Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy
Trong bài 'Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy' (Bài 4), đăng trên chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã chứng minh rằng các từ: bảo ban, bày biện, băm bổ, bậy bạ, bê bết, đều là những từ ghép đẳng lập. Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục nói đến một loạt từ ghép có chứa yếu tố 'sửa', nhưng lại bị Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên – NXB Khoa học Xã hội - 2011) xếp vào diện từ láy, đó là: sắp sửa, sắm sửa, soạn sửa, sửa soạn (phần để trong ngoặc kép, sau số mục là nguyên văn của từ điển; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):
1. “SẮP SỬA 1 đgt. (id). Sắp xếp sẵn (đồ đạc, hành lý...) Sắp sửa hành lý”.
Thực ra, sắp sửa là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: sắp có nghĩa là sắp xếp, bày đặt đồ đạc (như Sắp hành lí chuẩn bị lên đường; Sắp ra một ít đồ cũ); sửa có nghĩa là sắp đặt, chuẩn bị, liệu biện (như Sửa xong mâm cỗ). Chúng ta dễ dàng nhận ra nghĩa đẳng lập của từ sắp sửa qua cách giảng và ví dụ của Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex):
- “sắp • đg. 1 đặt, xếp vào đúng chỗ, theo hàng lối, thứ tự: sắp hàng ~ sắp chữ. 2 bày ra theo một trật tự nhất định, chuẩn bị sẵn để làm việc gì: sắp thức ăn ra mâm ~ sắp sẵn hành lí để đi ~ “(...) đôi môi của nàng lúc nào cũng như sắp sẵn một nụ cười.” (Nhất Linh)”.
-“sửa • đg. [cũ] lo liệu, sắm sửa lễ vật, cỗ bàn: sửa thêm một mâm cỗ ~ sửa lễ ăn hỏi ~ “(...) xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh, sau kính làng.” (Ngô Tất Tố)”.
Như vậy, sắp sửa là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
Đáng chú ý, một loạt các từ ghép đẳng lập ở vần S, như: sắm sửa; soạn sửa; sửa soạn, đã bị Nhóm tác giả biên soạn Từ điển từ láy tiếng Việt (sách đã dẫn) xem là “từ láy”:
2- “SẮM SỬA đgt. Mua sắm các thứ để chuẩn bị cho một việc nào đó. Sắm sửa đồ dùng giảng dạy. Sắm sửa quần áo cho con. “Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân” (Nguyễn Du). “Sắm sửa hành trang trẩy hội mùa” (Nguyễn Bính)”.
Sắm sửa là từ ghép đẳng lập [đồng đại], trong đó: sắm nghĩa là mua sắm (như sắm Tết); sửa nghĩa là chuẩn bị, liệu biện (như sửa lễ; sửa soạn; Sửa xong được bữa cơm thì trời đã tối). Qua cách giảng của Việt Nam tự điển ta thấy rõ nghĩa đẳng lập của từ này:
- “sắm • Sửa-soạn cho có, cho sẵn <>Sắm tuồng. Sắm đồ-đạc. Sắm quần áo đi chơi. Nghĩa rộng: Đi mua <>Đi chợ sắm tết. Ra tỉnh sắm hàng”.
- “sửa 2 Sắp đặt, sắm dọn <>Sửa bữa tiệc”.
3- “SOẠN SỬA đgt. (id). Như sửa soạn. Soạn sửa tư trang, hành lý đi công tác”.
4- “SỬA SOẠN đgt. Chuẩn bị sắp đặt các thứ để làm một việc gì. Sửa soạn quần áo để đi công tác. Sửa soạn dụng cụ để đắp đường”.
Soạn sửa hay sửa soạn đều là những từ ghép đẳng lập [đồng đại], trong đó: soạn 撰 là một từ gốc Hán, nghĩa là dọn, bày, chuẩn bị, sắp đặt ra (như soạn quần áo; soạn cỗ); sửa nghĩa là sắm sửa, liệu biện (như sửa lễ). Từ điển tiếng Việt (sách đã dẫn) giảng rõ ràng như sau:
- “soạn • 撰 đg. 1 đem ra, chọn lấy những thứ cần thiết và sắp xếp cho việc gì đó: soạn sách vở ~ soạn hành lí để đi công tác”.
- “sửa • đg. [cũ] lo liệu, sắm sửa lễ vật, cỗ bàn: sửa thêm một mâm cỗ ~ sửa lễ ăn hỏi ~ “(...) xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh, sau kính làng.” (Ngô Tất Tố).
Như vậy, tất cả 4 từ sắp sửa, sắm sửa, soạn sửa, sửa soạn đều là những từ ghép đẳng lập, hoàn toàn không phải từ láy.