Một số vấn đề trọng tâm trong việc đảm, bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam
Chiều 20/9, tại 'Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam', Phó Chủ nhiệm UBKH, Công nghệ và Môi trường, Tạ Đình Thi đã đưa ra một số vấn đề trọng tâm trong việc đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Hiện nay dư luận xã hội và cử tri vô cùng quan tâm đến nội dung đảm bảo phát triển an ninh năng lượng ở nước ta. Do đó đây là một vấn đề cần được bàn luận và nghiên cứu kĩ lưỡng hơn nữa.
Đảm bảo phát triển an ninh năng lượng là một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, thì yêu cầu phát triển năng lượng tương ứng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vì năng lượng là một nền tảng hạ tầng trọng yếu để phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, để đảm bảo năng lượng đáp ứng thực hiện được mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045, đòi hỏi cần ra sức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết 55 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là cung cấp đủ năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh. Mục tiêu đến năm 2045 là năng lượng sơ cấp đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 25 - 30%. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt mức 160 - 190 triệu TOE…
Thời gian gần đây, nhiều Diễn đàn đã được thực hiện để thảo luận và đưa ra những phương hướng quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam hiện nay. Trong đó có "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" được Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Diễn đàn lần này sẽ đóng góp tích cực vào trong quá trình phát triển năng lượng bền vững, thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hiện nay.
TS. Tạ Đình Thi cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì tham mưu giúp cho Đoàn kiểm tra giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển an ninh năng lượng giai đoạn 2016 -2021. Trong hoạt động, Đoàn đã tiến hành nhiều hoạt động, khảo sát, làm việc thực tế với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, tổ chức hội nghị, hội thảo để đưa ra các giải pháp mang tính đột phá cho an ninh năng lượng trong tương lai.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra một số vấn đề trọng tâm trong việc đảm, bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, cần phải có giải pháp để tháo gỡ những vấn đề cấp bách, hiện nay như: tình trạng thiếu điện, thiếu xăng dầu trong thời gian ngắn hạn.
Thứ hai về phát triển bền vững, Việt Nam đã cam kết về giảm phát thải ròng về bằng không (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), đây trở thành dấu mốc tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.
Hiện nay, mục tiêu Net Zero không còn dừng lại ở lợi ích và sự hứng khởi, mà là yêu cầu cấp thiết của phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thị hiếu tiêu dùng... Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm hợp tác nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn chảy vào dự án chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, hạ tầng năng lượng...
Thứ ba, chúng ta cần huy động mọi nguồn lực vốn để thự hiện phát triển an ninh năng lượng bền vững bởi tiềm lực kinh tế chúng ta còn hạn chế. Do đó, cần triển khai các cơ chế chính sách một cách đầy đủ, đúng đắn, để thị trường năng lượng phát triển một cách đồng bộ. Khi đó, sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, không chỉ trong nước mà cả từ quốc tế, để cùng nhau giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng.
Muốn giải quyết nguồn đầu tư, chúng ta phải phát triển thị trường năng lượng. Để huy động được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, chúng ta phải có chiến lược phát triển một cách rõ ràng, phù hợp… Tuy nhiên nội lực trong nước vẫn là chính, là chủ đạo.
Thứ tư là vấn đề công nghệ: Công nghệ trong phát triển an ninh năng lượng sẽ thay đổi trong tương lai. Do đó, cần cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới tại các quốc gia, những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khí Việt Nam, tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Đặc biệt là giải pháp công nghệ cho tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời cần áp dụng phương thức giá thành giảm thì hiệu quả cao trong phát triển an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Thứ năm, phát triển nhân lực: Chuẩn bị lực lượng trong tương lai để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là 1 thách thức đối với những ngành năng lượng mới.
Nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng. Lao động trong các ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cần chuyển đổi việc làm như thế nào cũng là bài toán cần giải.
Thứ sáu, các phương thức quản trị trong bối cảnh mới. Với quy mô, phát triển của nền kinh tế hiện nay, thì tư duy và phương thức quản trị cũng cần phải thay đổi. Do đó, các học giả, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các nhà lập chính sách cần quan tâm để đưa ra các giải pháp cho phù hợp.
TS. Tạ Đình Thi cho biết thêm, tới đây Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội về các vấn đề đang cấp bách như cung ứng điện, giá xăng dầu, phát triển an ninh năng lượng... lắng nghe những vướng mắc của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng. Từ đó, có những giải pháp căn cơ trong trước mắt, cũng như lâu dài để thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng.