Một tờ báo ở Mỹ bị AI 'lừa đẹp'
Tờ Chicago Sun-Times đăng danh sách 'sách ảo' gồm loạt tên sách không tồn tại do AI tạo ra nhưng vẫn kèm mô tả nội dung chi tiết và lý do nên đọc từng cuốn.

Tờ Chicago Sun-Times - một trong những tờ báo lớn tại thành phố Chicago, Mỹ - vừa thừa nhận đã đăng tải một bài viết mang tiêu đề Danh sách sách đọc mùa hè 2025 (Summer Reading List for 2025) gồm nhiều tựa sách không hề tồn tại.
Bài viết này do một cộng tác viên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra và được cung cấp bởi đối tác nội dung bên ngoài, không qua kiểm duyệt của tòa soạn.
Một số “tựa sách ma” trong danh sách gồm: Hurricane Season của Brit Bennett, Nightshade Market của Min Jin Lee, The Longest Day của Rumaan Alam, Boiling Point của Rebecca Makkai… Tác giả là người thật, nổi tiếng nhưng các cuốn sách thì không có thật. Thậm chí, bài viết còn mô tả nội dung chi tiết và lý do nên đọc từng cuốn.
Sự việc bị phát hiện khi người dùng mạng xã hội kiểm tra và không tìm thấy các cuốn sách. Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi: “Tại sao một tờ báo lớn lại để AI tưởng tượng ra nội dung mà không hề kiểm chứng?”.
Không dừng ở đó, cư dân mạng còn phát hiện nhiều bài viết khác trong chuyên mục mùa hè của Chicago Sun-Times cũng có dấu hiệu do AI tạo ra khi dẫn lời các chuyên gia không tồn tại hoặc trích nguồn từ những trang web… không có thật.
Ví dụ bài viết về xu hướng ẩm thực trích lời một “chuyên gia nhân chủng học thực phẩm” tên Catherine Furst được cho là từ Đại học Cornell, nhưng không ai như vậy tồn tại ở Cornell. Một bài khác về trang trí sân vườn lại dẫn lời biên tập viên một trang web có tên FirepitBase.com trong khi trang này không hề tồn tại.
Trước làn sóng chỉ trích, Chicago Sun-Times đã lên tiếng xin lỗi, cam kết gỡ toàn bộ nội dung liên quan, rà soát quy trình kiểm duyệt và cập nhật chính sách về nội dung do bên thứ ba cung cấp.
Tối ngày 20/5, tờ báo xác nhận danh sách sách nói trên được tạo ra bằng AI, do một đối tác nội dung có uy tín cấp cho Chicago Sun-Times và một số báo khác như Philadelphia Inquirer.
Đại diện tòa soạn thừa nhận đây là “một bài học lớn” cho ngành báo chí. Trong bối cảnh AI ngày càng hiện diện nhiều trong các tòa soạn, lằn ranh giữa tiện ích và lạm dụng công nghệ đang ngày một mong manh.
Nhiều tòa soạn hiện nay đã bắt đầu tuyển dụng phóng viên biết sử dụng AI để hỗ trợ trong quá trình viết bài. Xu hướng này giúp tiết kiệm thời gian nhưng cũng gây lo ngại về tính chính xác và đạo đức báo chí.
Nguồn Znews: https://znews.vn/mot-to-bao-o-my-bi-ai-lua-dep-post1555136.html