Một thiết kế chỉ hoàn hảo khi thích ứng cả cho người khuyết tật
Ngày thứ năm 21-5 năm nay là Ngày Nhận thức khả năng tiếp cận toàn cầu (GAAD: Global Accesibilty Awareness Day), đó là ngày mà các nhà thiết kế và phát triển được nhắc nhở rằng các thiết kế của họ, đặc biệt đối với các sản phẩm kỹ thuật số phải làm sao cho những người khuyết tật vẫn có thể tiếp cận được ở mức tốt nhất.
* Hơn 1 tỷ người có khuyết tật trên toàn thế giới
Nếu xét rằng người khuyết tật là người bị mất hoặc khiếm khuyết năng lực sử dụng tay chân hay các giác quan thì hiện nay trên thế giới có đến hơn 1 tỷ người khuyết tật, nghĩa là trong 8 người thì đã có 1 người khuyết tật.
Những dạng khuyết tật phổ biến nhất và những lưu ý cần thiết khi thiết kế sản phẩm cho họ sử dụng là:
Microsoft đăng bài viết của Kevin Peesker, Chủ tịch Microsoft Canada nhấn mạnh rằng trong tình hình đại dịch Covid-19 nhu cầu của những người khuyết tật càng cần được nâng cao khi học tập, làm việc đều được thực hiện online. Điều này càng bức thiết hơn nữa ở Canada, nơi 1/5 dân số là người khuyết tật.
Khiếm khuyết về thị giác: Những người mù cần văn bản thay thế (gọi là alternative text) để mô tả cho những hình ảnh nhiều ý nghĩa và sử dụng bàn phím chứ không phải chuột để tương tác với các yếu tố trên màn hình.
Khiếm khuyết về thính giác: Những người bị điếc hoặc lãng tai sẽ cần phụ đề cho các bài thuyết trình video và các tín hiệu hình ảnh thay cho tín hiệu âm thanh.
Khiếm khuyết về tứ chi: Những người bị suy giảm vận động có thể cần loại bàn phím riêng, điều khiển bằng mắt hoặc một số phần cứng thích ứng khác để giúp họ gõ và dịch chuyển con trỏ trên thiết bị của họ.
Khiếm khuyết về nhận thức: Một màn hình không lộn xộn, điều hướng nhất quán và sử dụng ngôn ngữ đơn giản sẽ hữu ích cho những người có khuyết tật về nhận thức.
* Sự ra đời của Ngày Nhận thức khả năng tiếp cận toàn cầu
Sản phẩm công nghệ được thiết kế ra để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người bình thường. Khi thiết kế sản phẩm đó để phù hợp với người khuyết tật thì nó lại trở nên không phù hợp với người bình thường. Nếu thiết kế riêng những dòng sản phẩm dành cho người khuyết tật thì lại là giải pháp không kinh tế, vì số lượng người khuyết tật không nhiều mà lại có nhiều dạng khiếm khuyết khác nhau về thị giác, tứ chi, thính giác… Giải pháp thường được chọn là cho phép người sử dụng thay đổi phần thiết lập của ứng dụng. Ví dụ như trong Windows, người dùng có thể chọn mục Setting - Ease of Access. Một giải pháp khác là viết thêm các ứng dụng phụ để bổ sung cho ứng dụng chính.
Việc giải quyết các vấn đề này làm mất thêm nhiều thời gian và tốn kém cho các nhà sản xuất phần mềm, thiết bị số. Do vậy khi dự án thiếu kinh phí hoặc thời gian thì nội dung thiết kế để người khuyết tật tiếp cận được dễ bị bỏ qua.
GAAD đã ra đời để nhắc nhở mọi người chú ý trở lại thế giới của những người khuyết tật. GAAD nhắm đến các nhà phát triển, nhà thiết kế và các nhà sáng tạo khác tập trung nhiều hơn vào khả năng tiếp cận kỹ thuật số và đưa công nghệ mới đến hàng tỷ người trên toàn thế giới bị khuyết tật hoặc khiếm khuyết một khả năng nào đó. Ngày này được tổ chức vào thứ năm, tuần thứ ba của tháng 5 hằng năm, năm nay là ngày 21-5.
GAAD ban đầu được lấy cảm hứng từ một bài đăng trên blog của nhà phát triển web Joe Devon vào năm 2011. Trong đó, ông kêu gọi các nhà phát triển kết hợp làm việc cùng nhau để thu hẹp khoảng cách tiếp cận bằng cách nâng cao nhận thức và tiêu chuẩn toàn cầu.
Sau đó, Devon đã hợp tác với Jennison Asuncion để đưa GAAD trở thành hiện thực. GAAD đã tiếp tục phát triển mỗi năm và hiện đã đạt đến giai đoạn mọi người tổ chức các sự kiện ảo và trực tiếp khắp thế giới. Hiện nay, ngày càng nhiều người tham gia vào GAAD mỗi năm để nói chuyện, suy nghĩ và tìm hiểu thêm về cách thế giới kỹ thuật số (web, phần mềm, di động...) có thể trở nên dễ tiếp cận và bao quát hơn đối với những người khuyết tật khác nhau.
* Tại sao phải nhận thức khả năng tiếp cận?
Có rất nhiều lý do đạo đức rõ ràng về khả năng tiếp cận của những người có vấn đề về năng lực, nhưng trên hết, người khuyết tật cần có quyền tương tự như những người bình thường, bao gồm: khả năng tham gia, học hỏi và giao tiếp qua thế giới kỹ thuật số. Một công ty tạo nên sản phẩm có khả năng tiếp cận, là đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người khuyết tật sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đồng thời tăng hình ảnh về trách nhiệm của công ty với cộng đồng.
Nếu một công ty không tạo ra các thiết kế mà người khuyết tật có thể truy cập được vì lý do tài chính, điều đó có nghĩa là công ty ấy không chỉ hành động bất hợp pháp mà còn thiển cận về giá trị kinh doanh mà họ có thể đạt được từ các thiết kế này. GAAD thực hiện một công việc tuyệt vời để thúc đẩy điều đó.
* Các công ty lớn hưởng ứng Ngày Nhận thức về tiếp cận toàn cầu năm 2020
Theo thông lệ, GAAD năm nay các công ty đã hưởng ứng bằng cách phổ biến ý nghĩa của ngày này và giới thiệu những sản phẩm phục vụ cho người khuyết tật.
Google đã giới thiệu bài viết của Anne Nash - nhà quản lý lập trình của Google for Education và bản thân cô cũng là người khuyết tật. Với vai trò đặc biệt của mình, Nash cho biết đã nhìn thấy tận mắt các nhà giáo dục sáng tạo và các công cụ kỹ thuật số có thể nâng cao trải nghiệm học tập cho học sinh khuyết tật. Những công cụ của Google như Select-to-Speak (chọn tới đâu nói ra tiếng tới đó) giúp học sinh có thị lực kém cải thiện khả năng đọc hiểu vì họ có thể lắng nghe khi đọc bằng mắt. Công cụ trong Docs giúp những học sinh khuyết tật hạn chế khả năng sử dụng bàn phím có thể dùng giọng nói để nhập văn bản. Nash cho biết Google luôn tập trung sử dụng các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo để mở rộng khả năng tiếp cận kỹ thuật số. Đối với những người học bị khiếm thính, khó nghe hoặc cần hỗ trợ thêm để tập trung, bạn có thể bật chú thích trực tiếp trong Google Slides và trong Google Meet. Trên Chromebook, sinh viên có quyền truy cập vào các công cụ tích hợp, như trình đọc màn hình, bao gồm ChromeVox và Select-to-Speak…
Cũng nhân dịp này, Google phát hành Action Blocks, đây là một ứng dụng trên Android cho phép tùy chỉnh để ra lệnh cho Google Assistant thực hiện các hành động chỉ bằng cách nhấn phím tắt trên màn hình chính. Người dùng có thể thiết lập tính năng này để người thân bị khuyết tật sử dụng Google Assitant thuận tiện hơn. Những công cụ trợ năng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo như Live Transcribe (chuyển đổi lời nói thành văn bản) và Sound Amplifier (khuếch đại âm thanh) được cập nhật giúp hỗ trợ người bị khiếm thính tốt hơn.
Microsoft đã tập trung vào việc chuyển đổi giọng nói thành văn bản theo thời gian thực, công nghệ nhận dạng hình ảnh và chức năng tiên đoán văn bản để biến thành giọng nói. Gần đây các tính năng mới đã được thêm vào ứng dụng Microsoft Soundscape. Microsoft Soundscape là một trợ thủ đắc lực cho người mù hoặc thị lực yếu, nó chuyển đổi các hình ảnh, tín hiệu, tọa độ đường phố thành âm thanh giúp họ có thể định hướng khi di chuyển trên đường. Microsoft Soundscape cũng có thể đọc mã vạch giúp người mù biết được sản phẩm đang có trước mặt là gì.
Những cải tiến công nghệ phải luôn lưu ý đến người khuyết tật trong cộng đồng, và GAAD là dịp để nhắc nhở các công ty, các nhà thiết kế lưu tâm hơn nữa đến điều này.