'Một tiếng gọi' từ tiềm thức sâu thẳm...

Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Thiên Sơn (Nguyễn Xuân Hoàng) trong buổi ra mắt tập thơ mới xuất bản của tôi. Cũng là lần đầu tiên tôi đọc thơ Thiên Sơn, tập thơ 'Một tiếng gọi'. 'Đến giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc đời tôi và thơ tôi là một tiếng gọi. Một tiếng gọi tha thiết trong mênh mông...'. Lời của tác giả in đầu tập thơ.

Một tiếng gọi tha thiết trong mênh mông; Một tiếng gọi trong tiềm thức sâu thẳm, một tiếng gọi trở về với chính mình:

...Ngỡ dấu chân tiền kiếp
Trôi dạt miền chiêm bao
Thảng thốt một tiếng gọi
Vọng đến trong thuở nào... (Một tiếng gọi).

“Một tiếng gọi” ra đời như thế. Giữa những lặng thinh. Những phút dừng. Những ngắt quãng. Và sự tự thương.

Bìa tập thơ của tác giả Thiên Sơn.

Bìa tập thơ của tác giả Thiên Sơn.

“Một tiếng gọi” giống như sự giải phóng một phần năng lượng nghệ thuật mà khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay phê bình... anh không thể chuyển tải hết. Nói cách khác, những rung động thơ tựa làn hơi mỏng manh quyến rũ đòi hỏi anh phải thu lọc lại và chưng cất riêng đợi ngày tỏa hương...”. ("Anh Thư - Thiên Sơn và tiếng gọi từ tiềm thức" - trang 113).

Thiên Sơn đã xuất bản 5 cuốn tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết “Dòng sông chết” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 về thể tài này. Thế nhưng tác phẩm đầu tiên xuất bản lại là thơ, tập thơ “Ngọn lửa đầu tiên”. Bắt đầu từ thơ và bây giờ vẫn là thơ!

Tôi thích những câu thơ của Thiên Sơn viết ra từ tiềm thức tưởng như đã bỏ lại sau lưng:

Gió vẫn thổi, chim vẫn kêu, mùa thu đã muộn
Sợi nắng nhạt dần vương trên gốc cây già
Ta ngồi trên cỏ ngâm một bài thơ cũ
Bỏ những điều giục giã lại sau lưng (Thu đã muộn).

...Năm tháng ruỗi dài
Đã hóa cõi chiêm bao
Ta đã khóc đã cười và đã mất
Đã bơ vơ tìm lại một ân tình (Đã bơ vơ tìm lại một ân tình).

Thiên Sơn vẫn được coi là người viết trẻ theo quan niệm xứ mình. Nhưng, thơ Thiên Sơn không rối rắm, cầu kỳ, không làm xiếc con chữ hay những triết lý vụn vặt như một số người làm thơ trẻ hiện nay. Thơ Thiên Sơn giản dị, cái giản dị nói như nữ tiểu thuyết gia người Pháp George Sand: Giản dị là cái khó nhất trên đời này. Đó là giới hạn tột cùng của từng trải và nỗ lực tột cùng của tài năng...

Giản dị mà sâu xa. Cũng có người làm thơ dễ dãi, tưởng thế là giản dị!

Phải sống hết mình, yêu hết mình, trung thực hết mình và phải có năng khiếu về thơ ...Người thơ mới có thể viết ra những câu thơ rung động hồn người. Tôi thích cái giản dị mà sâu xa, quen mà lạ, gợi và cảm trong thơ. Tôi thích những câu thơ mà Thiên Sơn viết tưởng như chơi mà thực ra đã chín muồi từ trong tiềm thức:

...Lá rụng hư vô không chạm đáy
Hương thời gian xanh tiếng đàn (Thăm thẳm).

Thời gì mà đục khoét cả đỉnh trời
Tầng ozone không thể nào vá lại
Thời gì mà đại dương cũng bị khoan thủng đáy
Trái đất đành rỗng ruột mà quay... (Thời gì?).

...Ta đứng chìm trong đêm
...Nụ cười thân thương ngày ấy
Kỷ niệm giờ bỏ hoang (Người đi lạc).

Khi tôi đọc những câu thơ rất giản dị tưởng ai cũng có thể viết ra được, nhưng, thực ra nó rất sâu xa, như thời gian vô định, như không gian vô hình, như cuộc đời này có có không không:

... Mà đời dần khuyết hao
Giấc mộng tàn bên gối
Sương tan và gió thổi
Hương nhòa trên lối xưa (Người đi).

Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang cũng nói về sự giản dị trong thơ Thiên Sơn: ''...với Thiên Sơn, ý nghĩa của hiện hữu đôi khi chỉ giản dị thế này thôi, giản dị làm ta trào nước mắt'':

...Con đi giữa đời gắng làm người tử tế
Dẫu cuộc đời huyền xoay dâu bể
Người tốt hôm qua có thể hôm nay không còn người tốt nữa
Hôm nay
...Những lúc cô đơn tận cùng muốn về bên mẹ khóc

Khi bình yên mơ thấy mẹ đang cười... (Nửa đêm thức dậy nghĩ về mẹ) (trang 124 - "Thơ của một người “Đi lạc”" - Bình Nguyên Trang).

Khi những câu thơ giản dị nhưng đọc lên làm ta trào nước mắt thì đấy thực sự là sự giản dị sâu xa, thực sự là tiếng gọi từ trong tiềm thức sâu thẳm của nhà thơ!

Thơ hay xưa nay thường viết về nỗi buồn, sự cô đơn của người thơ... Nhưng là nỗi buồn không tuyệt vọng, nỗi buồn làm cho con người sâu sắc hơn, nỗi buồn của sự hy vọng

...Tôi đi về phía ấy
Vắng
Mây mù
Gió ngược
Càng lúc càng hun hút
Những ngọn núi chắn ngang
Những vũng lầy hôi hám
Thú dữ gầm gừ
Tôi vẫn đi
Mệt mỏi
Cô độc
Cuối con đường in bóng một nhành hoa (Hy vọng).

“Một tiếng gọi” là tập thơ có tham vọng ôm chứa nhiều vấn đề. Nhiều mặt tâm trạng. Đó không phải là tập thơ đọc để bằng lòng, để hoan ca. Đó là tập thơ đọc xong để ngẫm ngợi, soi chiếu chính mình” ("Anh Thư - Thiên Sơn và Tiếng gọi từ tiềm thức" - trang 118).

Tôi mượn lời bình này của nhà báo, nhà thơ Anh Thư để làm cái kết cho bài viết của mình.

“Một tiếng gọi” thực sự có sự kết nối với người yêu thơ, bởi đó là “Một tiếng gọi” từ trong tiềm thức sâu thẳm, từ trong tâm hồn nhiều giao cảm của nhà thơ ...

Sóc Sơn 4/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mot-tieng-goi-tu-tiem-thuc-sau-tham--i732199/