Một số thuốc điều trị viêm amidan
Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng phổ biến với các triệu chứng thường gặp bao gồm đau họng, sốt và sưng hạch bạch huyết. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng là do virus hay vi khuẩn...
Viêm amidan thường gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
Nội dung
1. Triệu chứng của viêm amidan
2. Nguyên nhân gây viêm amidan
3. Viêm amidan được điều trị như thế nào?
3.1 Giảm đau và hạ sốt
3.2 Thuốc kháng sinh
3.3 Cắt amidan (phẫu thuật cắt amidan)
4. Các biện pháp khắc phục tại nhà
5. Phòng ngừa viêm amidan
1. Triệu chứng của viêm amidan
Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm amidan là:
Đau rát ở cổ họng
Khó khăn khi nuốt
Hôi miệng
Khàn giọng
Sốt, ớn lạnh
Đau ở tai, cứng cổ
Đau nhức các hạch bạch huyết
Có các mảng trắng trên cổ họng…

Hình ảnh viêm amidan (bên phải)
2. Nguyên nhân gây viêm amidan
- Viêm amidan do virus (là phổ biến): Các loại virus như virus gây cảm lạnh thông thường và cúm gây ra tới 70% các trường hợp viêm amidan. Thông thường, những người bị viêm amidan do virus có triệu chứng nhẹ hơn những người bị viêm amidan do vi khuẩn.
- Viêm amidan do vi khuẩn (viêm họng liên cầu khuẩn): Do vi khuẩn như Streptococcus nhóm A gây ra, tên gọi thông thường của viêm amidan do vi khuẩn là viêm họng liên cầu khuẩn. Những người không có (do đã cắt) amidan vẫn có thể bị viêm họng liên cầu khuẩn (Trong trường hợp này, bệnh ảnh hưởng đến cổ họng thay vì amidan). Nhìn chung, viêm amidan do vi khuẩn gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với viêm amidan do virus.
3. Viêm amidan được điều trị như thế nào?
Các triệu chứng của viêm amidan do virus và viêm amidan do vi khuẩn có thể giống nhau, nhưng cách điều trị lại khác nhau. Do đó, điều trị viêm amidan phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể bao gồm:
3.1 Giảm đau và hạ sốt
Các thuốc thường dùng như ibuprofen, paracetamol… để giảm đau, hạ sốt (triệu chứng của viêm amidan). Nên tránh dùng aspirin vì có thể gây ra tình trạng nguy hiểm gọi là hội chứng Reye gây tổn thương gan và não (nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên).
Một số viên ngậm cũng có thể giúp làm giảm đau họng, giảm ho và khó nuốt. Viên ngậm làm giảm các triệu chứng này thường có chứa các chất như lidocaine, bezocaine, benzydamine và flubiprofen.
Súc miệng bằng dung dịch nước ấm và muối cũng có thể làm giảm đau và sưng họng. Người bệnh nên được khuyến khích nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường và uống nhiều nước…
3.2 Thuốc kháng sinh
Nếu xét nghiệm chỉ ra viêm amidan là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng như:
- Amoxicilin:Là loại kháng sinh thuộc nhóm penicillin, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Thuốc có sẵn trên thị trường dưới dạng viên nén, viên nang, viên nhai, xi-rô hoặc giọt. Những người có tiền sử bệnh thận, dị ứng, hen suyễn hoặc phụ nữ đang mang thai, cho con bú nên thận trọng trước khi dùng thuốc này. Một số tác dụng phụ của amoxicillin như buồn nôn, tiêu chảy, da đỏ…
- Bacampicillin:Là một loại kháng sinh penicillin, lợi ích của loại thuốc này là có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn. Một số tác dụng phụ mà người dùng có thể gặp phải là phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa.
- Cefadroxil:Đây là một loại kháng sinh phổ rộng, hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn phát triển trong cơ thể. Một số tác dụng phụ thường gặp của cefadroxil là ngứa, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau họng và thở khò khè.
- Cefetamet: Thuốc này là một loại kháng sinh cephalosporin có tác dụng chống lại vi khuẩn trong cơ thể. Cần đặc biệt thận trọng đối với những người bị tiêu chảy, viêm ruột, bệnh gan, bất kỳ dị ứng nào, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Những người quá mẫn cảm với cephalosporin nên tránh dùng thuốc này.

Thuốc kháng sinh được dùng khi viêm amidan là do vi khuẩn.
- Cefixim: Thuốc được uống dưới dạng viên nén, viên nang hoặc xi-rô. Một số tác dụng phụ thường gặp là phát ban trên da, sốt, ngứa, buồn nôn, đau dạ dày…
- Cefuro axetil:Thuốc này có thể được dùng dưới dạng viên nén, xi-rô hoặc dạng tiêm. Các tác dụng phụ là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt hoặc đau bụng…
Lưu ý khi dùng kháng sinh: Người bệnhphải tuân theo hướng dẫn bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng và dùng hết liệu trình thuốc kháng sinh, ngay cả khi người bệnh cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày. Nếu ngừng dùng thuốc quá sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc lan sang các bộ phận khác, nguy hiểm hơn nữa là kháng thuốc.
3.3 Cắt amidan (phẫu thuật cắt amidan)
Khi bệnh nhân bị viêm amidan tái phát nhiều lần, phương án tốt nhất là cắt bỏ amidan. Đây là một thủ thuật phẫu thuật thường quy, an toàn và hiệu quả, thường được khuyến cáo trong trường hợp viêm amidan tái phát. Cắt amidan được thực hiện sau khi tình trạng nhiễm trùng đang hoạt động đã thuyên giảm.
4. Các biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu bạn bị viêm amidan do virus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng và cơ thể sẽ tự chống lại nhiễm trùng. Trong trường hợp này, có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để tự chăm sóc viêm amidan:
Nghỉ ngơi thật nhiều.
Uống nước ấm hoặc nước rất lạnh để giảm đau họng.
Ăn những thực phẩm mềm
Sử dụng máy phun sương mát hoặc máy tạo độ ẩm trong phòng.
Súc miệng bằng nước muối ấm
Uống nước lỏng ấm như trà, nước táo, nước dùng…
Ngậm viên ngậm có chứa benzocaine hoặc các loại thuốc khác để làm tê cổ họng, giúp giảm đau
Uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen.
5. Phòng ngừa viêm amidan
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm amidan là vệ sinh tốt, bao gồm:
Rửa tay thường xuyên.
Tránh dùng chung đồ ăn, đồ uống hoặc đồ dùng với người đang bị bệnh.
Tránh xa người bị đau họng hoặc viêm amidan.
Thay bàn chải đánh răng ba tháng một lần và mỗi khi bị bệnh...
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-thuoc-dieu-tri-viem-amidan-169250415213026468.htm