển đến nhà của người chủ lễ để tổ chức ăn uống chung. Khi ăn xong mọi người được chia lộc mang về nhà.

Chị em phụ nữ Sán Chỉ chuẩn bị lễ vật cúng thần nông.

Chị em phụ nữ Sán Chỉ chuẩn bị lễ vật cúng thần nông.

Lễ cúng lúa nương: Nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Sán Chỉ. Vào ngày mùng 5/5 âm lịch, đồng bào Sán Chỉ làm lễ cúng lúa nương. Đồng bào gói bánh gù cùng cầu mùa, cầu xin thần linh phù hộ cho mọi người có sức khỏe và mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một vụ mùa mới.

Lễ cúng thần lúa: Theo quan niệm của người Sán Chỉ, cây lúa là vị thần gần gũi, gắn bó với đời sống của đồng bào. Vào ngày 6/6 âm lịch, người Sán Chỉ tổ chức cùng thần lúa trước cửa nhà, lễ vật là bánh nếp đường, gà luộc. Mục đích cúng thần lúa để thần phù hộ cho ruộng lúa nhà mình luôn sai bông, mẩy hạt.

Lễ cúng lúa mới: Vào ngày Thìn của tháng Tám âm lịch, đồng bào Sán Chỉ tổ chức lễ cúng lúa mới, khi lúa đã ra bông. Lễ vật gồm có bông lúa và một con gà luộc dâng lên bàn thờ tổ tiên. Sáng sớm, chủ nhà sẽ ra đồng không để ai nhìn thấy, đem theo ống dựng nước và liềm để cắt lúa, cắt khoảng 4 bông lúa, lúa chia làm 2 phần để gánh về, mang theo 2 hòn đá nhỏ. Bông lúa mang về sẽ mang vào nồi cơm hấp lẫn với khoai sọ, đỗ. Đặt 2 hòn đá lên vung nồi cơm, đến khi chín thì mang lên bàn thờ cúng gồm 1 bát cơm và 4 bông lúa, sau khi cúng xong bông lúa sẽ được treo lên gác bếp, cơm sau khi cúng sẽ cho các con vật trong nhà ăn trước và nếu có khách sẽ nấu một nồi khác. Điều này có nghĩa là nếu khách ăn chung thì vụ mùa đó sẽ có khách ăn theo, cho các con vật trong nhà ăn trước là chuyển sự đau ốm cho các con vật chịu thay cho chủ. Dùng hai hòn đá đè nồi cơm để hạt gạo được chắc, nặng hạt như đá, hạt gạo sẽ to như củ khoai sọ, đỗ hoặc mướp đồ cùng ngụ ý là để có rau cỏ cùng ăn hằng ngày.

Ngoài ra, ngày mùng 9/9 âm lịch khi chuẩn bị thu hoạch đồng bào cũng đồ xôi mổ gà làm lễ cúng tổ tiên và xin phép chuẩn bị thu hoạch, mong tổ tiên phù hộ mọi người trong gia đình mạnh khỏe, thu hoạch thuận lợi.

Lễ rửa liềm: Tháng Mười âm lịch khi gặt xong đồng bào làm lễ rửa liềm, loỏng đập lúa với nhiều món ăn như thịt gà, thịt lợn, bún. Đối với người Sán Chỉ, đây là nghi lễ cổ truyền mừng thành quả một năm lao động sản xuất và bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã phù hộ. Đồng thời, cầu mong năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm.

Những lễ nghi, phong tục, tâm linh, tín ngưỡng gắn bó mật thiết trong đời sống hằng ngày đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Bằng lòng tin tín ngưỡng, đồng bào luôn hướng đến cái thiện, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên, thần linh, tổ nghiệp; đề cao chủ nghĩa nhân đạo làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình. Tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng trong sản xuất nông nghiệp nói riêng đã tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, sắc thái văn hóa vùng miền, địa phương nói riêng. Việc bảo tồn những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng đó vừa duy trì sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng văn hóa dân gian, vừa gắn kết cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở địa phương.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mot-so-nghi-le-tho-cung-than-nong-cua-dan-toc-san-chi-3170867.html