Một tài liệu quý về Báo chí Cách mạng lần đầu công bố

Nếu tính từ năm 1865 với sự ra đời của Gia Định Báo, đến nay đã hơn 150 năm nhưng chúng ta vẫn chưa có từ điển thư tịch báo chí Việt Nam. Một công việc không dễ dàng, bởi do đặc thù ra đời của nhiều tờ báo mà hiện nay không còn lưu trữ, thậm chí ngay cả tên gọi của nó, người ta cũng không biết đến. Nếu biết cũng phải 'trầy vi tróc vẩy' may ra mới có thể tìm thấy tờ báo đó.

Nếu tính từ năm 1865 với sự ra đời của Gia Định Báo, đến nay đã hơn 150 năm nhưng chúng ta vẫn chưa có từ điển thư tịch báo chí Việt Nam. Một công việc không dễ dàng, bởi do đặc thù ra đời của nhiều tờ báo mà hiện nay không còn lưu trữ, thậm chí ngay cả tên gọi của nó, người ta cũng không biết đến. Nếu biết cũng phải “trầy vi tróc vẩy” may ra mới có thể tìm thấy tờ báo đó.

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Đài.

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Đài.

Trường hợp báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975) do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành là một thí dụ sinh động. Người thực hiện công tác sưu tầm, biên soạn hết sức chu đáo là Đại tá, PGS, TS Hồ Xuân Đài. Ông cho biết, khi đọc bản thảo hồi ký “Bốn mươi bảy năm quân ngũ” của Đại tá Nguyễn Viết Tá, mới biết ông Tá là nhân vật trực tiếp tham gia công tác tại báo Quân giải phóng. Với manh mối này, ông Đài có ý định “tái hiện”, “phục hồi” lại, từ việc đi tìm những nhà báo từng làm báo này đến Thư viện Quân đội tại Hà Nội, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ, ông Đài đã thu thập được kết quả đáng kể.

Về lai lịch, ông Đài cho biết: “Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1-11-1963, báo Quân giải phóng - cơ quan của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếng nói của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam phát hành số đầu tiên”. Tờ báo này gồm 4 trang, khổ 27cm x 39cm; lúc đó, chưa có kỹ thuật in offset nên không in ảnh; minh họa là các hình vẽ từ bản khắc gỗ... Có một trùng hợp ngẫu nhiên ngày ra đời của tờ báo trùng với ngày tướng lĩnh Sài Gòn lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Do tờ báo thực hiện tại chiến trường, nhà báo còn là chiến sĩ trực tiếp cầm bút, các sự kiện thời sự ngay sau khi vừa diễn ra đã kịp thời phản ánh lên mặt báo. Mọi hoạt động của quân và dân Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ thuở ấy có thể tìm thấy với nhiều chi tiết đắt giá, sống động.

Tài liệu mới công bố.

Tài liệu mới công bố.

Chẳng hạn về trường hợp hy sinh của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - liệt sĩ Trừ Văn Thố trong trận đánh đêm 18-10-1963 khi quân giải phóng tấn công đồn Cây Trường (Bình Dương): “Đồng chí Thố bị thương ở chân nhưng vẫn tiến lên. Hai quả thủ pháo cuối cùng của đồng chí đã ném. Hỏa điểm địch bị dập tắt. Nhưng một lúc sau nó lại hoạt động trở lại, ác liệt hơn. Để đảm bảo chiến thắng cho toàn đơn vị, đồng chí Thố nhích sát dần hỏa điểm địch, rồi trong nháy mắt lao thẳng đến hỏa điểm bịt lỗ châu mai. Hỏa lực địch tắt. Quân ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Cây Trường” (số 3 - ngày 23-11-1963)...

Hàng ngàn tin bài trong tờ báo này, có thể bây giờ ta tiếp nhận rất đỗi bình thường bởi thời gian đã thuộc về quá khứ, thế nhưng để viết được những dòng chữ trong điều kiện ở chiến trường ác liệt không hề dễ dàng, có cả máu và nước mắt. Nhà văn, nhà báo Thanh Giang kể lại khi bám trụ ở vùng Gò Vấp năm 1968: “Trong căn hầm nổi, chúng tôi thắp cây đèn cày khom lưng viết bài. Đạn pháo nổ ầm ầm, căn hầm chao như đưa võng. Một trái đạn pháo rơi trúng nắp hầm, Trong hầm người chết, Phú Bằng và Thanh Giang bị thương. Vết thương đổ máu trên trang viết nửa chừng”.

Nghĩ lại, thấy làm báo thời buổi này thật “dễ thở”, chứ thời đó, ngoài công tác chuyên môn, sẵn sàng tác chiến với tư cách chiến sĩ, các phóng viên còn phải tăng gia sản xuất nữa, nhà báo Nguyễn Đình Thịnh kể lại thời gian ở Lộc Ninh: “Suốt từ sáng cho tới chiều, ai cũng chăm chỉ làm cho nhanh, mặc dầu mỗi ngày chỉ được hai lạng gạo, nấu độn với sắn khô nhưng vẫn không đủ no, rau chẳng có, vớ được lá rừng gì ăn được là ăn. Có hôm tìm được ở đoạn suối có ít dọc khoai ngứa. Thế là tối cắt luôn về nấu với muối ăn thêm cho đỡ đói, ngứa móc họng cũng không sao cả, miễn là bụng đỡ cồn cào và ngủ được yên giấc...”.

Báo Quân Giải phóng.

Báo Quân Giải phóng.

Trong rất nhiều thông tin thú vị, tôi chọn thêm lời kể của nhà báo Trần Tuấn Nghĩa để cùng thấy cách làm báo của một thời, tài liệu này có thể bổ sung thêm cho câu chuyện “đằng sau mặt báo” thời chiến tranh: “Tất cả các bộ phận và thao tác in ấn đều được chìm dưới mặt đất. Đó là hệ thống sắp chữ, máy in, máy phát điện, kho công cụ vật liệu in, nhà ở, nhà bếp...”.

Đứng ở góc độ nghiên cứu, ta nhận ra các tin bài là nguồn tài liệu dồi dào, hoàn toàn có thể góp phần bổ sung cho nhiều sự kiện quan trọng.

Thế nhưng thật đáng tiếc, ông Hồ Xuân Đài cho biết: “Geoffrey Ward, nhà văn, nhà sử học người Mỹ (1940, cùng thời với đa số các phóng viên báo Quân giải phóng) nói: “Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử”. Vậy mà, dường như tác giả của các công trình nghiên cứu về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam chưa hề trích dẫn một thông tin nào trên báo Quân giải phóng. Ngay cả cuốn Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010) đã xuất bản cũng không một dòng đề cập đến tờ báo được coi như tờ Quân đội nhân dân ở miền Nam này”.

Tờ báo tồn tại đến ngày 15-10-1975, phát hành được 338 số. Thời điểm đó, cán bộ, nhân viên từ cơ quan tòa soạn tại rừng Tà Tê và phóng viên theo các cánh quân tiến về Sài Gòn tập trung tại nhà số 2Bis đường Hồng Thập Tự, quận Nhất (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM). Đây là trụ sở của Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong đó có tờ báo Tiền Tuyến.

Sau đó, tòa soạn báo Quân giải phóng chuyển sang khu nhà số 63 Gia Long, quận Nhất (nay là đường Lý Tự Trọng, Q.1, TPHCM). Đây là trụ sở Bộ Quốc phòng, một bộ lớn nhất và quan trọng nhất trong nội các chính phủ Việt Nam Cộng hòa, nơi lưu trữ nhiều tài liệu của chế độ cũ để lại. Tính từ khi chuyển về Sài Gòn, báo Quân Giải phóng phát hành được 18 số và kết thúc nhiệm vụ lịch sử.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mot-tai-lieu-quy-ve-bao-chi-cach-mang-lan-dau-cong-bo-post296856.html