Một tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân
'Một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, một vị quan thanh liêm, chính trực, 'dĩ công vi thượng'; Một tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân'- Đó là những ngôn từ đẹp nhất mà hậu thế dành tặng cho cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-2019)- con người mà cả cuộc đời chỉ đau đáu 4 chữ 'ích quốc, lợi dân'.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn tại Lễ phong quân hàm Đại tướng ngày 28/5/1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu.
Vị quan treo biển: “Không nhận quà biếu”
Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ cụ đã theo con đường khoa cử, sớm đỗ đạt. Năm 17 tuổi, cụ đỗ cử nhân khoa thi năm 1906, sau đó đỗ thủ khoa trường Hậu bổ, là cơ sở đào tạo viên chức hành chính bằng tiếng Pháp lúc bấy giờ. Từ năm 1911, cụ lần lượt được bổ nhiệm làm Tri huyện, Tri phủ ở tỉnh Nam Định, Án sát ở tỉnh Bắc Ninh rồi Tuần phủ ở các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ hình, đồng thời tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế.
Chính những năm tháng làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ở các chức vụ, ở các địa phương khác nhau ấy đã làm bật lên một Bùi Bằng Đoàn- vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực. Chuyện kể rằng, trên công đường- những nơi cụ Bùi Bằng Đoàn làm quan, Cụ đều treo bảng thông báo “Không nhận quà biếu”. Với người nhà, cụ cấm tiệt việc nhận quà, nếu lỡ nhận rồi thì phải mang trả lại.
Cụ Bùi Bằng Đoàn trong trang phục thượng thư triều đình nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu
Giàu đức độ, nặng lòng thương dân
Không chỉ thanh liêm, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn còn được những người dân nơi ông từng làm quan ngợi ca là vị quan giàu đức độ, nặng lòng thương dân.
Sử sách đã ghi rằng năm 1922, khi đang làm Tri phủ Xuân Trường, ở Nam Định, Cụ đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long, ngăn nước mặn, tạo ra một vùng trồng lúa, trồng dâu rộng lớn, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo sản xuất và đời sống dân sinh ở địa phương.
Năm 1925, trước việc báo chí lên án cảnh phu đồn điền ở miền Nam bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam triều đã cử Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp.
Cụ đã tiến hành thanh tra thấu đáo, viết một bản báo cáo dày đến 100 trang bằng tiếng Pháp nêu rõ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền.
Những kiến nghị xác đáng của cụ đã được nhà đương cục chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.
Nêu cao tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, cụ đã từ chối tham gia Chính phủ, cáo quan về quê.
Tháng 8/1945, sau khi lãnh đạo cách mạng thành công, thành lập "Nhà nước Việt Nam mới", Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức tập hợp nhân tài, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Và cụ Bùi Bằng Đoàn- một tấm gương tài đức- hẳn nhiên không thể không lọt vào "tầm ngắm" của người đứng đầu Chính phủ lâm thời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn riêng cho mình.
Trong bức thư đề ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời lẽ hết sức tha thiết:
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư
Hồ Chí Minh"
Chuyện kể rằng cả mấy lần nhận thư của Bác Hồ, cụ Bùi Bằng Đoàn đều lưỡng lự, xin cáo từ, đến lần thứ ba, Bác Hồ cử ông Vũ Đình Huỳnh (Thư ký riêng của Bác) về tận Hà Đông (quê của cụ Bùi) để trao tận tay bức thư riêng của Người. Trong thư có câu thơ cổ 7 chữ: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh” (Dòng nước thu, bông sen tàn nghe tiếng mưa rơi lại nở). Sau khi đọc thư này, cụ đã vui vẻ nhận lời mời của Bác Hồ.
Trong cảm nhận của nhiều người, mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn là mối quan hệ tâm đầu ý hợp, tri âm, tri kỷ của hai tâm hồn đồng điệu, một lòng vì nước, vì dân. Ngày 22/11/1945, cụ được đón về nhà số 8 phố Lê Thái Tổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đợi cụ ở cửa phòng khách, rồi hai Người cùng đi dạo dưới hàng cây trong vườn, trò chuyện tâm đắc như đôi bạn cố tri lâu ngày tái ngộ. Những năm tháng cụ Bùi Bằng Đoàn phải đi chữa bệnh ở xa Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm tới cụ, tạo điều kiện để cụ theo dõi tin tức và đóng góp ý kiến. Sau ngày Hà Nội được giải phóng, cụ Bùi Bằng Đoàn được đón về ở tại số 10 phố Trần Hưng Đạo, gần bệnh viện Quân đội 108 ngày nay để tiện chữa bệnh. Tuần nào Bác cũng đến thăm cụ một lần. Có hôm hai người đàm đạo tới khuya.
Trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Bằng kinh nghiệm của bản thân và tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu, với thái độ công bằng, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng với Đoàn Thanh tra điều tra, xem xét, làm rõ, xử lý được nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết oan sai, khuất tất của người dân một cách thấu tình, đạt lý, được cán bộ và nhân dân tâm phục, khẩu phục, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính các cấp.
Đề cao tư tưởng đại đoàn kết
Tháng 1/1946, cụ được bầu làm Đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông, và vào tháng 11 năm đó, cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Trên cương vị đứng đầu Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11 năm 1946”.
Lời tuyên bố đanh thép của cụ là một đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Thời gian giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội (từ tháng 11/1946 đến tháng 9/1955), ở vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân, cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến, kiến quốc; trong đó có việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947.
Từ tháng 8/1948, do lâm bệnh nặng nên cụ Bùi Bằng Đoàn không còn trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội. Dù vậy, cụ vẫn theo dõi tình hình trong nước, quốc tế và thường xuyên gửi thư thăm hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội và đóng góp nhiều ý kiến.
Đặc biệt, nhân dịp khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa I vào tháng 3/1955, kỳ họp đầu tiên trong thời gian hòa bình lập lại ở miền Bắc, cụ đã gửi thư đến Quốc hội và toàn thể quốc dân đồng bào, qua đó thể hiện tư tưởng xuyên suốt là cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước. Bức thư có đoạn viết: “Tôi thiết tha kêu gọi các vị đại biểu Quốc hội, các vị nhân sĩ trí thức, toàn thể quân đội và đồng bào đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
Do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, mặc dù đã được các tận tình cứu chữa, nhưng cụ đã từ trần vào ngày 13/41955.
"Tất cả chúng ta hết sức tiếc nhớ cụ Bùi Bằng Đoàn.... Trong mấy năm đau bệnh nặng, cụ vẫn luôn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, vào công cuộc kháng chiến của toàn dân để giành độc lập và thống nhất cho nước nhà. Cụ đã làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân cho tới phút cuối cùng...”- Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng khẳng định trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa I.
Hà Anh
GS. Bùi Nghĩa, con trai cụ Bùi Bằng Đoàn cho biết, cha ông là một sứ giả tiêu biểu nhất trong lịch sử họ Bùi thời hiện đại. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trọn một đời, từ thuở thiếu thời đã sớm ấp ủ tình “yêu nước thương dân”. Bốn chữ này đã theo Cụ suốt cả chặng đường dài dưới cả hai chế độ, cho đến ngày Cụ trút hơi thở cuối cùng, đi vào lòng đất mẹ thân thương. Lên đến tột đỉnh vinh quang, gia sản cụ để lại cho gia đình, dòng tộc không phải là tiền bạc, mà là đức độ, tài năng, là nhân cách và phẩm giá của một con người đã dốc lòng vì nước, vì dân. Đó là tài sản vô giá nhất Cụ đã để lại cho con cháu.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-tam-long-tan-trung-voi-nuoc-tan-hieu-voi-dan-post67967.html