Một số vị thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan
Bên cạnh các thuốc điều trị đặc hiệu của Y học hiện đại như thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc phục hồi tế bào gan… hiện nay một số vị thuốc Y học cổ truyền cũng đã được chứng minh có vai trò trong hỗ trợ điều trị viêm gan.
1. Bệnh viêm gan theo quan điểm của Y học cổ truyền
Theo Y học hiện đại viêm gan xảy ra khi các tế bào mô gan bị viêm và tổn thương, làm suy giảm chức năng gan. Tùy theo thời gian mắc bệnh, viêm gan được chia thành cấp và mạn tính.
Nếu các triệu chứng khởi phát đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn (vài ngày, vài tuần và dưới 6 tháng) là viêm gan cấp tính. Tổn thương gan kéo dài trên 6 tháng được gọi là viêm gan mạn tính.
Bệnh viêm gan bao gồm các triệu chứng từ nhẹ đến nặng gây các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong như: Ăn không ngon, sốt, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, ngứa da, vàng da, vàng mắt…
Nguyên nhân gây viêm gan rất đa dạng, có thể là do virus (HBV, HCV), lạm dụng rượu bia, thuốc, nhiễm mỡ hoặc yếu tố gen… Nếu không phát hiện và quản lý kịp thời, viêm gan có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan, thậm chí tử vong.
Theo Y học cổ truyền, viêm gan nằm trong phạm vi chứng hiếp thống. Hiếp thống chỉ chứng bệnh do mạch lạc không được nuôi dưỡng hoặc mạch lạc bế tắc dẫn tới mạng sườn đau tức (đau hai bên ngực từ dưới hố nách cho tới xương sườn 12).
Vùng mạn sườn là chỗ trú của Can Đởm, do vậy hiếp thống có mối liên quan chặt chẽ với rối loạn chức năng của tạng phủ Can - Đởm.
Can với chức năng là điều đạt, Đởm với chức năng là sơ tiết. Do vậy khi Can khí thăng giáng thất thường, Đởm dịch sơ tiết bị rối loạn, làm cho mạch lạc không thông, huyết ứ đình ngưng, hoặc kinh mạch mất sự nuôi dưỡng… đều có thể dẫn đến hiếp thống.
2. Vị thuốc hỗ trợ trị viêm gan
Bên cạnh các thuốc điều trị đặc hiệu của Y học hiện đại như thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc phục hồi tế bào gan… hiện nay, một số vị thuốc Y học cổ truyền cũng đã được chứng minh có vai trò trong hỗ trợ điều trị viêm gan. Dưới đây là một số vị thuốc thường dùng trong số đó:
2.1. Dứa dại
Theo Y học cổ truyền, dứa dại có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng làm ra mồ hôi, giải nhiệt, tiêu viêm và lợi tiểu.
Dứa dại là cây mọc hoang ở nhiều nơi, trong dân gian thường dùng lá, hoa, quả và rễ.
Dứa dại được dùng làm thuốc chữa một số bệnh như đái tháo đường, tiểu tiện không thông, chảy máu chân răng, sởi, nhọt độc, bệnh trĩ…
Riêng rễ và quả dứa dại có thể dùng riêng hoặc kết hợp với một số thảo dược khác để điều trị bệnh viêm gan.
Theo kinh nghiệm dân gian, quả dứa dại thái mỏng, phơi khô, dùng 20 - 30g sắc nước uống mỗi ngày để hỗ trợ điều trị các bệnh về gan.
Theo các nghiên cứu cho thấy, quả dứa dại có tác dụng bảo vệ và phục hồi tổn thương của tế bào gan. Bên cạnh đó, hậu quả của viêm gan và các tổn thương gan nói chung là ảnh hưởng đến quá trình tạo mật và bài xuất mật. Khi lưu lượng dòng mật giảm, thành phần dịch mật bị thay đổi sẽ tạo điều kiện cho quá trình viêm nhiễm ở đường mật, túi mật.
Để tránh hậu quả đó, trong điều trị viêm gan người ta thường dùng thêm các thuốc lợi mật. Và dứa dại chính là một trong những vị thuốc vừa có tác dụng bảo vệ gan, vừa có tác dụng lợi mật.
Các chế phẩm chiết xuất từ quả dứa dại vừa đảm bảo được giá thành phải chăng, vừa đáp ứng được hiệu quả tốt cho người bệnh.
2.2. Cà gai leo
Cà gai leo (Solanum procumbens Lour) là giống cây mọc tự nhiên ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam và từ rất lâu trong dân gian, nó được biết đến bởi công dụng điều trị các bệnh về gan đặc biệt là viêm gan, xơ gan.
Bộ phận dùng là phần trên mặt đất của cây cà gai leo. Cà gai leo là một trong những cây thuốc nam được đánh giá cao trong hỗ trợ điều trị các bệnh về viêm gan, chống xơ gan, giải độc gan và làm giảm hoạt độ enzym AST, ALT.
Đây là loại thảo dược vừa có tính kháng khuẩn, vừa có tính kháng viêm, được dùng nhiều với tác dụng điều trị trong viêm gan do virus.
Theo các nghiên cứu cho thấy, sử dụng cây cà gai leo liều 10g dược liệu khô/kg thể trọng/ngày có tác dụng bảo vệ gan thông qua làm giảm hoạt độ của AST, ALT và cholesterol toàn phần trong huyết thanh.
2.3. Cây kế sữa
Cây kế sữa (Silybum marianum) hay còn được gọi là Atiso hoang dã, là một loại cây đã được sử dụng hàng ngàn năm như một phương thuốc chữa nhiều loại bệnh. Thành phần chính của chiết xuất quả cây kế sữa là một Flavonolignan được gọi là Silybin, chiếm nồng độ khoảng 50 - 70% trong quả cây kế sữa.
Cây kế sữa từ lâu được sử dụng để điều trị một loạt các rối loạn chức năng gan, rối loạn túi mật, có tác dụng bảo vệ tế bào gan.
Ngoài ra, Silybin trong cây kế sữa còn có đặc tính chống oxy hóa mạnh, điều chỉnh nhiều con đường truyền tín hiệu tế bào, dẫn đến giảm các chất trung gian gây viêm.
2.4. Uất kim
Theo Y học cổ truyền, uất kim có vị đắng, tính lạnh có tác dụng hành huyết phá ứ, hành khí giải uất. Uất kim là rễ con của cây nghệ vàng, cần phân biệt với vị thuốc khương hoàng. Hai vị thuốc này bản chất đều có nguồn gốc từ cây nghệ vàng, nhưng khương hoàng là củ mẹ, còn uất kim là củ con.
Tại sao cần phân biệt rõ vậy bởi công dụng của hai vị thuốc này là khác nhau. Uất kim tính hàn, trong khi khương hoàng tính ôn. Uất kim chủ yếu tác dụng vào tạng phủ, chữa các chứng hiếp thống (viêm gan), hoàng đản (vàng da),... Còn khương hoàng chủ yếu tác dụng ngoài kinh lạc, chữa các bệnh về cơ xương khớp.
Điểm mạnh nhất trong tác dụng của uất kim là hoạt huyết chỉ thống vùng trung tiêu nên rất hay được ứng dụng trong các bệnh lý về dạ dày và gan mật như vàng da, viêm gan, sỏi mật, viêm dạ dày tá tràng…
Theo các nghiên cứu cho thấy, thành phần chính trong vị thuốc uất kim là Curcuminoid. Ba curcuminoid chính có trong thân rễ của nghệ là curcumin, demethoxycurcumin và bisdemethoxycurcumin. Cơ chế bảo vệ tế bào gan của các hoạt chất Curcuminoid là hoạt động chống oxy hóa và kích hoạt các enzym giải độc, chống viêm.