Một số vấn đề pháp lý đặt ra trong phòng, chống lãng phí
Tham nhũng và lãng phí, tiêu cực đều có thể làm thất thoát tài sản công, lãng phí tiền của, vật chất của xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, so với xử lý tham nhũng thì xử lý hành vi lãng phí khó hơn do việc xác định trách nhiệm, nguyên nhân có những trở ngại nhất định...
Phòng, chống lãng phí là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cần được triển khai quyết liệt cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để bảo đảm tài sản công được sử dụng hiệu quả, tài nguyên được khai thác đúng mức, mang lại giá trị cho xã hội.
Những lãng phí lớn mà ai cũng có thể thấy trong nhiều năm trở lại đây là tình trạng các công trình, dự án, tài sản được đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước bị chậm tiến độ, đội vốn, bỏ hoang, không thể khai thác sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả; quản lý, sử dụng không đúng quy định, thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, thất thoát...
Điều này có thể xuất phát từ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc vì tham nhũng, nhận hối lộ kéo theo những hậu quả lãng phí... Bởi vậy tham nhũng, lãng phí đôi khi gắn liền với nhau, vì tham nhũng mà dẫn đến lãng phí, dẫn đến thiệt hại tài sản của Nhà nước...
Và do đó, từ lãng phí mà có thể tìm ra tham nhũng; từ việc khám phá, giải quyết các vụ án tham nhũng mà xác định được thiệt hại, lãng phí đã xảy ra, đó là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi tham nhũng. Nếu hậu quả là lãng phí tài sản công và đủ căn cứ xác định đã có hành vi vi phạm pháp luật thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, đồng thời, phải bồi thường thiệt hại.
Thông thường những hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, trong đó có tài nguyên thiên nhiên, đất đai, các công trình, dự án, tài sản được đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 219 và 360 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Nhưng không phải khi nào cũng tách bạch được tham nhũng với lãng phí. Đôi khi chưa đủ căn cứ xử lý về hành vi tham nhũng, nhưng với những hành vi lãng phí thì phải quy trách nhiệm đối với vấn đề bồi thường thiệt hại do tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Mặt khác, không phải dự án chậm tiến độ nào cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, từ lỗi của các tổ chức, cá nhân. Có những dự án chậm tiến độ do thay đổi cơ chế, chính sách, do môi trường đầu tư hoặc có lỗi của các bên đối tác.
Vì vậy, với các dự án chậm tiến độ thì phải làm rõ nguyên nhân chủ quan hay khách quan, có lỗi của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan hay không? Nếu đội vốn là do tính toán sai lầm từ khâu thiết kế, lập dự toán thì người tính toán sai lầm đó phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu dự án chậm tiến độ là do vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, gây thiệt hại thì người có lỗi do thiếu trách nhiệm, do thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 Bộ luật Hình sự hiện hành. Còn nếu do nguyên nhân khách quan mà không có lỗi của chủ thể quản lý thì cũng không thể quy trách nhiệm.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã là một việc rất khó, nhưng phòng, chống lãng phí lại còn khó hơn, nếu nôn nóng, chủ quan thì có thể mắc sai lầm, có thể dẫn đến oan sai và quy kết trách nhiệm không đúng đối với tổ chức, cá nhân. Để xác định trách nhiệm pháp lý thì cần phải làm rõ nguyên nhân của lãng phí, làm rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra đối với những hành vi vi phạm trong công tác quản lý nếu có.
Về nguyên tắc thì trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi và gây thiệt hại. Thiệt hại thực tế đã xảy ra hoặc đe dọa xảy ra do có nguyên nhân trực tiếp từ hành vi có lỗi của chủ thể quản lý thì khi đó mới có thể có đủ cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm, xử lý bằng chế tài của pháp luật.
Để công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt được những mục tiêu đề ra thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này, làm cơ sở để nhận diện những hành vi lãng phí, tiêu cực và xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những thất thoát, lãng phí đó. Tài sản nhà nước cũng cần được thống kê, kiểm tra, phân loại, đánh giá thường xuyên và giao trách nhiệm quản lý rõ ràng. Cần phải có cơ chế phối hợp, kiểm tra giám sát để xác định tài sản nhà nước cả ở thể hữu hình và vô hình.
Những tài sản như bất động sản, tài nguyên thiên nhiên thì cần hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế để quản lý có hiệu quả... Khi pháp luật hoàn thiện, cơ chế quản lý chặt chẽ thì ý thức, trách nhiệm của cán bộ, của tổ chức, cá nhân sẽ là vấn đề then chốt, quyết định đến hiệu quả của việc chống lãng phí. Chỉ khi mọi người có chung nhận thức, trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, có ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên thì khi đó việc phòng, chống lãng phí mới được thực hiện tốt hơn.