Một thôn 6 vị đại khoa nức tiếng Kinh Bắc

Thôn Đông, xã Đào Viên (Quế Võ) là một vùng quê nổi tiếng ở Bắc Ninh, bởi thành tích khoa bảng rực rỡ với 6 vị đại khoa trong gần 150 năm.

Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai tại thôn Cổng.

Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai tại thôn Cổng.

Từ chăn voi thành Tiến sĩ khai khoa

Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, thôn Đông là một làng cổ xứ Kinh Bắc. Trước năm 1946, thôn Đông là một thôn của xã Đào Viên thuộc tổng Đào Viên, huyện Quế Dương, nay là xã Đào Viên (Quế Võ, Bắc Ninh).

Mặc dù là một thôn làng không lớn, nhưng trong lịch sử khoa bảng, thôn Đông đã viết thành những dòng sử chói lọi về sự học và sự thành công trong sự nghiệp lều chõng.

Theo sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” và “Văn bia Văn miếu Bắc Ninh”, thì từ năm 1511 đến năm 1659, chỉ trong vòng 148 năm, thôn Đông đã sản sinh cho đất nước 6 vị Tiến sĩ nho học. Họ đều là những nhân tài, cống hiến cho đất nước và vương triều đương thời cả ở lĩnh vực quân sự, ngoại giao và giáo dục.

Người khai khoa thôn Đông được xác định là Mai Bang, sinh năm Nhâm Dần (1482), xuất thân từ nghề chăn voi. Năm 30 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), tên đứng thứ 5 trong khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời vua Lê Tương Dực.

Khoa thi này lấy đỗ 47 người, trong đó 3 Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 9 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 35 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm Tân Mùi - 1511 tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước đến thi Đình, vua thân hành xem bài thi rồi định bậc cao thấp.

Khoa thi này, vua đích thân ra bài văn sách hỏi về đạo trị nước xưa nay. Văn bia đề danh còn ghi: “Lòng thánh đế lo xa, đã có sẵn quy hoạch, đối với những người thi đỗ trong bảng này đặc cách ban khen bạt dụng, đều bổ cho giữ các chức ở Hàn lâm viện và các chức khoa đài ở các bộ, ơn huệ rất dày, chế độ rất đủ. Đăng khoa thì có sách chép, đề danh thì có bia là cốt để lưu tiếng thơm trong sử sách, làm rạng rỡ sự nghiệp đến muôn đời”.

Mai Bang làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý. Có tài liệu viết ông tham gia chinh chiến và bị tử trận. Tư liệu lịch sử về nhà khoa bảng Mai Bảng khá khiêm tốn, sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thư lục” chép đôi dòng: Mai Bang xuất thân từ chỗ huấn luyện voi, là anh của Mai Khuyến, ông nội Mai Trọng Hòa. Văn bia Văn miếu Bắc Ninh ghi: Ông mất khi làm việc.

Sau Mai Bang, ở thôn Đông có Nguyễn Thuyên xuất thân từ nho sinh, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 đời Lê Cung Hoàng (1523).

Khoa này lấy đỗ 36 người, trong đó có 3 Tiến sĩ cập đệ, 8 Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 25 đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Thuyên từng được cử đi sứ phương Bắc. Ông làm quan trải đến chức Thừa chính sứ. Sau khi mất, được triều đình truy tặng chức Thượng thư, tước Lương Ngạn bá. Ông là con rể Tiến Quận công Nguyễn Lĩnh.

Vị đại khoa thứ 3 của thôn Đông là Mai Khuyến, xuất thân nho sinh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính thứ 6 đời Mạc Đăng Dung (1535). Khoa này lấy đỗ 32 Tiến sĩ, trong đó Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên.

Sau khi đỗ đạt, Mai Khuyến được bổ quan và từng được cử đi sứ phương Bắc. Ông làm đến chức Tả Thị lang bộ Lễ. Ông là em trai Tiến sĩ Mai Bang và là thân phụ của Tiến sĩ Mai Công, là tằng tổ của Tiến sĩ Mai Trọng Hòa.

Liên tiếp ghi danh bảng vàng

Người tiếp tục mạch khoa bảng thôn Đông là Mai Công, sinh năm Canh Dần (1530), xuất thân là Quan viên tử. Năm 24 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu niên hiệu Cảnh Lịch thứ 6 đời Mạc Phúc Nguyên (1553).

Ông từng được cử đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, tước An thường hầu. Gia phả họ Mai ghi ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình. Ông là con Tiến sĩ Mai Khuyến, ông nội Tiến sĩ Mai Trọng Hòa.

Theo sách “Lê Quý Đôn toàn tập”, mục “Nghịch thần truyện” của Lê Quý Đôn ghi chép rằng, trong trận giao tranh giữa quân nhà Lê và quân nhà Mạc diễn ra tại vùng Cẩm Giàng, Chí Linh, Đông Triều, ngày mùng 9 tháng Giêng năm Quý Mùi niên hiệu Quang Hưng thứ 16 (1593): “Thượng thư Mai Công (người xã Đào Tai, huyện Quế Dương) bị bắt không chịu khuất nên bị giết”.

 Văn bia khoa Tân Mùi (1511) ghi danh Mai Bang.

Văn bia khoa Tân Mùi (1511) ghi danh Mai Bang.

Người thứ 5 của thôn Đông đỗ đạt là Nguyễn Lễ, sinh năm Tân Hợi (1551), xuất thân từ Giám sinh. Năm 21 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Tân Mùi niên hiệu Sùng Khang thứ 6 đời Mạc Mậu Hợp (1571).

Khoa thi này được chép lại như sau: Kỳ thi Hội, lấy được 17 người hợp cách. Vào sách vấn cho 2 người đỗ Tiến sĩ cập đệ (khuyết Trạng nguyên) 3 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 12 người cho đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Tuy nhiên, theo tư liệu dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1571), thì khoa thi này chỉ lấy tất cả 5 Tiến sĩ, trong đó khuyết Trạng nguyên, Thám hoa thuộc về Nguyễn Cung, Nguyễn Lễ đứng hàng thứ 2, Hoàng Hữu Quang, Phạm Ngạn Toát và Ninh Triết đứng sau ở bậc Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.

Ông từng được cử đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, tước Quế Giang bá. Thời Lê trung hưng, ông bị giáng xuống làm Hữu Thị lang bộ Hộ.

Vị đại khoa cuối cùng được ghi nhận là Mai Trọng Hòa, sinh năm Canh Tuất (1610), trước khi đi thi ông từng làm Tri huyện. Năm 50 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh (Hoàng giáp) khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời Lê Thần Tông (1659).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận có đoạn: “Mùa hạ tháng 4 vào Điện thí.

Ban cho bọn Nguyễn Quốc Trinh 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Mai Trọng Hòa 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Duy Chất 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ban áo mũ cân đai để y phục đẹp đẽ, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ ơn trọng hậu, rồi cho cưỡi ngựa vinh quy về làng, nêu cao lòng sủng ái.

Bấy giờ khanh sĩ làm quan tại triều, ấn thao tua mũ san sát đầu hồi chính điện; có người cầm ấn phù tiết việt đi trấn giữ một phương, nườm nượp răm rắp, trong ngoài gắng gỏi, đều là những người thi đỗ trong khoa này. Nhân tài như thế, há chẳng là thịnh hay sao!”.

Mai Trọng Hòa làm quan đến chức Hiến sát sứ. Ông là cháu nội Tiến sĩ Mai Công, tằng tôn Tiến sĩ Mai Khuyến và là cháu xa của Tiến sĩ Mai Bang.

Thi cử là cơ hội bình đẳng

Có thể thấy, sự học ở thôn Đông phát triển rực rỡ trong gần 150 năm dưới thời nhà Lê, nhà Mạc và Lê trung hưng. Số người đỗ đại khoa tập trung vào hai dòng họ: Họ Mai và họ Nguyễn, trong đó họ Mai chiếm nhiều hơn với 4 Tiến sĩ được ghi danh.

 Tấm bia 'Hồng Phúc tự hồng chung bi' khắc năm Đoan Thái 1 (1586) do Tiến sĩ Mai Công soạn.

Tấm bia 'Hồng Phúc tự hồng chung bi' khắc năm Đoan Thái 1 (1586) do Tiến sĩ Mai Công soạn.

Trong 6 vị Tiến sĩ thôn Đông có thể thấy học vị đỗ đạt tương đối cao: 1 vị đỗ Bảng nhãn, 3 vị đỗ Hoàng giáp, 2 vị đỗ Đệ tam giáp. Điều thú vị hơn là nghề nghiệp trước khi họ đi thi, thì 1 vị là lính chăn voi (Mai Bang), 2 vị là nho sinh, 1 vị là Quan viên tử, 1 vị là Giám sinh, 1 vị là Tri huyện. Điều đó cho thấy việc thi cử thể hiện tài năng là bình đẳng, và là cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị xã hội.

Hiện nay, tại chùa Hồng Phúc (TP Bắc Ninh), bên dưới gác chuông còn bảo lưu được tấm bia đá cổ giá trị mang tên “Hồng Phúc tự hồng chung bi” dựng khắc vào thời Mạc (năm 1586), với nội dung do Tiến sĩ Mai Công soạn thảo.

Tấm bia cao 110cm, rộng 68cm, dày 17cm đặt trên lưng rùa. Trán bia mặt trước trang trí chạm nổi “lưỡng long chầu nhật”. Trán bia mặt sau trang trí chạm nổi “phượng chầu mặt nguyệt”.

Diềm bia phía trên trán, hai bên cạnh và phía dưới (giáp lưng rùa) cả hai mặt như nhau đều trang trí đề tài hoa cúc dây, cánh sen xếp chồng. Lòng bia khắc chữ Hán hai mặt tổng trên 1.500 chữ.

Nội dung văn bia phần đầu cho biết diễn biến quá trình đúc chuông chùa Hồng Phúc. Phần sau ghi chép toàn bộ tên họ những người cung đức đúc chuông. Bia khắc vào ngày 25 tháng 10 năm Đoan Thái 1 (1586), nội dung văn bia do Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư, Hàn lâm viện thị độc, chưởng Hàn lâm viện sự, An Thường hầu Mai Công soạn.

Theo ông Nguyễn Văn An (Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh), tấm bia chứa đựng giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật, góp phần phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc đá vào thời Mạc.

Đồng thời, bài văn bia là di văn quý hiếm còn lại của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Mai xã Đào Viên nổi tiếng đất Kinh Bắc dưới triều Lê - Mạc. Văn bia cũng cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác về khoa danh, chức tước, địa vị của một số vị Tiến sĩ đương thời.

 Nghi thức tế lễ tại nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai.

Nghi thức tế lễ tại nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai.

 Di tích nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai trở thành địa chỉ truyền thống giáo dục ở xã Đào Viên.

Di tích nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai trở thành địa chỉ truyền thống giáo dục ở xã Đào Viên.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ánh - Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai hiện tọa lạc vị trí giữa làng, mặt quay theo hướng Đông - Nam. Di tích vốn được khởi dựng từ thời Lê. Năm 1941, do lụt lội gây đổ nát các công trình nên dòng họ đã mua lại một căn nhà gỗ trong xã để dựng lại Tiền đường, tôn tạo Hậu đường.

Đến năm 1968, hầu hết các công trình bị hạ giải, chỉ còn duy nhất tòa Hậu đường. Năm 2002, dòng họ đã cùng nhau khôi phục lại tòa Tiền đường 3 gian. Năm 2005, tu bổ tòa Hậu đường. Năm 2020, nhà thờ được xây dựng lại mới hoàn toàn trên nền đất cũ.

Hiện, nhà thờ còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý có niên đại thời Lê, thời Nguyễn như: Ngai thờ, bài vị và 1 bia đá thời Lê; 1 hoành phi thời Nguyễn; 1 đôi câu đối thời Nguyễn; 6 bia đá thời Nguyễn cùng các đồ thờ tự có giá trị khác như: Hương án, trường kiếm, bảng chúc văn, hộp bài vị.

Hàng năm tại nhà thờ diễn ra các sự lệ như: Giỗ tổ ngày 21/12; ngày 3/3 Tết Thanh minh; các ngày sóc vọng hàng tháng. Vào ngày này, con cháu trong họ Mai lại tập trung dâng hương hoa lễ vật, cúng tế các vị thủy tổ của dòng họ và cùng nhau ôn lại gương sáng tổ tiên.

Với tài năng và phẩm chất, chức vụ cuối cùng mà 6 vị đại khoa thôn Đông được triều đình bổ nhiệm là: Thượng thư (2 vị), Thị lang (1 vị , sau khi qua đời được truy phong Thượng thư), Thừa Chính sứ (1 vị), Hiến sát sứ (1 vị), Hàn lâm hiệu lý (1 vị). Trong đó, 1 Tiến sĩ được phong tước Hầu, 1 Tiến sĩ được phong tước Bá và 4 nhà khoa bảng còn lại đều được chọn cử đi sứ.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mot-thon-6-vi-dai-khoa-nuc-tieng-kinh-bac-post691411.html