Một thời hào hùng không thể quên

Năm 2024, kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh. Nhớ lại những năm tháng anh dũng chiến đấu cũng như cống hiến xây dựng quê hương giữa thời bình, những chứng nhân một thời hào hùng của quê hương lũy thép vẫn không khỏi xúc động...

Người anh hùng 5 lần gặp Bác Hồ

Năm nay tròn 90 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng nhưng những ký ức một thời hào hùng trên mảnh đất lũy thép năm xưa vẫn sống mãi trong tâm trí ông Đinh Như Gia, hiện ở Khóm 5, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.

Tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, ông Gia đã có nhiều thành tích trong chiến đấu, sản xuất, bảo vệ vùng giới tuyến trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh ghi nhận: “Đinh Như Gia đã không chỉ sáng tạo, dũng cảm quên mình trong các trận đánh, bắn trả máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt mà còn rất tài năng, mưu trí trong chỉ đạo sản xuất, giúp hơn 600 ha đồng lúa, hoa màu của Vĩnh Nam đạt năng suất cao nhất hằng năm...”.

Anh hùng Đinh Như Gia với bức ảnh chụp chung với Bác Hồ năm xưa - Ảnh: ĐV

Anh hùng Đinh Như Gia với bức ảnh chụp chung với Bác Hồ năm xưa - Ảnh: ĐV

Nhờ nghiên cứu, nắm vững quy luật bắn phá của địch, ông Gia đã bố trí người dân sản xuất hợp lý để phòng tránh máy bay ném bom của Mỹ, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong có thể xảy ra. Ông cũng chính là người sáng chế ra chiếc ròng rọc đưa cùng một lúc 8 chiếc nôi có 8 đứa trẻ từ mặt đất xuống địa đạo Vịnh Mốc an toàn mỗi khi có máy bay Mỹ ném bom đánh phá, giúp các bà mẹ yên tâm sản xuất.

Với những thành tích về lao động và chiến đấu, ông Đinh Như Gia đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và vinh dự nhận được huy hiệu của Bác Hồ trao tặng, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý... Nay dù tuổi đã cao nhưng ông Gia vẫn nhớ như in nhiều sự kiện đáng nhớ của đời mình, đặc biệt 5 lần ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Đối với ông Gia, mỗi lần được gặp Bác Hồ đều hết sức đáng nhớ và vẹn nguyên niềm cảm xúc khó phai.

Vào ngày 4/9/1957, lần đầu tiên ông Gia và đoàn dân quân du kích giới tuyến khu vực Vĩnh Linh vinh dự được tham gia lễ duyệt binh tại sân bay Bạch Mai. Hôm ấy, Bác Hồ đến thăm, hỏi han tình hình sản xuất, chiến đấu của quân dân Vĩnh Linh rất cặn kẽ. Sau đó Bác bắt nhịp bài hát “Bài ca kết đoàn” để mọi người cùng hát trước khi vẫy tay tạm biệt.

Mười năm sau, vào năm 1967, từ Vĩnh Linh ra Hà Nội tham dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 4, ông Gia một lần nữa được gặp Bác Hồ. Lần này ông được ưu tiên ngồi ăn cơm và nói chuyện với Bác Hồ về cuộc sống, lao động sản xuất và chiến đấu vô cùng khốc liệt nhưng rất đỗi anh hùng của người dân đất thép vĩ tuyến 17. Bác xới ba bát cơm, gắp thức ăn rồi động viên ông ăn thật nhiều.

Kết thúc bữa ăn, Bác tự tay lấy miếng đu đủ chín đưa cho ông Gia rồi nói: “Đu đủ này tự tay Bác trồng, nhưng là trồng trên đất của các cháu. Bởi cây thì Bác trồng nhưng là trồng trên đất của Chính phủ, của Nhân dân...”. Hiểu được ý nghĩa câu nói này, ông Gia và mọi người rất xúc động. Bác cũng không quên nhắc ông tranh thủ đi thăm các phố Tràng Tiền, ngõ Gia Ngư... để biết thêm về Thủ đô vì trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cơ hội được ra Hà Nội công tác rất khó khăn.

Cũng trong dịp ấy, sau khi dẫn mọi người đi thăm vườn cây ở Phủ Chủ tịch về, Bác Hồ gửi ông Gia 5 kg bồ kết về tặng cho chị em phụ nữ ở Vĩnh Linh. “Bác dặn tôi về chia bồ kết tặng mỗi chị em gội đầu cho thơm, cho sạch sau mỗi lần chiến đấu, sản xuất vất vả, hiểm nguy. Nhưng sau này các chị em hầu như không dùng bồ kết gội đầu mà giữ làm kỷ niệm cho đến khi mục mủn đi...”, ông Gia kể. Kết thúc đại hội, ông Gia vinh dự cùng với các anh hùng trên khắp mọi miền đất nước chụp ảnh kỷ niệm với Bác.

Đối với ông Gia, mỗi lần được gặp Bác Hồ đều hết sức đáng nhớ và vẹn nguyên niềm cảm xúc khó phai. Vào ngày 4/9/1957, lần đầu tiên ông Gia và đoàn dân quân du kích giới tuyến khu vực Vĩnh Linh vinh dự được tham gia lễ duyệt binh tại sân bay Bạch Mai. Hôm ấy, Bác Hồ đến thăm, hỏi han tình hình sản xuất, chiến đấu của quân dân Vĩnh Linh rất cặn kẽ.

Về Vĩnh Linh, tiếp tục với nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất lương thực cung cấp cho miền Nam ruột thịt. Và với những thành tích xuất sắc của mình, ông tiếp tục được trở lại Hà Nội thêm 3 lần nữa để được gặp Bác Hồ.

Ông Gia đặc biệt nhớ như in lần thứ 5-lần cuối cùng được gặp Bác, đó là dịp ông ra dự họp Đội Lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc vào một ngày tháng 8/1968. Ông Gia vô cùng xúc động kể lại, dù sức khỏe lần này đã yếu nhưng khi gặp lại Bác vẫn nhớ và gọi tên ông. Bác yêu cầu ông kể về vụ bom Mỹ đánh sập hầm làm chết 61 người già, trẻ em ở Vĩnh Quang; về tình hình chiến đấu, sản xuất của quân dân Vĩnh Linh ra sao.

Đến cuối buổi, Bác Hồ nói cần vụ mở các bài hát về ví dặm Nghệ Tĩnh, về đảo Cồn Cỏ, Vĩnh Linh. Đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, nghe xong Bác bảo mở lại thêm một lần nữa cho Bác nghe. Và những ca từ sâu lắng, da diết của bài hát này đã làm Bác xúc động đến trào nước mắt.

“Lúc chia tay, Bác dặn về lại quê nhớ nhắc bà con rằng càng gần đến thắng lợi thì càng ác liệt, cam go. Vì vậy, khi nào ngớt bom đạn thì nói bà con lên hầm nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục sản xuất, chiến đấu quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất nước nhà”, ông Gia kể.

Ngoài 5 lần gặp Bác Hồ khi còn sống, đến năm 1969 khi Bác mất, ông Gia còn tham gia cùng đoàn đại biểu khu vực Vĩnh Linh ra trực đám tang của Bác ở vườn hoa Ba Đình. Trước khi nghỉ hưu, Anh hùng Đinh Như Gia từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh.

Người dân quân du kích gan dạ ở Thái Lai

Ông Nguyễn Quang Kiểu, 75 tuổi ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh là một dân quân du kích dũng cảm, gan dạ năm xưa. Vóc người khỏe khoắn, giọng vang vang đặc trưng miền biển, ông Kiểu kể sinh động những năm tháng gắn bó với Đại đội dân quân thôn Thái Lai, phụ trách khẩu đội 12 ly 7 ở thôn.

Ông trực chiến đấu khẩu đội 12 ly 7 trong giai đoạn từ năm 1967-1973, đây cũng là những năm ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên mảnh đất Vĩnh Linh. “Nhiệm vụ của tôi là trực khẩu đội 12 ly 7 của thôn đặt trên đồi cát cao. Thời điểm này trận địa rất ác liệt khi giặc Mỹ thường xuyên oanh tạc ở Vĩnh Linh nói chung, Vĩnh Thái nói riêng. Vĩnh Linh thời điểm đó như là túi bom, vì máy bay Mỹ cứ đi đánh ở đâu về còn đạn là tập trung trút xuống hết khiến làng mạc xơ xác, thương vong nhiều”, ông Kiểu kể.

Trong những năm tháng ác liệt này, ông Kiểu cùng dân quân địa phương thường xuyên phối hợp với bộ đội chủ lực bắn máy bay địch. Trong đó, ông góp công cùng quân dân xã Vĩnh Thái bắn rơi 1 máy bay F4H của Mỹ vào ngày 4/5/1972.

“Chiếc F4H này bay vào từ hướng biển, bị ta phát hiện và hiệp đồng bắn đồng loạt với nhiều khẩu đội tham gia. Sau khi lọt vào trận địa và trúng nhiều loạt đạn của quân ta, chiếc máy bay này lảo đảo bay trở ra biển thì bốc cháy, rơi xuống biển. Đây là chiến công oanh liệt và đáng tự hào của quân dân xã Vĩnh Thái lúc bấy giờ”, ông Kiểu kể thêm.

Thú vui đời thường của ông Nguyễn Quang Kiểu - Ảnh: Đ.V

Thú vui đời thường của ông Nguyễn Quang Kiểu - Ảnh: Đ.V

Theo ông Kiểu, thời điểm ác liệt nhất ở Vĩnh Thái diễn ra từ năm 1966- 1967, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Có thời điểm chúng oanh tạc liên tục từ sáng đến đêm với mật độ dày đặc, cứ 10-15 ngày rải bom một lần. “Đặc biệt, đêm 9/9/1972 âm lịch, nhiều máy bay Mỹ kéo ra đánh cả đêm trút bom bi, bom tấn xuống thôn Thái Lai. May dân làng hầu hết đã sơ tán lên hầm trú ẩn trên đồi cát nên giảm tối đa thương vong.

Tuy vậy, vẫn có 2-3 gia đình trong thôn bị trúng bom xăng napal chết ngạt ở trong hầm. Sáng hôm sau nhà cửa trong thôn hầu hết tan hoang, hố bom chi chít trong làng...”, ông Kiểu nhớ lại và cho biết, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt trên quê hương Vĩnh Linh cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973 mới ngưng. Từ năm 1966-1968, ông Kiểu cũng trực tiếp tham gia 4 chuyến vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ.

Hòa bình lập lại, từ năm 1985 đến năm 1990, ông Kiểu làm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái. Sau đó, ông chuyển về làm ở Xí nghiệp đông lạnh Cửa Tùng, đến năm 2005 thì nghỉ hưu theo chế độ cho đến nay. Anh dũng, gan dạ trong kháng chiến chống Mỹ cũng như mẫn cán trong công tác ở thời bình, ở mỗi giai đoạn của đời mình, ông Nguyễn Quang Kiểu luôn được các cấp, ngành tín nhiệm, đánh giá cao và Nhân dân tin yêu. Gia đình ông con cái đều trưởng thành, hiếu thảo, là tiêu biểu tại địa phương.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/mot-thoi-hao-hung-khong-the-quen-187742.htm