Một thời bện nơm bắt cá

Bắt cá bằng nơm là hình ảnh quen thuộc của người dân thôn quê một thuở. Ngày ấy, tranh thủ lúc nông nhàn, nhiều người chẻ tre để bện nơm bắt cá.

Hình ảnh cụ Trần Mươi (81 tuổi), ở thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) bện nơm đăng trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm, gợi nhớ cuộc sống nơi làng quê hàng chục năm về trước. Thuở ấy, chiếc nơm tre là vật dụng quen thuộc của nhiều gia đình. Họ chặt tre mỡ già, thân thẳng rồi cưa thành từng khúc dài ngắn tùy theo cỡ nơm dự kiến. Trong đó, có 3 cỡ là nơm tay cao chừng 30cm, nơm lỡ cao từ 50 - 55cm và nơm lớn tầm 80cm. Sau khi cưa, dùng rựa chẻ tre rồi vót sơ và mang ra trải đều trên nền sân phơi nắng chói chang. Khi tre khô ráo, vót láng và dùng sợi mây rừng chẻ nhỏ bện thành chiếc nơm trông khá đẹp mắt. "Lúc trước bện bằng mây nhưng sau này dùng lưới. Bởi vì lưới bện dễ hơn và bền chắc. Khi được bảo quản cẩn thận, nơm dùng được khá lâu", cụ Mươi cho biết.

Cụ Trần Mươi bên chiếc nơm tre.

Cụ Trần Mươi bên chiếc nơm tre.

Ngày trước, người dân quê tôi thường úp nơm bắt cá với không khí hết sức sôi động. Nắng hạ khiến đầm Lâm Bình dần cạn nước. Mùa úp nơm bắt đầu. Ban ngày, người dân trong làng cặm cụi chăm bón lúa ở ruộng đồng hay vun xới hoa màu trên gò đồi. Sau bữa cơm tối, cánh đàn ông í ới gọi nhau mang nơm ra đầm làm xao động làng quê. Những đêm trăng sáng, người tham gia úp nơm đông gấp bội. Mọi người tụ tập đầu làng rồi mang nơm cuốc bộ băng qua ruộng đồng ra bờ đầm. Tới nơi, họ nhẹ bước xuống nước, hướng ra xa bờ. Đến nơi đã định, họ dàn hàng ngang quay mặt vào bờ. Cả đội hình như đoàn quân xung trận với chân bước bì bõm, hai tay cầm đôi nơm liên tiếp úp mạnh xuống nước. Ánh trăng vằng vặc soi tỏ mặt nước lay động bởi chân bước cùng những chiếc nơm úp dồn. Khi lũ cá bị nơm dồn đuổi vào gần bờ, chúng nháo nhào tìm cách thoát thân, đâm cả vào chân người. Chợt có tiếng la to. Một người đang gắng sức đè chặt chiếc nơm, vui vẻ nói cười. Cảm giác bắt cá trong nơm thật là thích. Cá lớn quẫy mạnh làm nước tung tóe. Có con lượn vòng quanh tìm khe hở để thoát ra ngoài. Khi bắt được cá to cho vào giỏ tre đeo bên hông, nhiều người thì vỡ òa vui sướng, hể hả nói cười. Giữa khung cảnh náo nhiệt, chợt có tiếng xuýt xoa nuối tiếc vì sẩy cá lớn.

Mọi người lên bờ khi đêm đã khuya, chiếc giỏ tre đeo bên hông trĩu nặng. Họ nghỉ ngơi trong giây lát, chuyện trò dăm câu, mời nhau điếu thuốc lá cho vơi cái lạnh sau những giờ ngâm mình trong nước. Rồi họ cuốc bộ về làng với tiếng chó sủa sâm ran trong đêm khuya thanh vắng. Các bà, các mẹ bưng đèn dầu lựa những con cá tràu còn sống rộng trong lu nước. Sau đó, sơ chế mớ cá chép rồi kho hay muối mặn dành để ăn dần. Những con cá tươi ngon bắt từ đầm Lâm Bình là món quà biếu cho bà con họ hàng hay hàng xóm láng giềng cho tình người thêm gắn bó. Nhiều gia đình đem cá bán ở chợ quê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ông Lê Tiểu, ở thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường hào hứng kể việc hành nghề lưới lùng bắt cá tại đầm An Khê (xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ) thời bao cấp. Nhóm của ông gồm 10 người do 2 bậc cao niên nhiều kinh nghiệm chỉ dẫn và cùng tham gia đánh bắt. Tầm 1 giờ sáng, họ nhóm lửa thổi cơm và ăn uống trước khi xuống đầm bắt cá. Cả nhóm "bày binh bố trận" lùa cá vào trong vòng lưới. Hai người giăng 2 tấm lưới hình chữ V hướng vào bờ ở khu vực nước sâu đến ngực. Họ thận trọng dùng chân giậm mép lưới bên dưới lún xuống bùn cát để cá khỏi luồn ra ngoài. Những người còn lại tiến theo đội hình chữ V đối diện, hướng ra xa bờ. Họ dùng thanh tre già ở phần gốc vót láng bóng, dài cỡ 2 sải tay, cong tựa chiếc đòn gánh đập mạnh xuống nước xua cá vào gần lưới. Những con cá tinh khôn không bơi vào lưới mà bất chấp hiểm nguy chạy ngược ra ngoài, vượt qua những thanh tre đang đập mạnh xuống nước...

Một góc đầm An Khê, nơi người dân từng đánh bắt cá bằng nơm.

Một góc đầm An Khê, nơi người dân từng đánh bắt cá bằng nơm.

Hai bậc cao niên giăng tiếp đôi lưới tạo thành 2 vòng vây cá vào bên trong khi chúng gắng sức tìm cách thoát ra ngoài. Rồi họ cùng nhau dùng nơm, vó úp bắt cá giữa những tiếng reo đầy phấn khích vang vọng cả một vùng. Lũ cá hốt hoảng chạy loạn xạ, nào là cá chép, cá tràu, cá chình... Khi hết cá trong vòng lưới, mọi người đưa dụng cụ lên thuyền và chuyển đến nơi khác tiếp tục đánh bắt. Cảnh mưu sinh sôi động kéo dài đến tầm 1 giờ chiều mới kết thúc. Họ vào bờ với lượng cá thu được hàng trăm kilôgam chia đều cho các thành viên trong nhóm.

“Lúc đó, đầm An Khê cá nhiều lắm nên chỉ bắt toàn cá lớn. Có bữa bắt được con cá chình đường kính cả gang tay”, ông Tiểu nhớ lại. Giờ đây, không còn nhiều cá như xưa nhưng cư dân sinh sống ven đầm Lâm Bình vẫn còn giữ chiếc nơm tre mộc mạc hiện diện nơi làng quê thuở trước.

Bài, ảnh: TRANG THY

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/doi-song/202406/mot-thoi-ben-nom-bat-ca-5f80dde/