Một tháng vận hành mô hình 2 cấp: Chính quyền gần dân hơn!

Theo lãnh đạo các phường, sau gần một tháng đi vào hoạt động, trung tâm phục vụ hành chính công đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa chính quyền đến gần dân hơn.

Sau gần một tháng chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhiều phường, xã mới tại TP.HCM, Hà Nội... đã cơ bản ổn định tổ chức, đi vào hoạt động nền nếp.

Ghi nhận cho thấy mô hình mới đang từng bước phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến trong cung cách phục vụ người dân và xử lý thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ sở.

 Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Định, TP.HCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Định, TP.HCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bố trí ba trụ sở tiếp nhận hồ sơ

Một sáng đầu tuần tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Định, dòng người đến làm hồ sơ, TTHC ra vào đều đặn. Tại quầy số 5, anh Lê Thiện Nhân (ngụ phường Phú Định) đang làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người cao tuổi giúp ông bà mình.

“Đây là lần đầu tiên tôi làm nên còn mang thiếu hồ sơ nhưng đã được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình” - anh Nhân nói. Theo anh, từ lúc lấy số thứ tự đến khi nộp đủ hồ sơ chỉ mất khoảng 30 phút, mọi bước đều được hướng dẫn rõ ràng…

Cách đó vài quầy, anh Nguyễn Thái Ngân (ngụ phường Phú Định) đang chờ cán bộ kiểm tra lại giấy, hồ sơ xin việc để chứng thực. “Giấy tờ hơi nhiều nên lúc đầu tôi cũng lo lắng nhưng vào đây được cán bộ kiểm tra kỹ, mấy bạn đoàn viên hướng dẫn tận tình từ khâu lấy số đến chờ gọi tên nên mọi thứ diễn ra khá nhanh”- anh Ngân nhận xét.

Ông Nguyễn Mai Trung, Chánh Văn phòng HĐND, UBND phường Phú Định, cho biết công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân diễn ra thông suốt. Đến nay, phường đã xử lý hơn 3.000 hồ sơ, chủ yếu liên quan đến sao y, chứng thực, hộ tịch và trợ cấp hưu trí xã hội.

Ngoài Trung tâm phục vụ hành chính công đặt tại 184 Lưu Hữu Phước, phường còn bố trí thêm hai điểm tiếp nhận phụ tại trụ sở của UBND phường Xóm Củi và UBND phường 16 cũ nhằm tạo thuận tiện cho người dân ở khu vực xa.

“Mỗi điểm phụ đều có bốn quầy, tiếp nhận đầy đủ các loại hồ sơ như tại điểm chính. Do địa bàn phường Phú Định bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch, các điểm này giúp người dân không phải đi xa, nhất là người lớn tuổi. Hồ sơ sẽ được cán bộ chuyển về trung tâm chính để ký duyệt, sau đó trả lại cho người dân tại nơi đã nộp” - ông Trung giải thích.

Theo ông, giai đoạn đầu phường sẽ duy trì ba điểm tiếp nhận nhằm tạo thuận lợi tối đa. Sau khi hệ thống vận hành ổn định, phường sẽ rà soát, tổng kết để điều chỉnh mô hình cho phù hợp.

“Hiện có 363 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã đang được giải quyết thuận lợi. Các thủ tục trước đây thuộc thẩm quyền cấp quận nay chuyển về phường, cũng đang được xử lý thông suốt. Phản hồi của người dân phần lớn là hài lòng” - ông Nguyễn Mai Trung đánh giá.

 Ông Phan Ngọc Phát, Phó Chủ tịch UBND phường Chợ Quán túc trực tại Trung tâm để giải quyết hồ sơ cho dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Phan Ngọc Phát, Phó Chủ tịch UBND phường Chợ Quán túc trực tại Trung tâm để giải quyết hồ sơ cho dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Chủ tịch phường túc trực tại quầy tiếp nhận hồ sơ

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Chợ Quán, bà Nguyễn Thị Ngôi (ngụ phường Chợ Quán) vừa hoàn tất thủ tục chứng thực giấy tờ để nộp hồ sơ cho con nhập học.

Cầm xấp hồ sơ đã được đóng dấu xác nhận, chị cho biết: “Lần đầu tôi đến làm thủ tục tại phường mới, lúc đầu cũng hơi lo nhưng tới nơi thì được hướng dẫn rõ ràng, quầy tiếp nhận nhanh, chỉ chờ chút là xong, không phải đi lòng vòng”.

Chị Ngôi cũng đánh giá cao thái độ phục vụ của cán bộ tại trung tâm, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình của lực lượng thanh niên tình nguyện tại khu vực tiếp nhận hồ sơ.

Ông Phan Ngọc Phát, Phó Chủ tịch UBND phường Chợ Quán, nhìn nhận sau gần một tháng đi vào hoạt động, Trung tâm phục vụ hành chính công đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa chính quyền đến gần dân hơn. “Thay đổi rõ nhất là người dân có thể tiếp cận dịch vụ hành chính dễ dàng hơn. Một số thủ tục trước đây phải lên quận, nay phường tiếp nhận và giải quyết trực tiếp, rút ngắn thời gian và giảm bớt việc đi lại cho người dân” - ông Phát nói.

Theo ông Phát, trong giai đoạn đầu, phường cũng đối mặt với không ít khó khăn do một số quy trình, quy định chưa đồng bộ, đường truyền mạng chưa ổn định, cán bộ chưa quen với hệ thống mới… Tuy nhiên, tập thể phường Chợ Quán xác định tinh thần “khó tới đâu, gỡ tới đó”.

Gần một tháng qua, ngày nào ông Phan Ngọc Phát cũng có mặt tại trung tâm, trực tiếp ngồi tại quầy cùng cán bộ để ký hồ sơ. Việc này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết cho người dân mà còn giúp lãnh đạo nắm sát tình hình, kịp thời hỗ trợ và chia sẻ áp lực với đội ngũ công chức.

Sau thời gian vận hành, ông Phát đánh giá khối lượng công việc tăng đáng kể, không chỉ với cán bộ tiếp nhận mà cả với Thường trực UBND phường. Vì vậy, phường đang kiến nghị TP phân cấp cho phó giám đốc trung tâm được ký các hồ sơ chứng thực, công chứng để giảm tải áp lực cho lãnh đạo phường.

 Anh Nguyễn Văn Phúc và chị Lê Hà Anh tay trong tay lên phường Bình Hưng Hòa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Ảnh: LÊ THOA

Anh Nguyễn Văn Phúc và chị Lê Hà Anh tay trong tay lên phường Bình Hưng Hòa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Ảnh: LÊ THOA

Kiến nghị ủy quyền phó giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công ký hồ sơ

Tại phường Bình Hưng Hòa, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Phúc (30 tuổi) và chị Lê Hà Anh (26 tuổi) tay trong tay lên phường thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Cầm trên tay chứng nhận đăng ký kết hôn “nóng hổi” vừa mới được ký tên, đóng dấu, anh Phúc không giấu nổi niềm vui. “Chúng tôi rất hạnh phúc, thật là một ngày tuyệt vời” - anh Phúc cười rạng rỡ.

Theo anh Phúc, nộp hồ sơ xong, vợ chồng anh chờ khoảng 15-20 phút là nhận chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau khi kiểm tra một lượt thông tin cá nhân, vợ chồng anh ký tên lên chứng nhận, cán bộ mang vào phường đóng dấu và trả kết quả hoàn chỉnh. “Mọi thứ chỉ diễn ra trong 30 phút” - anh nói và cho biết vợ chồng anh rất hài lòng bởi quá trình làm thủ tục rất nhanh chóng, được cán bộ, công chức tiếp đón chu đáo, giải quyết hiệu quả.

Còn anh Nguyễn Quốc Hưng (24 tuổi) đến phường chứng thực hồ sơ xin việc cũng bày tỏ sự hài lòng. “Tôi tới bốc số là tới lượt ngay luôn, không phải chờ đợi lâu” – anh Hưng nói.

Anh Hưng cũng chia sẻ cảm nhận của mình về không khí làm việc sôi động, tất bật nhưng đảm bảo chỉn chu, nhiệt tình của cán bộ, công chức phường Bình Hưng Hòa. Anh mong phường sẽ duy trì mãi tinh thần làm việc này, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

 Các cán bộ phường Bình Hưng Hòa hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: LÊ THOA

Các cán bộ phường Bình Hưng Hòa hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: LÊ THOA

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Cường, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại phường đã đi vào hoạt động thông suốt, thuận lợi, đảm bảo giải quyết hồ sơ chu đáo cho người dân. Đến nay, phường tiếp gần 6.000 lượt người dân với 3.000 hồ sơ; trong đó, cao nhất là hồ sơ sao y, chứng thực…; tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn đạt 100%.

Cũng theo ông Cường, qua nắm bắt, bà con nhân dân trên địa bàn phường đồng thuận cao với việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Bà con chia sẻ nếu trước đây, nhiều thủ tục buộc bà con phải lên quận giải quyết thì nay chỉ cần đến phường là được tiếp nhận tận tình.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được phân công nhiệm vụ, đảm bảo đủ nhân sự cho từng bộ phận, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân.

“Thấu hiểu những áp lực của anh em trong thời gian đầu vận hành mô hình mới, lãnh đạo phường quan tâm, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, giúp cán bộ vui vẻ, an tâm công tác, phục vụ người dân tốt nhất” - ông Cường thông tin và cho biết với khối lượng công việc nhiều, phường đã tổ chức tăng ca thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết việc tồn đọng.

Nhìn lại thời gian vận hành, ông Nguyễn Anh Cường cũng kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét thực hiện ủy quyền cho phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công và công chức được ký hồ sơ nhằm tăng tốc độ giải quyết hồ sơ cho người dân.

“Việc này sẽ giúp lãnh đạo phường có nhiều thời gian để xuống địa bàn, gặp gỡ, lắng nghe, kịp thời giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân tại cơ sở” - ông Cường nói và nhấn mạnh dù khối lượng công việc nhiều nhưng đến thời điểm này phường Bình Hưng Hòa vẫn đảm đương tốt mọi nhiệm vụ, mọi thứ diễn ra thông suốt”.

 Lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân tại khu vực tiếp nhận hồ sơ ở phường Thủ Đức. Ảnh: CÔNG LINH

Lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân tại khu vực tiếp nhận hồ sơ ở phường Thủ Đức. Ảnh: CÔNG LINH

Thông tin với người dân tiến độ xử lý hồ sơ

Với phường Bình Trưng, UBND phường luôn quán triệt tinh thần không làm phát sinh thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không làm khó người dân, doanh nghiệp. Người dân khi đến làm thủ tục đều được các chuyên viên, công chức tại trung tâm hành chính công hướng dẫn tận tình.

“Tôi đến làm thủ tục đất đai. Do có nhiều thay đổi nên tôi chưa nắm hết, được cán bộ ở đây chỉ dẫn nhiệt tình, chi tiết cho từng phần khai thủ tục để tránh sai sót nên yên tâm lắm” - chị Ngô Mai Hương chia sẻ khi đến nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Trưng.

Còn tại phường Thủ Đức, công tác tiếp nhận hồ sơ trong thời gian gần đây tăng lên đáng kể. Ghi nhận của PV, có ngày đến tận 11 giờ 30 vẫn còn người dân đến làm thủ tục.

Nhiều người dân cho rằng điều họ cảm thấy dễ chịu là khi hồ sơ có chậm hơn so với quy định, chưa đảm bảo kịp tiến độ đều được phường thông báo rõ.

“Mới vận hành bộ máy mới nên tôi biết còn nhiều thứ cần điều chỉnh. Thái độ phục vụ của cán bộ ở trung tâm là điều tôi rất quý, dù hồ sơ có chậm nhưng sự cầu thị, chân thành và nhẹ nhàng của đội ngũ làm tôi thấy rất thoải mái” - chị NTH đang chờ kết quả trả thủ tục đăng ký kinh doanh chia sẻ.

Hiện UBND phường Thủ Đức hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến với những TTHC đã được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Kết quả xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết tại phường bình quân đạt 39% (537/1.377 hồ sơ).

 Công chức robot tại điểm phục vụ hành chính công phường Cửa Nam (TP Hà Nội) hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Công chức robot tại điểm phục vụ hành chính công phường Cửa Nam (TP Hà Nội) hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chuyển đổi số là “chìa khóa vàng”

Tại phường Cửa Nam, TP Hà Nội, chính quyền địa phương đã đưa vào vận hành mô hình “công chức robot” tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính, số 29 Quang Trung. Robot này thực hiện các thao tác như lấy số thứ tự, hướng dẫn quy trình và cung cấp nước, kẹo cho người dân trong khi chờ làm thủ tục.

Bà Vương Thị Thu Minh, người dân ở phố Phùng Hưng, cho biết rất bất ngờ với sự thân thiện, hiện đại tại điểm tiếp nhận phục vụ hành chính công của phường. “Robot phục vụ chu đáo, cán bộ cũng hướng dẫn tận tình, tôi không phải chờ đợi lâu” – bà Minh nói.

Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Trịnh Ngọc Trâm cho hay để mô hình vận hành suôn sẻ, phường đã tổ chức chạy thử trong 10 ngày, mô phỏng các tình huống thực tế để kịp thời xử lý vướng mắc. Một điểm mới được phường triển khai là ứng dụng robot AI (công chức robot) trong phục vụ hành chính công. Theo bà Trâm, robot không thay thế con người mà là công cụ hỗ trợ, giúp tối ưu trải nghiệm của người dân trong bối cảnh lượng hồ sơ gia tăng.

“Chúng tôi đang từng bước tiến tới chính quyền số, chính quyền phục vụ. Robot chỉ là một phần nhỏ, quan trọng là tư duy, cách làm của cán bộ cũng phải thay đổi: nhanh, gọn, rõ ràng” - bà Trâm nói.

Tương tự, tại phường Đống Đa, lãnh đạo phường đánh giá mô mới là bước đột phá về cải cách hành chính, góp phần tăng hiệu quả xử lý công việc.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa dẫn chứng trước đây, để triển khai một nhiệm vụ như phòng chống dịch, cấp quận thường triệu tập họp toàn bộ 21 phường, mất thời gian và công sức chuẩn bị. Giờ đây, chỉ cần một nhóm nhỏ họp trực tiếp hoặc online là có thể thống nhất phương án nhanh chóng. Các tình huống khẩn cấp như mưa bão, ngập úng cũng được xử lý tức thời mà không phải chờ chỉ đạo từ cấp quận như trước.

“Bão số 3 vừa qua, chỉ trong một giờ, toàn bộ lực lượng công an, quân sự, trật tự đô thị, y tế được huy động đầy đủ. Cách làm mới giúp thông tin thông suốt, quyết định được đưa ra nhanh hơn, sát với tình hình hơn” - ông Hải nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết chỉ sau ba tuần triển khai mô hình mới, Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết hơn 66.000 hồ sơ hành chính, thiết kế lại hơn 2.000 TTHC, trong đó tập trung vào 100 thủ tục có tần suất cao như khai sinh, đăng ký thường trú, lý lịch tư pháp, BHXH cho trẻ dưới sáu tuổi…

TP đặt mục tiêu đến ngày 30-7 có 80% TTHC ở cấp xã/phường được thực hiện trực tuyến, trong đó ít nhất 20% là trực tuyến toàn trình. TP cũng giao KPI cụ thể cho từng địa phương, gắn trách nhiệm với người đứng đầu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ký ban hành chỉ thị triển khai chiến dịch “45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp”.

“Về cơ bản bộ máy vận hành cơ bản thông suốt, nhịp nhàng. Hiện TP vẫn đang tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, cải tiến quy trình hoạt động để bộ máy vận hành thông suốt hơn.

Trong đó, TP xác định việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là “chìa khóa vàng” trong tái thiết mô hình quản trị đô thị nhưng cốt lõi vẫn là đổi mới tư duy và cách tổ chức bộ máy, lấy người dân làm trung tâm phục vụ” - ông Dũng nhấn mạnh.

Tại TP Hải Phòng, dù còn một số ít khó khăn về hạ tầng, nhân sự, phần mềm và thủ tục hành chính, song tinh thần phục vụ nhân dân, sự chủ động điều chỉnh và phối hợp nội bộ đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Theo thống kê từ ngày 1 đến 24-7, Trung tâm hành chính công phường Hải An đã tiếp nhận 4.213 hồ sơ (có 90,17% đã được giải quyết đúng hạn). Cán bộ một cửa chủ động hướng dẫn, giải thích rõ ràng, hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Hải An) đến nộp hồ sơ đăng ký khai sinh cho con chia sẻ: “Tôi thấy thủ tục giờ đơn giản hơn, cán bộ tiếp dân hướng dẫn rất tận tình. Không khí ở bộ phận một cửa cũng thân thiện, làm tôi thấy yên tâm.”

Phường Ngô Quyền cũng triển khai mô hình “Tổ tư vấn pháp lý lưu động” ngay sau ngày 1-7. Tổ này trực tiếp đến nhà hỗ trợ công dân cao tuổi làm thủ tục ủy quyền lĩnh lương hưu, nhận tiền tuất…

Do địa bàn đặc thù, đặc khu Cát Hải đã bố trí thêm một điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính tại đảo Cát Hải để người dân không phải di chuyển xa. Ảnh: NGỌC SƠN

Tại đặc khu Cát Hải – địa bàn đặc thù gồm hai đảo Cát Bà, Cát Hải, Phó Chủ tịch UBND đặc khu Vũ Hữu Vững, cho biết đã bố trí thêm một điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính tại đảo Cát Hải để người dân không phải di chuyển xa. Một số bộ phận làm việc cả trong giờ nghỉ trưa để phục vụ kịp thời nhu cầu tăng cao trong mùa du lịch.

Nhiều mô hình cải tiến cũng được các phường, xã áp dụng giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, như “Ngày không viết” tại phường An Khánh, tư vấn online qua Zalo tại phường An Phong, bố trí cán bộ hướng dẫn từ cổng vào tại phường Lê Chân, xã Tứ Kỳ.

*****

Ý KIẾN (*)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ:

Tăng cường cán bộ cho cấp xã

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Mô hình này được triển khai trong bối cảnh có nhiều yếu tố mới, từ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ đến điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho cấp xã; đội ngũ cán bộ cấp xã cũng phải đảm nhiệm nhiều trọng trách mới.

Với hàng loạt yếu tố mới đó, những vướng mắc, bất cập trong giai đoạn một tháng qua là điều tất yếu. Chúng ta không thể cầu toàn, quan trọng là phải kịp thời nhận diện, tháo gỡ.

Quá trình thực hiện sẽ vừa làm vừa điều chỉnh khẩn trương, trọng tâm, hiệu quả gắn với đổi mới quản trị địa phương và quản trị quốc gia. Thời gian tới, bộ sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức các tỉnh, thành để có cái nhìn tổng quan về quản trị địa phương.

Bộ Nội vụ cũng sẽ tham mưu đẩy mạnh phân cấp cho địa phương theo hướng linh hoạt; xác định cần bao nhiêu vị trí việc làm cho hệ thống chính trị theo mô hình mới, đặc biệt là với cấp xã, trên cơ sở đó để tính toán biên chế cho giai đoạn 2026-2030.

Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước để phù hợp với mô hình mới. Trong đó, trọng tâm trước mắt là tăng cường cán bộ, nhất là cán bộ có chuyên môn sâu cho cấp xã.

Đặc biệt, các địa phương cần tập trung ưu tiên cho hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã. Bởi đây là hình ảnh hiện thân sinh động nhất cho sự phục vụ, cho sự hài lòng của người dân.

-----

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM:

Rà soát, hoàn thành bố trí nhân sự

Quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã gặp một số vướng mắc, khó khăn như về thể chế, chính sách, tổ chức, nhân sự…

Sau sáp nhập, TP.HCM có diện tích lớn hơn, cán bộ, công chức phải di chuyển xa để đến nơi làm việc, trụ sở một số nơi chưa đảm bảo cơ sở vật chất… Việc phân công nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự đồng bộ, có nơi xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ nhân sự.

Cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ nên việc kết nối, khai thác một số ứng dụng về giải quyết TTHC, quản lý hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử, khai thác chia sẻ dữ liệu vẫn chưa đảm bảo cập nhật đầy đủ và vận hành thông suốt; đường truyền, kết nối tại một số địa phương còn chưa ổn định…

Phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý rộng hơn cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng số để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tham mưu đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế.

Đây cũng là một thách thức lớn đối với TP với số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông và địa bàn rộng, có một số địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, xã đảo nơi điều kiện triển khai còn hạn chế.

Thời gian tới, TP sẽ rà soát, tập trung giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Hoàn thành cơ bản phương án bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách theo lộ trình… NGUYỄN THẢO

(*) Các ý kiến được nêu tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm 2025 của Bộ Nội vụ ngày 25-7.

BẢO PHƯƠNG - LÊ THOA - THANH TUYỀN - TRỌNG PHÚ - NGỌC SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/mot-thang-van-hanh-mo-hinh-2-cap-chinh-quyen-gan-dan-hon-post862653.html