Một số nơi ở TP Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện mưa đá

Chiều ngày 14/6, tại TP Hồ Chí Minh có mưa dông diện rộng, nhiều khu vực như quận 1, quận 3, quận 4, quận 10… xuất hiện mưa đá.

Khoảng hơn 13 giờ trưa nay (14/6), cơn mưa bất ngờ trút xuống TP Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận, mưa dông diện rộng cũng khiến một số tuyến đường tại TP bị ngập. Đến hơn 15 giờ cùng ngày tại một số quận như quận 1, quận 3, quận 4, quận 10... bất ngờ xuất hiện mưa đá.

Theo chia sẻ của một số người dân, có hạt mưa đá có đường kính gần 2 cm. Mưa đá đã khiến nhiều người dân TP Hồ Chí Minh bất ngờ vì hiếm khi trên địa bàn TP xảy ra mưa đá. Mưa dông diện rộng cũng khiến một số tuyến đường tại TP bị ngập.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh bị ngập, người dân đi lại khó khăn. Ảnh: MXH

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh bị ngập, người dân đi lại khó khăn. Ảnh: MXH

“Sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng mưa đá, cơn mưa kéo dài trong khoảng 30 phút, khiến tôi và nhiều người khác tò mò ra ngắm” – anh Lê Minh Tâm (ngụ quận 4, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Tương tự, chị Phạm Thị Anh Thư (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết là đầu tận mắt chứng kiến mưa đá ở TP Hồ Chí Minh vừa thích thú nhưng cũng vừa lo lắng.

Qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và radar thời tiết, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, vùng mây dông đang phát triển mạnh, gây mưa kèm dông, sét trên khu vực Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7, 8, 1 và các quận trung tâm, TP Thủ Đức.

Cảnh mưa đá ở TP Hồ Chí Minh được người dân quay lại. Clip: MXH

Lý giải hiện tượng mưa đá gây xôn xao chiều 14/6, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ ThS Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, thỉnh thoảng mưa đá vẫn xuất hiện tại khu vực TP Hồ Hồ Chí Minh cũng như Nam Bộ nhưng hiếm khi.

"Mưa đá hiếm xảy ra nhưng hàng năm vẫn xuất hiện 1-2 trận. Điều kiện hình thành là nhiệt độ và độ ẩm cao, đối lưu rất mạnh, thường có mây đối lưu (mây tích). Chúng phát triển lên cao hàng chục km, thậm chí vượt qua đối lưu hạn, từ đó hạt nước ngưng kết thành đá và rơi xuống", ông Quyết cho hay.

Theo ghi nhận ban đầu, mưa đá có kích thước bằng đầu đũa, tuy nhiên nếu kích thước lớn hơn, cơn mưa có thể gây thủng mái tôn, dập nát cây hoa màu hoặc bể kính nhà cửa, kính ôtô. Ông Quyết lưu ý thêm rằng hạt mưa đá to rơi vào người dễ gây thương tích nguy hiểm.

Đêm nay và ngày mai, theo ông Quyết, vùng nhiễu động hình thành trên vùng biển ngoài khơi nam Biển Đông có xu hướng di chuyển về phía tây (gần khu vực các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ). Trên vùng biển ngoài khơi Nam Bộ, gió Tây Nam có cường độ trung bình.

Nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh thích thú khi lần đầu nhìn thấy mưa đá. Ảnh: MXH

Nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh thích thú khi lần đầu nhìn thấy mưa đá. Ảnh: MXH

Do đó thời tiết Nam Bộ nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng ngày nắng, nắng nóng, chiều tối mưa. Mưa có xu hướng gia tăng chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển miền Tây và phía bắc miền Đông, có nơi có mưa vừa đến mưa to.

Trong 48 giờ -10 ngày tới, rãnh áp thấp có trục qua khu vực Bắc Bộ duy trì. Từ ngày 18/6, vùng áp thấp nóng phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới nâng trục lên phía Bắc và xu hướng suy yếu rút dần ra Đông. Hội tụ gió trên cao tác động nhiều hơn tới thời tiết khu vực Nam Bộ.

Do đó, mưa dông sẽ gia tăng tại khu vực Nam Bộ trong những ngày tới. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập cục bộ.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-so-noi-o-tp-ho-chi-minh-bat-ngo-xuat-hien-mua-da.html